Ông Nguyễn Can (84 tuổi) được đồng đội đặt cho biệt danh “Vua pháo mặt đất”. Kể về ông, đồng đội thường nhắc tới những trận địa pháo, làm cho quân giặc khiếp sợ.
Quan Pháp nhận làm con nuôi
Ông Can sinh ra và lớn lên ở thôn Hiền Lương (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) trong một gia đình cố bần nông. “Cuộc sống gia đình tôi xưa kia nghèo đói vô cùng, cơm không có mà ăn, quần áo không có mặc. Tôi là con út, gặp nhiều may mắn hơn các anh trong chuyện học hành. Ngày đó, trường học gần nhà. Sau các tiết lên lớp giảng bài, các thầy cô giáo thường qua gia đình tôi chơi. Thấy tôi đến tuổi đến trường mà vẫn ở nhà, họ hỏi bố tôi, sao không cho tôi đi học. Biết gia đình tôi nghèo, họ giúp đỡ tôi tiền học phí. Bù lại, gia đình tôi lấy gỗ trả dần cho họ. Nhờ đó mà tôi được đến trường học”, ông Can nhớ lại.
Ông Can cho hay, ngày đó chuyện học hành rất gian truân. Một buổi ông đến lớp, một buổi làm nương giúp gia đình. Tối đến bố ông lấy cây nứa trên rừng về đập nát đốt cháy cầm soi cho ông học bài. Tuy vậy, từ bé trời phú cho ông tính cần cù, chịu thương chịu khó. Đặc biệt, ông tỏ ra là người rất thông minh, sáng dạ. Bằng chứng là trong tất cả các năm học ở đây, điểm số của ông thường cao hơn rất nhiều đám bạn cùng khóa.
|
“Vua Pháo” thuyết trình về các loại pháo quân ta đã sử dụng. Ảnh tư liệu. |
Ông Can kể: “Thời đó, đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Vì thế, nội dung sách giáo khoa do người Pháp biên soạn, bằng chữ của đất nước họ. Một hôm, có một vị quan lớn trong ngành giáo dục về thăm trường. Vị quan lớn đến dự một buổi lớp tôi học. Ông ấy đưa ra một câu đố bằng tiếng Pháp, bảo mọi người trong lớp ai biết giơ tay phát biểu. Cả lớp im lặng, không cánh tay nào cất lên. Tôi đứng phắt dậy đĩnh đạc trả lời trước sự ngạc nhiên của vị quan người Pháp. Quả thực đó là một câu hỏi rất khó, nhưng nhờ đọc nhiều tư liệu nên tôi trả lời được. Sau đó, vị quan nói lãnh đạo nhà trường đưa tôi về gặp gia đình.
Gặp bố tôi, ông ta nói: Mày cho tao nhận con mày làm con nuôi. Nó vẫn là con của mày. Nếu mày đồng ý thì tao sẽ lo cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó thích học ở đâu cũng được. Nhưng bố tôi dứt khoát không đồng ý. Ông ấy chắp tay cúi mình bảo: Vái lạy quan chủ, biết quan chủ quan tâm tới con trai nhà tôi. Nhưng nhà tôi nghèo, ít con, nên tôi muốn nó ở nhà chăm sóc cho bố mẹ. Nhưng thực ra, bố muốn tôi ở nhà gia nhập quân đội, lên đường chiến đấu giải phóng dân tộc”, cụ Can kể.
|
Vợ chồng ông Can hạnh phúc bên nhau. |
Đánh đồi Him Lam
Năm nay, ông Can bước sang tuổi 84 nhưng ông nhớ như in những trận đánh đã qua. Từ chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến những trận đánh huyền thoại trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đánh quân Pôn Pốt Campuchia; chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Can tự hào vì mình có những đóng góp không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
“Khi đó tôi làm Trung đội trưởng pháo, Đại đội 290, tiểu đoàn 266, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đơn vị chúng tôi đảm nhiệm đánh đồi Him Lam. Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, tôi chỉ huy cho anh em bắn pháo vào lô cốt trên đồi Him lam. Nhiều quân địch án ngữ trong đồi bị tiêu diệt, số còn lại giơ tay xin hàng tự trói tay làm tù binh. Quả thực tôi cảm thấy rất tự hào, vì loạt đại bác oai hùng đó đã góp phần cho chiến thắng Điện Biên Phủ”, ông Can nhớ lại.
Đồi xay thịt ở A Lưới
Ông Can cho hay: “Năm 1967 tôi từ biệt gia đình, xung phong vào chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ. Trong rất nhiều trận đánh, tôi nhớ nhất là cuộc cuộc chiến đấu của quân ta với quân Mỹ ngụy trên đồi A Bia (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Khi đó, đồi A Bia là cứ điểm hùng mạnh tập hợp lính thủy đánh bộ của đế quốc Mỹ. Trước sự mạnh mẽ của kẻ thù, nhiều đồng chí đưa ra các kế sách tiêu diệt địch. Nhưng lãnh đạo chưa đồng ý vì sợ hiệu quả không cao. Sau đó, tôi đề đạt ý kiến sẽ dùng pháo không kích trước, lực lượng bộ binh sẽ áp sát theo sau.
Kế hoạch được vạch ra rất cặn kẽ. Quân giặc không ngờ chúng ta sử dụng cách đánh đó, vì thế bọn chúng đã bị tiêu diệt nhanh chóng. Sau loạt pháo, quân giặc chết như ngả rạ, hơn một tiểu đoàn bị tiêu diệt, 5 nghìn tấn xăng trong kho bị bốc cháy. Bọn chúng huy động trực thăng phun nước dập lửa. Nhưng lửa không tắt mà thiêu rụi luôn cả chiếc trực thăng. Nơi đây trở thành nỗi khiếp sợ của lính Mỹ. Do đó, bọn chúng gọi là đồi xay thịt A Bia. Sau chiến công này, tôi được cấp trên khen thưởng nâng quân hàm”.
|
Gần 42 năm trong quân ngũ, ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. |
“Bắn đâu thắng đó”
Ông Can bảo, đồng đội đặt biệt danh cho ông là “Vua pháo mặt đất”. Bởi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ) với vai trò chỉ huy đội quân bắn pháo, ông đã lập nhiều chiến công hiển hách. Nhiều người lính cùng thời thường nói vui, pháo của ông Can cứ bắn chỗ nào là trúng đích nơi đó. Như thế để mọi người biết rằng không phải ai cũng có được khả năng đó. Ông vốn được đào tạo chuyên nghiệp bài bản về sử dụng các loại súng pháo. Vì thế, trước mỗi trận đánh ông đều nghiên cứu rất kỹ địa hình địa vật. Tính toán cự ly khoảng cách chi tiết. Do đó, khi ông quyết định cho đồng đội bắn pháo, độ chính xác rất cao, mang lại nhiều chiến thắng cho quân ta.
Ông có lẽ một trong những nhân chứng ít ỏi trực tiếp chiến đấu qua nhiều cuộc chiến tranh nhất. “Gần 42 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều cuốc chiến khốc liệt: Chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới Trung Quốc 1979, giúp đỡ nhân dân Campuchia tiêu diệt quân Pôn Pốt. Mặt trận nào tôi cũng lập được thành tích”, ông Can tự hào nói.
Sau chiến tranh biên giới 1979, ông Can được thăng quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Chủ nhiệm Pháo binh Quân đoàn 29, Quân khu II.
Ông Can cho hay, tuy ông trải qua mấy chục năm trong chiến trận, qua nhiều trận đánh ác liệt của kẻ thù. Nhưng may mắn thay ông chỉ bị thương nhẹ phần mềm. Trong chiến tranh ác liệt, mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhiều đồng đội của ông ngã xuống. Có đơn vị hy sinh gần hết. Nhớ về những trận đánh ông lại xót thương đồng đội.
Ông Can đang say sưa kể chuyện, bỗng giật mình nhìn đồng hồ và nói: “Anh chờ tôi cắm cơm chút nhé. Từ khi về hưu đến giờ, tôi đều làm hết việc nhà”.
Bà Lê Thị Nguyệt Kính (vợ ông Can) ngồi bên cạnh tủm tỉm cười. Bà bảo, từ khi ông Can về hưu đến giờ mọi việc nội trợ trong nhà ông không cho bà làm. Ông muốn làm bù những ngày chiến đấu xa nhà. Giờ là lúc người vợ hiền được nghỉ ngơi và thư thái.
Tuy ông Can bước sang tuổi 84, nhưng ông vẫn rất khoẻ và minh mẫn. Hằng ngày ông dậy sớm tập thể dục, lau sàn nhà. Đặc biệt, quần áo của mọi người ông đều tự giặt bằng tay. Ông xem làm việc để rèn luyện sức khoẻ, tạo niềm vui cho mình và mọi người trong gia đình.
“Anh thấy đấy, tôi năm nay 84 tuổi mà vẫn làm việc như thanh niên mười tám đôi mươi. Đó là nhờ rèn luyện sức khoẻ đều đặn. Thêm vào đó, cuộc sống phải thật thà, chân thật mới khoẻ được. Thời gian qua, vợ chồng tôi giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, khi biết các gia đình chính sách gặp khó khăn, vợ chồng tôi giúp sức hết mình”, ông Can tâm sự.
Hiện tại ông Can sống tại khu chung cư Trung Yên Plaza Hà Nội. Thời gian qua, ông được mời đi dự rất nhiều cuộc hội thảo nói về chiến thắng của quân ta trong chiến tranh. Đặc biệt, ông có nhiều bài tham luận nói về chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều kỷ vật của người lính được ông tặng lại các bảo tàng.
Đức Lợi