16 chân dung bất tử của anh hùng liệt sĩ thiếu niên (1)

Google News

(Kiến Thức) - Trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, có ít nhất 16 thiếu niên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhờ những chiến công phi thường…

Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền
Anh hùng Nông Văn Dền (tức Kim Đồng, 1929 – 1943) là người dân tộc Tày, quê ở bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sinh trưởng trong chiếc nôi cách mạng, khi còn nhỏ Kim Đồng đã sớm giác ngộ. Anh đã vận động các bạn cùng lứa tuổi trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ.
Tháng 5/1941, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội thiếu niên cứu quốc Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc. Anh luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Mộ Kim Đồng. 
Rạng sáng ngày 15/2/1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hỏa lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu báo cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn.
Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi ở tuổi 14 và trở thành tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên noi theo.
Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Mạnh
Anh hùng Dương Văn Mạnh (1930 - 1944) là người dân tộc Kinh, quê ở ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đầu năm 1944, anh theo anh trai lên Sài Gòn học, được giác ngộ và tham gia hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên và làm liên lạc cho một tổ chức bí mật từ Sài Gòn về Bà Rịa.
Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào học sinh, sinh viên, Dương Văn Mạnh trở về quê tiếp tục hoạt động làm liên lạc cho đội đu kích xã Long Phước. Một lần sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển công văn trở về, Dương Văn Mạnh lọt vào ổ phục kích của hai trung đội lính lê dương. Chúng bắt Dương Văn Mạnh, dụ dỗ anh khai ra tổ chức bí mật.
Dương Văn Mạnh một mực không khai. Sau 5 ngày tra tấn đánh đập dã man, biết không thể khai thác gì hơn ở Dương Văn Mạnh, bọn địch đem anh đi trói anh vào gốc cây để bắn nhằm uy hiếp phong trào cách mạng.
Trước khi bị bắn, Dương Văn Mạnh đã hô vang ''Giặc Pháp là quân xâm lược, lũ cướp nước''. Anh hy sinh ở tuổi 16.
Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội
Anh hùng Dương Văn Nội (1932 – 1947) là người dân tộc Kinh, quê ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Anh được giác ngộ sau khi theo bố mẹ lên Hà Nội tìm và tham gia cách mạng, làm đội viên đội giao thông liên lạc khu - Thăng Long, Hà Nội.
Tháng 3/1947, đơn vị của anh được giao nhiệm vụ chốt tại khu vực chợ Giang Xá, cách Hà Nội 16km để ngăn chặn quân Pháp lấn chiếm ra vùng tự do. Sáng 2/4/1947, Dương Văn Nội cùng các chiến sĩ trong trung đội phục kích đoàn xe chở quân của địch trên đê sông Đáy thuộc địa phận xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Đơn vị của Dương Văn Nội đã phá hủy một số xe vận tải quân sự, tiêu diệt 50 tên địch, riêng anh diệt được 3 tên địch. Song do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, quân Pháp tràn lên đánh trả dữ dội. Anh hùng Dương Văn Nội đã bị địch bao vây, nhưng không đầu hàng mà chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh khi mới 15 tuổi.
Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ
Anh hùng Hoàng Văn Thọ (1932 – 1947) là người dân tộc Tày, quê ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sớm đi theo cách mạng, năm 13 tuổi, anh đã làm liên lạc cho xã bộ Việt Minh. Sau 2 năm, Hoàng Văn Thọ được giao làm đội trưởng du kích thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch.
Đội của anh hoạt động tích cực đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác... trong đó, Hoàng Văn Thọ luôn đóng vai trò nòng cốt. Bản thân anh đã tham dự một số trận đánh lớn của du kích xã và lập công xuất sắc.
Ngày 20/11/1947, trung đội quân Pháp hành quân từ đồn Đồng Bồ (huyện Văn Chấn) ra đồn Dọc (huyện Trấn Yên) chuẩn bị trận càn lớn vào chiến khu Vần - Hiền Lương. Hoàng Văn Thọ cùng 30 du kích xã tiến hành phục kích địch ở đèo Din.
Khi trận đánh nổ ra, anh đã giật mìn giết chết 2 tên Pháp và 5 tên ngụy, làm bị thương một số tên khác. Sau đó, anh xông lên tay không cướp súng giặc, diệt giặc và anh dũng hy sinh ở tuổi 15.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Minh Trung
Anh hùng Nguyễn Minh Trung (1934 - 1949) là người dân tộc Kinh, quê ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống đấu tranh, anh tham gia cách mạng từ khi mới 14 tuổi.
Mặc dù ít tuổi, nhưng Nguyễn Minh Trung đã tham gia nhiều trận diệt ác, phá kìm lập chiến công xuất sắc, đặc biệt là trận đánh tiêu diệt tên tay sai ác ôn Võ Tấn Kim (tức Cả Kim) kẻ đã giết, bắt tù đày hơn 200 người vô tội, hãm hiếp đến chết hai phụ nữ ở vùng Yên Mỹ, Bến Lức, Long An.
Để tiêu diệt hắn, Nguyễn Minh Trung đã phải dùng khổ nhục kế, tự trói hai tay quặt ra sau cho sưng to, dùng gai ôrô cào rách mặt rồi vào đồn của Cả Kim nói bị Việt Minh đuổi bắt. Qua nhiều thử thách cuối cùng Cả Kim tin anh quy hàng thật và giữ lại trong đồn. Nguyễn Minh Trung chờ thời cơ, đã diệt tên Kim, bảo toàn tính mạng, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu.
Đến tháng 6/1949, trong một trận đụng đầu với giặc, anh đã khéo léo đánh nghi binh, thu hút địch về phía mình để đồng đội rút lui an toàn, trong đó có 2 đồng chí lãnh đạo của tỉnh. Nhưng anh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này, khi mới 15 tuổi.
(Còn nữa...)
Hoàng Phương (tổng hợp)