6 “tuyệt chiêu” chống đào mộ trộm xác thời xưa

Google News

(Kiến Thức) - Quan tài nổ, cổ áo bằng sắt… là những biện pháp chống nạn đào mộ trộm xác ở Anh hay Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ XVIII–XIX.

Vào thế kỷ XVIII–XIX, thi thể những người quá cố dễ có nguy cơ bị kẻ gian đào trộm mộ lấy xác bán cho sinh viên y khoa tiến hành giải phẫu cơ thể người.
Năm 1752, Quốc hội Anh thông qua Đạo luật về tội phạm giết người, trong đó cho phép các cơ sở y tế mổ xẻ thi thể của những tên sát nhân sau khi bị tử hình để giải phẫu, nghiên cứu. Tuy nhiên, do ngành giải phẫu cơ thể người quá phát triển trong khi số lượng tử tù không đủ để đáp ứng nên dẫn đến tình trạng những người quá cố bị mộ tặc ăn trộm xác rồi đem bán cho sinh viên y khoa. Từ đó, ở Anh và Bắc Mỹ xuất hiện loại tội phạm trên. Tuy nhiên, đây chỉ là một tội khá nhẹ, miễn là những người đó chỉ ăn cắp thi thể người chết mà không lấy bất kỳ thứ gì có giá trị trong mộ như trang sức… Đứng trước tình hình đó, một số người đã tìm ra những biện pháp để bảo vệ thi hài người thân một cách an toàn, không bị kẻ gian đào bới, đem bán.
1. Thuê người trông mộ
Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền nhất và cũng nguy hiểm nhất. Những gì gia đình quý tộc này phải làm là thuê một người canh giữ mộ cho đến khi xác phân hủy hết. Do đó, người ta sẽ không còn lo người thân đã chết của họ sẽ bị mộ tặc trộm xác đem bán.
Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ XIX, trộm xác là một nghề kiếm được bộn tiền. Đối với mỗi xác chết vẫn còn nguyên vẹn, mộ tặc sẽ bán được với giá khoảng 25 bảng Anh (khoảng 840.000 VND tính theo tỷ giá hiện tại). Do đó, những tên tội phạm này có thể hối lộ người trông xác để trộm mộ thành công.
Một cách khác được người dân thời đó sử dụng là chính người trong gia đình người quá cố làm nhiệm vụ trông mộ. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan bởi lẽ trong một số trường hợp, kẻ trộm đã đào đường hầm bí mật đến vị trí của ngôi mộ và lấy xác đi. Gia đình người quá cố mãi sau đó mới biết thi hài người thân của họ đã không còn trong mộ.
2. Quan tài sắt
Một phương pháp chống trộm xác khác được con người nghĩ ra đó là chôn cất người chết trong quan tài làm từ chất liệu tốt hơn, khiến kẻ gian không thể làm gì được. Những gia đình giàu có sẽ chôn cất người thân của họ trong lăng mộ hay quan tài sắt. Năm 1818, Edward Bridgman đã cho ra đời một sáng chế hữu ích để chống lại nạn mộ tặc, đó là quan tài sắt.
Quan tài sắt có hệ thống chốt đàn hồi bên trong. Nó có khả năng quay lại vị trí ban đầu ngay sau khi mộ tặc cậy nắp quan tài, khiến kẻ trộm khó có thể ăn trộm xác chết, ngay cả khi dùng xà beng để cậy nắp quan tài.
3. Lồng an toàn
Cho đến nay, nếu bạn đi qua các nghĩa địa ở Scotland thì có thể nhìn thấy những hình ảnh “lồng zombie”, với lời giải thích dùng để ngăn chặn nạn mộ tặc hoành hành.
Phát minh này được giới thiệu tới công chúng vào năm 1816. Chiếc quan tài sắt giống như một hộp kim loại, được làm hoàn toàn từ khung sắt và dùng để bao bọc lấy quan tài. Một quan tài có thể được bao bọc bởi nhiều lồng an toàn, trên đỉnh lồng sẽ có những miếng sắt to để giữ tảng đá nặng.
Lồng an toàn khá hiệu quả để ngăn những tên trộm mở nắp quan tài từ phía trên nhưng lại không thể cản chúng ăn trộm từ hai bên sườn. Sau một thời gian, người nhà sẽ đào mộ lên kiểm tra, bỏ các lồng sắt này đi và chúng sẽ được dùng cho những xác chết khác.
4. Cổ áo bằng sắt
So với phát minh quan tài sắt và lồng an toàn thì cổ áo bằng sắt là biện pháp chống trộm mộ khá đơn giản. Những tên trộm mộ thường muốn có được xác chết nguyên vẹn. Nếu người quá cố đeo cổ áo đặc biệt này thì bọn tội phạm sẽ không dễ dàng đạt được mục đích.
Thông thường, những tên trộm xác sẽ đào một đường hầm đến tận mộ và kéo xác chết thông qua một chiếc lỗ ở quan tài. Nhưng vì cổ áo bằng sắt đã được bắt vít thẳng xuống đáy quan tài, giữ cho xác chết cố định tại phần cổ nên việc kéo xác chết ra vô cùng khó khăn. Nếu quá mạnh tay, xác chết có thể bị đứt và không bán được giá cao. Cách giải quyết mà mộ tặc nghĩ ra là phá bỏ gỗ ở điểm nối tiếp giữa xác với quan tài, nhưng điều này rất khó thực hiện.
5. Quan tài nổ
Năm 1878, Phil Clover đã giới thiệu sáng chế quan tài nổ của mình để chống nạn trộm mộ hoành hành. Cơ chế hoạt động của quan tài này khá đơn giản. Nó gồm một quan tài bình thường gắn kèm thuốc súng và kíp nổ xung quanh. Mọi người sẽ nhìn thấy nó khá giống mìn bởi bất kỳ ai dẫm lên, thuốc nổ ngay lập tức sẽ bị kích hoạt, khiến cho lũ trộm mộ phải trả giá đắt. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Thêm vào đó, một số quả bom còn được đặt ngay dưới nắp quan tài với tâm lý thà để thi hài người quá cố tan thành trăm mảnh còn hơn là bị người khác mổ xẻ, nghiên cứu. Mặc dù phương pháp này khá hiệu quả nhưng vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, nó giống như con dao hai lưỡi, có thể gây thương tổn đến chính người thân của họ sau này nếu như muốn cải táng hay di chuyển mộ phần tổ tiên.
6. Nhà phân hủy xác
Xác chết sẽ được cất giữ trong một ngôi nhà bình thường do những người trong làng cùng nhau xây dựng. Họ sẽ chờ thi hài người quá cố phân hủy trước khi  đem đi chôn cất.
Xác chết sẽ được giữ trong tòa nhà trong khoảng vài tuần, khiến những kẻ trộm xác không còn cơ hội làm ăn. Ưu điểm của nhà xác kiểu này là thuận tiện trong việc trông coi. Mọi người trong làng có thể thay phiên nhau trông nom xác chết.
Trong tác phẩm “Sau khi chết: Cuộc đời và thời gian của của tử thi”, Norman L. Cantor lưu ý rằng, mùa hè là thời gian tốt nhất để ngăn tình trạng đào trộm mộ. Bởi lẽ, không có lớp học y khoa về giải phẫu nào mở trong thời gian đó cũng như thi thể người quá cố sẽ phân hủy nhanh hơn do nhiệt độ vào mùa hè khá cao.
Tâm Anh (theo IO9)