WHO giám sát biến thể Mu, Moderna tìm ra tạp chất trong vắc xin

Google News

WHO đã thêm biến thể Mu của virus corona vào danh sách “những biến thể đáng quan tâm”.

WHO giám sát biến thể Mu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thêm một phiên bản khác của virus corona vào danh sách “những biến thể đáng quan tâm”, giữa lúc có nhiều lo ngại rằng nó có thể biến đổi tới mức né tránh được khả năng miễn dịch mà con người có được từ tiêm vắc xin hoặc do lây nhiễm trước đó.
Theo ABC News, biến thể này được gọi là Mu hay B.1.621, được WHO bổ sung vào danh sách hôm 30/8 sau khi nó được phát hiện ở 39 quốc gia trên khắp thế giới.
Trong bản tin dịch tễ học cập nhật hàng tuần ngày 31/5, WHO cho biết: “Biến thể Mu có một loạt đột biến cho thấy những đặc tính tiềm ẩn có khả năng tránh miễn dịch”.
WHO giam sat bien the Mu, Moderna tim ra tap chat trong vac xin
 
Tạp chất trong một số lô vắc xin Moderna là thép không gỉ
Công ty dược Moderna và đối tác phân phối Takeda cho biết, họ có kế hoạch thu hồi 3 lô vắc xin Covid-19 bị đình chỉ sử dụng ở Nhật. Động thái này diễn ra sau khi một cuộc điều tra phát hiện tạp chất trong một số lô vắc xin ngừa Covid-19 là các hạt thép không gỉ (inox).
Hãng ABC News đưa tin, tuần trước, Chính phủ Nhật đã đình chỉ các lô thuốc trên, chứa khoảng 1,63 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của Moderna. Theo một thông báo chung của Moderna và Takeda, tạp chất chỉ xuất hiện trong các lô đã bị đình chỉ sử dụng.
Đại diện của Moderna giải thích các hạt thép không gỉ được hình thành do sự cố lắp đặt trong dây chuyền sản xuất dẫn tới hiện tượng ma sát giữa các kim loại. Hiện, cả Moderna và Takeda đều khẳng định không có quá nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu lỡ tiêm vắc xin có chứa tạp chất vừa được phát hiện.
Tiêm phòng đầy đủ giảm nguy cơ mắc Covid-19 dai dẳng
Báo The Guardian dẫn một nghiên cứu mới cho biết, việc tiêm phòng Covid-19 đầy đủ gần như làm giảm 1/2 khả năng bị Covid-19 kéo dài ở người trưởng thành bị nhiễm virus corona.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học King College ở London cho hay, với những người đã tiêm chủng đầy đủ, việc phải nhập viện sau khi nhiễm virus giảm 73%, khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng giảm gần 31%.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 2 triệu người đã báo cáo về các triệu chứng, việc xét nghiệm và tình trạng tiêm vắc xin của họ trên ứng dụng Nghiên cứu về các triệu chứng Covid-19 trong khoảng thời gian từ 8/12/2020 tới 4/7/2021.
Các triệu chứng mắc Covid-19 phổ biến như mất khứu giác, ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi, thường nhẹ và ít thường xuyên hơn ở những người đã tiêm vắc xin.
Kết quả tiêm kết hợp vắc xin Sinovac-AstraZeneca
Theo Reuters, Bộ Y tế Thái Lan ngày 2/9 cho biết, phác đồ vắc xin Covid-19 gồm tiêm vắc xin Sinovac sau đó là AstraZeneca cho thấy nó hoàn toàn an toàn và tăng miễn dịch cho khoảng 1,5 triệu người tiêm đầu tiên.
Hồi tháng 7, Thái Lan là nước đầu tiên trên thế giới tiêm kết hợp hai loại vắc xin này, khi số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh và chính phủ vật lộn tìm nguồn cung vắc xin.
Cập nhật diễn biến đại dịch trên toàn cầu
Theo Channelnewsasia, số ca mắc Covid-19 mới ở Malaysia đã vượt quá mốc 20.000 một lần nữa vào ngày 2/9, với 20.988 ca nhiễm mới. Bang Selangor có số ca mắc mới nhiều nhất là 4.073, tiếp theo là Serawak và Kedah lần lượt là 2.992 và 2.455 ca. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Malaysia đã ở mức 5 con số kể từ 13/7.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tới 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Worldometer tới 5h sáng nay (3/9), tổng số ca nhiễm virus trên toàn thế giới là 219.853.896, số ca tử vong hơn 4,5 triệu, số ca bình phục là 196.504.654.
Theo Hoài Linh/Vietnamnet