Để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh với thực phẩm bẩn, tố cáo hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ NNPTNT thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, tổ chức về các hành vi để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đường dây nóng được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ NNPTNT (www.mafd.gov.vn), do thanh tra bộ làm đầu mối tiếp nhận. Để tố cáo hành vi vi phạm, người dân có thể liên hệ theo địa chỉ: Tầng 3, nhà B6 - số 2 phố Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội; số điện thoại: 08042526 hoặc 0917808113; địa chỉ hộp thư điện tử: thongtinvipham@mard.gov.vn.
Tổ chức, cá nhân khi có thông tin về dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản sẽ được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh. Cá nhân cung cấp thông tin chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được chi thưởng theo quy định.
|
Ông Nguyễn Xuân Việt – Chánh Thanh tra - Bộ NNPTNT: “Hãy tố cáo chất cấm qua đường dây nóng” |
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ NNPTNT: “Có 9.037 hộ chăn nuôi được công nhận VietGap”
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là việc khuyến khích và phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, các địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch để người tiêu dùng lựa chọn. Thực tế trong sản xuất chăn nuôi đã xuất hiện rất nhiều các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, trứng, sữa chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng mà ở địa phương nào hiện nay cũng có, điển hình như: Chuỗi thịt lợn, thịt và trứng gia cầm của Cty CP CP, Tập đoàn DABACO, Visan, Masan, Cty Ba Huân, của Aufeed, Thái Dương, Emivest, của Japhacomfeed… các chuỗi về sữa của TH milk, Mộc Châu, Vinamilk, Cô gái Hà Lan… và đặc biệt là của các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi (VietGAP) đến nay đã có trên 100 trang trại chăn nuôi lớn và khoảng 9.037 hộ chăn nuôi đã được công nhận đạt VietGAP là con số rất lớn so với các lĩnh vực nông nghiệp khác.
PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế: Chất tồn dư trong thực phẩm là cực kỳ nguy hiểm.
Theo bà Hảo, các chất tồn dư lại trong sản phẩm sẽ gây ra tác hại lớn cho người sử dụng. Bà Hảo cho biết ngộ độc thực phẩm cấp tính xảy ra khi người sử dụng sản phẩm có chứa hàm lượng cao B2-agonnist. Tác hại của loại chất cấm này khiến người sử dụng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai. Bên cạnh đó, chất cấm này khiến sử dụng sản phẩm có chất cấm ngộ độc mạn tính, nhiễm độc gan. Với chất auramine (vàng ô) thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp với chất vàng ô. Trên da, chất này gây dị ứng, ngứa. Trên đường hô hấp gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi. Ngộ độc cấp, thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp với chất vàng ô.
Trên hệ tiêu hóa, chất này gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trụy tim mạch. Đặc biệt bà Hảo lưu ý, nghiên cứu trên động vật cho thấy vàng ô gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt. “Nhiều thí nghiệm cho thấy vàng ô tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương”, bà Hảo khẳng định.
Ngoài ra, bà Hảo cũng đưa các phân biệt thực phẩm sạch và bẩn. Thịt lợn sạch có lớp mỡ dày, mùa hồng tươi, săn chắc. Còn thịt lợn siêu nạc chứa hóa chất B2- agonnist có màu đỏ rực nhưng rửa xong chuyển màu nhợt nhạt.
PGS-TS Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: “Ung thư từ tác nhân thực phẩm chiếm khoảng 35%”.
“Có ba yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học.Trong đó, tác nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35% các số ca, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%”.
PGS- TS Trần Văn Thuấn - Phó GĐ Bệnh viện K: “Salbutamol không gây ung thư”:
Hiện tại, chúng tôi chưa có nghiên cứu về mối quan hệ giữa an toàn thực phẩm và bệnh ung thư ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỉ lệ chung mắc ung thư ở Việt Nam có dấu hiệu tăng lên. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc bệnh ung thư. Xu thế mắc bệnh ung thư gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn hầu hết ở các nước trên thế giới.
Việc dùng các thực phẩm không an toàn cũng có thể gây mất an toàn sức khoẻ, ví dụ như ăn phải gạo mốc có chứa chất độc gây ung thư, dưa muối quá khú gây ra nhiều chất độc hại… Một nguyên nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư, như thuốc lá vừa có thể gây ra ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác. Mắc ung thư cần có một diễn tiến tiếp xúc với các hoạt chất gây ung thư lâu dài.
Còn để xác định ung thư có liên quan đến thực phẩm không an toàn, chúng ta phải có thiết kế và nghiên cứu trong thời gian lâu dài, với mẫu thiết kế cụ thể mới có thể xác định được. Hằng năm, Bộ Y tế Hoa Kỳ báo cáo nghiên cứu về ung thư, tổng hợp từ các nghiên cứu đã báo cáo các chất ung thư ở người. Theo đó bản thứ 13 năm 2016 tôi không thấy chất salbutamol trong danh sách. Như vậy có thể khẳng định, salbutamol không phải là chất gây ung thư.
Theo T.Giang/ Báo Lao Động