Khi con cái nhận ra bố mẹ đang “diễn kịch“

Google News

Hôm qua, con gái 8 tuổi của tôi đã thắc mắc vì sao bố mẹ không ngủ cùng phòng, không ăn cùng bàn...

- Vợ chồng tôi ly thân đã lâu nhưng vì bọn trẻ nên vẫn sống cùng một mái nhà, mỗi khi muốn tranh luận hay lúc bức xúc quá phải cãi vã, chúng tôi thường hẹn nhau ra ngoài. Khi nhỏ, các con tôi không để ý vì chúng tôi rất khéo giữ gìn. Nhưng bây giờ đã lớn, các cháu hay hỏi này nọ.
 
Hôm qua, con gái 8 tuổi của tôi đã thắc mắc vì sao bố mẹ không ngủ cùng phòng, không ăn cùng bàn, không dựa vào nhau cùng xem tivi... con gái tôi bảo nhà các bạn con không nhà nào thế... Tôi không biết trả lời con thế nào để cháu đừng bị tổn thương và cảm giác bố mẹ lừa dối.
 
Xin hãy tư vấn giúp tôi, chúng tôi có nên tiếp tục duy trì tình trạng ly thân không (thực sự chúng tôi không thể quay lại sống với nhau như trước nữa); và tôi nên giúp các con đối diện với thực tế như thế nào bây giờ ạ?
 
Đàm Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội)
 

Chị Lan Anh thân mến!

Có lẽ khi phải “diễn kịch” hạnh phúc trước mặt con bao nhiêu năm qua, không ít lần vợ chồng chị đã lo lắng sợ con biết được sự thật. Đến lúc này, khi con đã lớn hơn, như chị nói, không thể giấu mãi “cái kim trong bọc nữa”, các con cần phải đối diện với thực tế.

Vì sợ con bị tổn thương, anh chị đã cố gắng giữ gìn hình ảnh gia đình trọn vẹn trong mắt con. Nhưng chính vợ chồng chị cũng nhận ra, mình đang lừa dối các con mình. Trẻ em rất nhạy cảm và nhận thức đang phát triển từng ngày để tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn về gia đình của mình. Sự giả tạo trong tình cảm và hành động của bố mẹ không chỉ khiến các con mất niềm tin vào những người mình thương yêu nhất, hoang mang về cuộc sống, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cách nhìn nhận sau này về tình yêu, hôn nhân, cuộc sống gia đình.

Ly hôn là một thiệt thòi lớn đối với trẻ em, nhưng sẽ còn tệ hơn nếu các em phải sống trong một gia đình xung khắc, lạnh nhạt hay giả tạo. Điều quan trọng nhất là nếu quyết định ly hôn, anh chị cần phải duy trì mối quan hệ lành mạnh vì lợi ích của con, cùng nhau chăm sóc con cái, thì thiệt thòi đó sẽ được giảm thiểu hết mức có thể.

Dù chị không nói ra, việc duy trì vở diễn bấy lâu chắc cũng chẳng dễ dàng gì với hai người. Trước khi để con đối diện với thực tế, anh chị hãy chân thành trao đổi với nhau về những mong muốn, quyết định của mình với cuộc hôn nhân hiện tại. Nếu ly hôn là quyết định của cả hai, khiến hai người thoải mái hơn thì hãy dừng vở kịch lại, bắt đầu một cuộc sống mới.

Hãy nói với con rằng bấy lâu nay bố mẹ đã không còn yêu nhau nữa, nhưng vì thương yêu các con, bố mẹ đã không rời xa nhau. Bây giờ các con đã lớn và cần biết sự thật. Bố mẹ không sống cùng nhau nữa nhưng luôn yêu các con, luôn ở bên các con.

Chúc anh chị vượt qua được thời điểm khó khăn này, cùng các con đi lên từ gia đình đổ vỡ.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa
 
[links()]