Nguyên nhân của hiện tượng xước măng rô
Theo bác sĩ Phạm Thị Hồng Nhung (bệnh viện Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng xước măng rô là do cơ thể thiếu vitamin C và axít folic. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân chủ quan khác như công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa (nước rửa bát, xà phòng, xà bông)… Do thói quen thường xuyên cắn móng tay, hay đơn giản chỉ là do cơ thể có sự thay đổi nội tiết khi sắp đến ngày kinh nguyệt.
Cũng theo bác sĩ Nhung, xước măng rô nhìn bề ngoài chỉ là một sợi da nhỏ, nhưng nếu xử lý không đúng cách thì sẽ cực kỳ đau đớn, trường hợp nặng sẽ bị chảy máu, mưng mủ, nhiễm trùng rồi hoại tử ngón tay, ngón chân.
|
Vào mùa lạnh, xước măng rô xảy ra thường xuyên. (Ảnh: Internet) |
Vào mùa lạnh, hiện tượng xước măng rô xảy ra có phần thường xuyên hơn, do thời tiết hanh khô, nhiều người không có thói quen bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết, da khô, nứt nẻ sẽ dẫn đến việc vùng da xung quanh móng tay, móng chân bị xước.
Biện pháp khắc phục
Bác sĩ Hồng Nhung khuyên nên uống đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt, do thói quen của đa phần những người bị xước măng rô sẽ ra xử lý bằng tay hoặc miết đi miết lại nhiều lần với suy nghĩ sợi da sẽ đứt, nhưng ngược lại điều đó sẽ khiến cho sợi da thêm xước sâu, chỉ khi thấy đau thì tìm cách xử lý khác.
Bác sĩ Nhung đưa ra cách đơn giản nhất để xử lý tình trạng bị xước măng rô: Ngay khi phát hiện những sợi da xước, dùng bấm móng tay bấm sát vào phần chân của sợi da. Sau đó tránh động vào vết xước, vi khuẩn ở ngón tay sẽ làm vùng xước bị sưng tấy và nhiễm trùng.
|
Dùng bấm móng tay xử lý phần xước măng rô. (Ảnh: Internet) |
Nếu xước măng rô liên quan đến chế độ dinh dưỡng, theo bác sĩ Nhung, cần điều chỉnh một chút chế độ ăn như: Bổ sung các chất giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, dưa bở, rau cải, mùi tây, dâu tây…), thực phẩm giàu acid folic (cá, các loại rau có màu xanh thẫm, hoa lơ xanh, gan động vật (bò, gà, lợn), các hạt nảy mầm (mầm lúa mì, mầm lúa, giá đỗ…).
Khi móng tay đã bị xước thì sử dụng dầu vitamin E là một trong những biện pháp điều trị hiệu quả nhất. Vì nó làm cho nền móng được dưỡng ẩm tốt và mềm mại hơn. Và hơn nữa, vitamin E có khả năng phục hồi làn da bị xước. Để ngăn ngừa xước măng rô, hãy nhỏ một vài giọt vitamin E lên nền móng sau khi cắt móng.
Theo bác sĩ Hồng Nhung, nếu ai có thói quen cắn móng tay thì cần loại bỏ ngay lập tức, bởi nếu không làm xước măng rô thì bạn cũng sẽ sớm mắc các bệnh đường ruột khác. Móng tay là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn gây hại, cắn móng tay sẽ làm cho vi khuẩn càng có nguy cơ sinh sôi trong vòm họng và đường ruột.
Còn nếu xước măng rô là theo thời kỳ kinh nguyệt thì không nên tác động. Vì khi qua kỳ, các vết xước sẽ tự động khỏi, do đây là nguyên nhân nội tiết nên cơ thể sẽ tự điều chỉnh, việc tác động bên ngoài là thừa thãi.
Khi tay chân tiếp xúc với hóa chất cần mang các dụng cụ bảo hộ như găng tay, ủng cao su… Nếu có điều kiện hãy chăm sóc da tay (chân) bằng các sản phẩm chuyên dụng dành cho vùng da này, đặc biệt là mùa đông lại càng cần phải sử dụng. Nếu không, hàng ngày ngâm tay, ngâm chân bằng nước muối loãng vào buổi tối cũng rất hiệu quả để giải quyết căn bệnh này.
Theo Phong Linh/Người Đưa Tin