Hảo khẽ cười, gương mặt hồng hào, tươi tắn của người mẹ trẻ đã tạm chôn chặt nỗi buồn vào quá khứ: "Em làm mẹ đơn thân đến nay đã 2 năm. Làm mẹ đơn thân cũng có lúc tủi chút, nhưng mỗi ngày đi làm về, được nhìn thấy nụ cười đáng yêu của con gái, mệt mỏi tan biến hết".
Lý Thanh Hảo cho biết, cuộc hôn nhân buồn của quá khứ giúp cô mạnh mẽ, bản lĩnh hơn rất nhiều.
Cô quen và hẹn hò với người đàn ông ấy chừng 1 năm thì gia đình tổ chức đám cưới cho 2 đứa. "Cuộc sống vợ chồng chỉ tạm yên ả trong năm đầu tiên, đủ để em hiểu được trách nhiệm làm dâu, làm vợ. Nhà bố mẹ chồng ở sát tường nhà vợ chồng em, nên tuy sống riêng nhưng chung đủ thứ. Từ bữa cơm đến mọi đồ sinh hoạt gia đình… Em cứ nghĩ, chồng thấy em chăm sóc bố mẹ chồng, lo quan tâm cả gia đình chồng, anh sẽ cảm động, sẽ vì vợ con mà an tâm cùng vợ xây dựng gia đình tròn vẹn..." - Hảo thoáng nghẹn ngào nhắc lại chuyện cũ.
Có chút vốn liếng cô tích góp được trước khi lấy chồng, cô cũng mang ra hết để phụ cho chồng gây dựng sự nghiệp, mở mang nhà xưởng sản xuất.
|
Ảnh minh họa. |
"Em chỉ bắt đầu lờ mờ hiểu ra vấn đề khi em mang bầu và chuẩn bị sinh con, bao tiền lương kiếm được em lo sạch bách, sắm sanh mọi thứ cho gia đình chồng, giờ em bảo chồng đưa tiền cho vợ đi sắm đồ sơ sinh cho con, thật lạ chồng em chỉ ậm ừ rồi để đó. Đến lúc đi sinh đẻ, em nói chồng đưa tiền nộp phí bệnh viện, nhưng chồng em cũng lẩn mất. Thực sự em rất bực mình, từ ngày em về làm vợ, hàng năm trời anh đi làm không đưa tiền cho vợ, giờ vợ sinh con anh cũng không đưa" - Hảo buồn bực kể.
Vợ chồng Hảo nảy sinh cãi vã, anh nói nửa đùa nửa thật: "Con em đẻ ra, chứ có phải anh đẻ nó ra đâu?". Hảo nghe chồng nói mà nóng hết mặt. Chả nhẽ đứa con này sinh ra là do mình cô tự chịu trách nhiệm hay sao? Nó không phải là con anh sao mà có thể nói như vậy khi nó sắp chào đời? Cô cố gạt nước mắt, chạy đi vay tiền để vào viện sinh. Anh nói với theo vợ: Anh đi làm đưa hết tiền cho mẹ rồi, nên giờ anh cũng không có.
Nước mắt tủi thân cứ chảy ra khi cô bước vào phòng đẻ, rồi lủi thủi bế con về nhà mới thấy bố mẹ chồng đến nhìn mặt cháu nội chào đời và nói một câu: "Nó giống mẹ nó rồi".
Hảo vẫn nhẫn nhịn, nhắc chồng nói mẹ trả tiền 5 triệu đồng mà vợ vay đi sinh con cho người ta, kẻo quá ngày là họ tính lãi sẽ càng khó trả. Hảo nhớ lại: "Chỉ có vậy mà anh đi làm về kiếm chuyện gây sự nói em là con dâu hỗn láo, vay tiền xong lại bắt mẹ chồng đi trả tiền cho người ta?".
"Lúc này em mới vỡ lẽ, anh bảo, để cưới em, gia đình anh vay nợ 600 triệu đồng. Ngay cả chụp hình cưới, thuê áo cưới, ăn hỏi, giường chiếu mới… đều do mẹ chồng chọn mua, nên giờ anh đi làm phải đưa tiền cho mẹ trả nợ. Em nghe mà đắng họng, một đám cưới đơn giản như bao người khác ở quê, làm sao cần đến số tiền lớn như vậy? Mà những chuyện tày trời như thế, sao anh không nói cho em biết từ đầu? Em có phải người trong gia đình không, giờ anh nói đến chuyện nợ nần cưới xin ngày đó là sao?" – Hảo bức xúc gào ầm lên. Mẹ chồng sang nhìn vợ chồng Hảo cãi nhau thì nguẩy tay quay về nhà luôn.
"Ai ở bên ngoài nhìn vào cũng nghĩ em hạnh phúc, sang giàu khi có mẹ chồng lo cho chu toàn mọi thứ. Nghề nghiệp 2 vợ chồng đều ổn, có thu nhập khá. Bước đầu khó khăn vì anh phải mở mang sự nghiệp, em vẫn sẵn sàng lo mọi thứ trong gia đình để anh yên tâm lập nghiệp. Vậy mà khi anh vừa chớm thành công, có thu nhập cao thì anh lại lý do đưa hết cho mẹ trả nợ, những khoản mà em không được biết từ trước khi cưới. Còn em vay nợ để sinh con, có lẽ em phải tự lo?".
Còn nhớ khoảng thời gian Hảo mang bầu, khi biết là con gái, gia đình chồng không vui. Hảo ốm nghén rồi đến gần ngày đẻ, anh và bố mẹ chồng cũng không hỏi han, động viên con dâu một lời, chồng không cùng vợ lo sắm đồ sơ sinh cho con. Một mình cô đi làm, đi khám thai và tới tận lúc sinh vẫn một mình. Hảo cũng tự mua sắm đồ cho con bằng đồng tiền do chính cô làm ra.
Ngày ở cữ hết, cô cố nén lòng vì con, nói chồng mua đồ làm đầy tháng cho con, nhưng anh lại nặng lời nói: "Sao em cứ nhìn thấy chồng là đòi tiền mua này mua kia?". Em nói: Suốt tháng qua, em sinh đẻ không nhờ được nhà ngoại, vì cha mẹ ở xa, mình em lo thức đêm chăm con, vẫn cơm nước cho anh đủ đầy, anh vẫn ngủ đủ giấc để tiện đi làm, anh không hỏi xem hàng ngày vợ ăn gì để có sữa cho con bú?". Hảo nói một hồi cho bớt sự dồn nén bấy lâu với chồng rồi ôm con khóc thương phận mình, thương đứa con bé bỏng. "Con gái em có lỗi gì để khi sinh ra lại thiếu sự chăm sóc, yêu thương của cha nó, của gia đình nhà nội nó đến thế?" – Hảo gạt nước mắt đang lăn dài trên má.
Cuộc hôn nhân mới bắt đầu đã bấp bênh, cô cảm nhận sớm muộn nó cũng đổ vỡ. Ngày em quyết định điện thoại cho mẹ chỉ bằng nước mắt, mẹ chẳng hiểu em định nói gì, nhưng mẹ bảo: "Nếu con cố gắng hết sức mà không hạnh phúc, hãy về với mẹ. Mẹ con mình sẽ cùng nuôi con bé Bông nên người". Vậy là sau khi con được hơn 1 tháng tuổi, cô quyết định ôm con về ngoại.
"Em là trẻ mồ côi cha khi vừa sinh ra, nay con gái em có nhẽ nào cũng lặp lại nỗi buồn lặng của mẹ? Em chỉ nhắn chồng 1 câu: "Mình tạm xa nhau một thời gian, anh hãy xem lại tình cảm của mình có cần mẹ con em nữa hay không?". 3 tháng sau anh mang tiền về ném vào mặt 2 mẹ con, rồi bảo: "Đừng liên quan tới anh nữa, anh đã lo tiền sinh đẻ cho con xong rồi nhé. Từ nay về sau, tốt nhất là chúng ta đừng liên quan tới nhau nữa".
"Vậy là quá đủ, chẳng cần đến nửa năm em nghỉ hết chế độ thai sản, cũng chẳng cần 1 năm để cả 2 soi lại mình. Đó là lúc em nghĩ mình nên dứt khoát, bởi sẽ không cần thêm bất cứ một cơ hội nào cho anh ta nữa, em tổn thương đủ rồi".
Nay con gái đã 2 tuổi, anh rời xa con mà không hề nhớ con, không cần gặp con. Ông bà nội cũng không một lần hỏi han con bé, anh về sống với gia đình anh, lo cho gia đình anh hơn cả núm ruột do anh tạo ra.
"Em bây giờ rất hài lòng với hiện tại khi được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ đẻ".
Mẹ đơn thân khi trải qua đủ nỗi tủi hờn, bỗng thấy mình mạnh mẽ, bản lĩnh từng ngày, nhất là khi được tận hưởng nụ cười trong veo của con, được nhìn con lớn khôn mỗi ngày.
Theo Bảo Vy/PNVN