Sản phụ là chị Nguyễn Thị T.L, 33 tuổi ở Thanh Ba, Phú Thọ, mang thai 19 tuần thai lần 4, tiền sử mổ đẻ 3 lần, nhập viện trong tình trạng thỉnh thoảng đau hạ vị và đi tiểu buốt.
Tại khoa Sản bệnh A4, các bác sĩ đã tiếp nhận và chẩn đoán chửa vết mổ, rau tiền đạo cài răng lược ở vị trí sẹo mổ đẻ cũ, nguy cơ vỡ tử cung.
Bác sĩ khoa Sản bệnh A4 đã tư vấn cặn kẽ cho thai phụ và gia đình các nguy cơ sẽ xảy đến với thai phụ và thai nhi. Gia đình thai phụ tha thiết mong muốn theo dõi và giữ thai. Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 24h, tình hình bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh, ThS. BSCKII. Trương Minh Phương, phó trưởng khoa Sản bệnh A4 trực tiếp thăm khám và chẩn đoán vỡ tử cung tại vị trí rau cài răng lược. Khoa Sản bệnh A4 lập tức triển khai hội chẩn với ban lãnh đạo bệnh viện. Ca mổ cấp cứu do ThS. BSCKII. Trương Minh Phương và TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt thực hiện hết sức khó khăn do tính chất phức tạp của bệnh, bánh rau ăn sâu xâm lấn phá hủy toàn bộ cơ mặt trước tử cung vị trí sẹo mổ đẻ cũ, khối máu tụ do vỡ tử cung lan rộng, mất máu nhiều.
Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công cứu sống thai phụ, chị Nguyễn Thị T.L ổn định xuất viện sau 5 ngày điều trị. Theo bác sĩ Lê Ánh Diệp – Bệnh viện Từ Dũ nhau cài răng lược là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Bình thường sau khi sanh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng khi bị nhau cài răng lược bánh nhau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sanh, rối loạn đông cầm máu,..thậm chí tử vong cho người mẹ.
Trên thế giới tỉ lệ nhau cài răng lược ở các sản phụ thay đổi từ 1:2510 vào năm 1980 tăng lên đến 1:533 vào năm 2002 (Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ 2012).
|
Một ca mổ cho sản phụ tại BV Phụ sản Hà Nội. |
Những người dễ bị nhau cài răng lược như sản phụ bị nhau tiền đạo. Các nghiên cứu cho thấy mẹ bị nhau tiền đạo không kèm theo sẹo mổ cũ trên thân tử cung có khả năng tiến triển thành nhau cài răng lược từ 1 – 5%.
Phụ nữ có tiền căn sẹo mổ trên tử cung (mổ lấy thai, mổ bóc u xở tử cung,...). Ở nhóm sản phụ bị nhau tiền đạo có tiền căn mổ trên thân tử cung thì tỉ lệ nhau cài răng lược lần lượt là 11% cho vết mổ cũ 1 lần, 40% cho vết mổ cũ 2 lần, 61% cho vết mổ cũ 3 lần. Mẹ bầu có tiền căn hút nạo buồng tử cung, nhóm sản phụ trên 35 tuổi.
Nguy cơ nhau cài răng lược cũng tăng lên theo số lần sản phụ sanh con.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo, các mẹ bầu cần được chẩn đoán chính xác tình trạng nhau cài răng lược tại cơ sở y tế chuyên khoa lớn với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao. Và khi được chẩn đoán đúng, mẹ bầu sẽ có kế hoạch theo dõi thai kỳ và kế hoạch đưa thai ra tại thời điểm phù hợp.
Khi đã được chẩn đoán đúng nhau cài răng lược, mẹ bầu cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế có ngân hàng máu đầy đủ, các thiết bị hiện đại phù hợp chuyên ngành cũng như đội ngũ phẫu thuật viên có kinh nghiệm về mổ nhau cài răng lược để mang lại kết quả cuộc phẫu thuật tốt nhất, giảm tỷ lệ tai biến, trao niềm hạnh phúc cho mẹ và con.
Nhau cài răng lược có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm lúc em bé còn non tháng nên mẹ bầu hãy lựa chọn cơ sở y tế có khả năng hồi sức và nuôi dưỡng trẻ non tháng.
Các sản phụ có vết mổ đẻ hoặc mổ u tử cung trước đó nên được quản lý thai chặt chẽ, chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến sẹo mổ đẻ cũ như chửa vết mổ, rau tiền đạo... để xử trí kịp thời.
Đặc biệt, nếu thai kỳ có diễn biến bất thường như đau bụng, ra máu âm đạo, tiểu buốt, tiểu máu... cần được bác sĩ chuyên khoa khám tìm căn nguyên và điều trị sớm theo từng nguyên nhân gây bệnh.
Theo Khánh Chi/Infonet