Xác định 3 con đường lây truyền của virus Zika ăn não

Google News

(Kiến Thức) - Virus Zika ăn não người có thể lây qua 3 con đường chính là đường muỗi đốt, truyền máu và quan hệ tình dục.

Mới đây, một người đàn ông tại Texas (Mỹ) được phát hiện nhiễm virus Zika do quan hệ với bệnh nhân vừa trở về từ Venezuela, nơi dịch bệnh đang hoành hành,. Trường hợp này đã dấy lên những lo ngại sâu sắc và con đường lây nhiễm của loại virus Zika ăn não người.
Trước đó, các nhà khoa học xác định, virus Zika ăn não người có liên quan đến dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh lây lan từ mẹ sang con. Đến nay đã có thêm các bằng chứng khẳng định giả thiết của các nhà khoa học về con đường lây truyền của virus, đó là qua đường truyền máu và quan hệ tình dục.
Xac dinh 3 con duong lay truyen cua virus Zika an nao
Khả năng lây truyền virus zika chủ yếu vẫn là do muỗi truyền 
Giám đốc Cơ quan y tế và dịch vụ con người Dallas cho biết, giờ đây, chúng ta đã biết rằng virus Zika lây bệnh qua đường tình dục, người dân cần nâng cao nhận thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Sử dụng bao cao su là biện pháp phòng ngừa tốt nhất đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trong lịch sử đã xuất hiện báo cáo về việc tìm thấy virus này trong tinh dịch của một người đàn ông ở Tahiti, ông này đã truyền bệnh cho vợ của mình, đây là trường hợp được báo cáo vào năm 2008, các nhà nghiên cứu Colorado cho biết.
Xac dinh 3 con duong lay truyen cua virus Zika an nao-Hinh-2
 Một người đàn ông Venezuela phun thuốc khử trùng căn nhà của mình. Ảnh Reuters.
Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo, khả năng lây truyền virus Zika chủ yếu vẫn là do muỗi truyền, bất cứ một người nào cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh khi bị muỗi mang virus đốt, bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hầu hết các trường hợp bé sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ ở Brazil đều do người mẹ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuy nhiên có một số bằng chứng cho thấy khả năng gây ra dị tật cho thai nhi do người mẹ nhiễm virus trong cả quá trình thai nghén.
Các chủng muỗi Aedes có thể gây lây truyền virus Zika bao gồm A. africanus, A. aegypti, A. vitattus, A. furcifer, A. apicoargenteus, và A. luteocephalus. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể gây truyền virus cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu. ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm virus Zika.
Bên cạnh đó, virus Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phải phổ biến. Tuy nhiên việc hiến máu và truyền máu cần được tuân thủ các quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn.
Mặc dù đã phát hiện ARN của virus Zika trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ nên chưa có khuyến cáo kiêng cho con bú trong khi mẹ nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Linh Chi (Tổng hợp)