Ảnh hưởng của chỉ số Bovis đến sức khoẻ và cuộc sống

Google News

(Kiến Thức) - Có những nơi có chỉ số Bovis cao nhưng lại là vùng ô nhiễm gây bất lợi cho sức khoẻ

Có những nơi có chỉ số Bovis cao nhưng lại là vùng ô nhiễm gây bất lợi cho sức khoẻ. Hơn nữa, con người còn bị chi phối bởi thiên nhiên, thời tiết, khí hậu... nên việc dựa và đánh giá vào chỉ số Bovis cần phải được tính toán cẩn thận, tránh tình trạng bị lợi dụng khiến tiền mất,  tật mang.
Năng lượng luôn biến động trong thời gian và không gian
BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long cho biết, nguồn năng lượng theo chỉ số Bovis này thực sự là nguồn năng lượng sinh học (NLSH) của vũ trụ. Nguồn năng lượng này phủ kín muôn vật và thấm trong muôn chất nên nó ảnh hưởng tới tất cả mọi vật, mọi pháp. Những ảnh hưởng đó là sức khoẻ hay bệnh tật, an lạc hay suy sụp, phát triển hay suy tàn, bội thu hay mất mùa. Ngay cả sự thịnh suy của xã hội, đất nước hay thế giới cũng do các trường năng lượng của vũ trụ này chi phối dưới các dạng các làn sóng vô hình. Bởi năng lượng này tồn tại dưới 2 làn sóng là sóng giao động (hữu hình) và sóng giao cảm (vô thức). Ở con người, sóng giao động duy trì thể xác và sóng giao cảm duy trì linh hồn. 
Sóng giao động để ổn định cơ cấu còn sóng giao cảm để kết nối các cơ cấu với nhau. Hai sóng này trong vũ trụ duy trì sự tương tác của thủy - thổ - hỏa - phong mà tạo nên 4 dạng năng lượng là: Điện năng, cơ năng, quang năng và nhiệt năng. 4 dạng năng lượng này trong cơ thể hình thành nên tâm - thần - giác ý. Sự tương tác giữa các dạng năng lượng này theo 4 hình thức là đàn năng (sự co giãn), hỏa năng, hóa năng (sự biến đổi tại chỗ) và biến hóa năng (sự biến đổi toàn diện). 4 hình thức này tương tác theo hai cơ chế vận động là thu và xả để lập quân bình về năng lượng và ổn định cơ cầu, nhờ đó mọi vật hoạt động ổn định và sinh tồn. Năng lượng này duy trì sự ổn định của thân và tâm (cơ thể vật chất và tâm linh). Nó được dung nạp trong hệ thống luân xa để điều hành các chức năng toàn thân.
Theo BS.VS Nguyễn Văn Thắng, nguồn NLSH được đo theo chỉ số Bovis có tác động trực tiếp đến sức khoẻ và công việc của gia chủ. Bởi vì con người và vạn vật đều là các cơ thể trong vũ trụ, luôn thông qua nhau và thông qua vũ trụ, đều bị năng lượng vũ trụ chi phối. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này liên tục biến động trong các điều kiện thời gian và không gian khác nhau như bốn mùa xuân hạ thu đông. 
Đối với thiên nhiên thì mùa xuân làm vạn vật mở ra (cây cối đâm chồi nảy lộc); mùa hè rực rỡ (cây cối ra hoa kết trái), thu tàng (cây cối vàng úa); Đông thì trở về chính nó (sinh lực cây cối trở về trong). Xuân hè thì năng lượng mở ra, thu đông thì đóng lại. Xuân hè thì khí thái dương thịnh, thu đông thì khí thái âm thịnh. Chẳng hạn, mùa xuân tháng 1 và 2 thuộc Mộc thì mộc khí vượng, hỏa khí thịnh, thủy khí trung bình, còn kim khí kém, thổ khí cực xấu, Mùa hạ, tháng 4 và 5 thuộc hỏa thì hỏa khí vượng, thổ khí thịnh, mộc khí trung bình, thủy khí xấu, kim khí cực xấu...
Ở con người thì có dinh khí (khí trong kinh lạc) và vệ khí (khí ngoài kinh lạc). Dinh khí khi chảy vào ngũ tạng thì chuyển thành ngũ khí gồm: can khí tức mộc khí, tâm khí (hỏa khí); tỳ khí (thổ khí), phế khí (kim khí), thận khí (thủy khí). Cho nên sự chuyển đổi 4 mùa thì kéo theo sự chuyển đổi của các trường khí vũ trụ; có trường khí tốt, có trường khí xấu sẽ tác động trực tiếp đến tự nhiên, xã hội và đời sống con người. 
Hơn nữa, nguồn năng lượng với nhiều trường khí này còn chi phối đến từng ngày, từng giờ khác nhau như ngày Dần, Mão thì mộc khí vượng; ngày Tỵ, Ngọ thì hỏa khí vượng... Hoặc từ 3 - 5 giờ sáng thì dòng sinh học chảy vào 2 lá phổi; 5 - 7 giờ vào ruột già và 7 - 9 vào dạ dày... Đặc biệt, dòng NLSH đa chiều, đa sóng này còn chi phối trực tiếp cả đời người: Từ 0 - 10 tuổi dòng sinh lực tập trung ở nửa dưới cơ thể các khí quan bước đầu hình thành cho nên trẻ thích chạy, nhảy; Từ 10 - 20 tuổi khí lực và máu huyết phát triển: con người luôn sống động và trong sáng... Từ 20 - 30: Khí huyết vượng ở lục phủ ngũ tạng...
 
Lượng hóa trước khi đánh giá tránh bị lừa
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA nhấn mạnh, trước hết muốn khẳng định nguồn năng lượng theo chỉ số Bovis này có tác động đến sức khoẻ và cuộc sống làm ăn, công việc... của gia chủ ra sao thì ta cần phải tính đến vấn đề lượng hóa. Muốn lượng hóa được "chỉ số Bovis" thì cần phải định nghĩa được: "Thế nào là độ lớn của 1 Bovis" và mô duyn chuẩn của hàm số này là gì?, được đặt ở đâu?, điều kiện "môi trường chuẩn" ra sao? (áp suất, nhiệt độ, lực hấp dẫn, mức độ phóng xạ, điện từ trường, độ ẩm... của môi trường). Trong cái máy gọi là "bovis kế" hiện nay liệu có bao hàm được các thông số này vào không? Nếu không cập nhật được các thông số kể trên vào máy thì "Bovis kế" có tượng trưng cho "NLSH" không? Chả lẽ "NLSH" hoàn toàn không hề phụ thuộc vào các yếu tố môi trường kể trên hay sao? 
Thực tế, chúng ta muốn thử "độ nhạy" của cái gọi là "Bovis kế" thì chẳng khó gì. Hãy thử cái máy đó trong phòng có đặt nhiều thùng thuốc độc bảng A, rồi lại thay vào đó các thùng thuốc vitamin hay thực phẩm bổ dưỡng xem "Bovis kế" thông báo nó lệch nhau thế nào, hoặc ta mang lại gần các thùng thuốc sâu xem chỉ số Bovis nó biến thiên ra sao? Ta đo "năng lượng " của một người lúc đói và yếu, rồi đo cũng chính người đó lúc no và mạnh khoẻ xem sao? Và khi đo "NLSH" của cơ thể người thì làm cách nào để khử đi "NLSH" của môi trường vẫn đang ảnh hưởng đến máy đo?... Tất cả các thử nghiệm này hãy làm cho hàng vạn người và hàng vạn tình huống xem quy luật biến thiên ra sao? Không những thí nghiệm một cái máy cho hàng vạn tình huống, mà cần phải mang hàng vạn cái máy "bovis kế" ra đo cho cùng một đối tượng xem chỉ số có giống hệt nhau không, nếu không giống nhau thì lấy cái máy nào làm chuẩn để điều chỉnh chỉ số của các máy khác? 
Hơn nữa, với cái tiêu chí của phép đo là: "Muốn đo được chính xác bằng phương pháp trực giác (intuition), người đó phải vô thức hoàn toàn, thực hiện nguyên lý của lão tử "không mà có"... Vậy với mỗi "nhà cảm xạ" ta phải kiểm tra xem đã ở trong "trạng thái vô thức" hay vẫn còn ở trạng thái "ám thị có ý thức" khi đo? Muốn tránh được sự ám thị bằng mắt thì ta thử bịt mắt các "nhà cảm xạ" và đo 10 lần ở cùng một ví trí xem có ra cùng một chỉ số không? Hoặc là ta úp 100 quân bài đen và đỏ xem "nhà cảm xạ" nói đúng được bao nhiêu phần trăm?, hoặc xác định xem đâu là cốc nước muối, đâu là cốc nước đường... Nếu điều giản dị đó mà không nói được chuẩn xác thì lấy gì làm bằng chứng để nói rằng đã "đo được NLSH" của môi trường sâu dưới nền đất?
Thực tế, người ta nhìn các cây cối mọc trên mặt đất là có thể biết được đặc tính thổ nhưỡng và đặc tính vi khí hậu của vùng đất đó. Thường thường, những nơi nào cây cối tốt tươi thì nơi đó giàu sinh khí, rất có lợi cho cơ thể sinh học. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ nơi nào có cây cối tốt tươi là ở đó có lợi cho sức khoẻ con người. Ví dụ như những vùng gần nghĩa trang, những vùng ô nhiễm, cây cối rất xanh tươi nhưng lại nhiều thán khí, rất bất lợi cho sức khoẻ. Nhiều nơi gần nhà máy hóa chất, nhà máy phân bón, tuy cây cối tốt tươi nhưng lại gây ung thư như làng Thạch Sơn ở một tỉnh Trung du. 
Để có khái niệm về "nguồn năng lượng cao, hay nguồn năng lượng thấp" thì phải lập ra các tiêu chí cụ thể, tránh những đánh giá đại khái, chung chung. Hơn nữa, nguồn năng lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người là một hàm số phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Nguồn nước, môi trường không khí, các nguồn phóng xạ trong lòng đất, các tia đất, vùng đứt gẫy của địa chấn, các yếu tố Vi khí hậu và các bức xạ từ môi trường, sự ảnh hưởng của điện từ trường, mức độ ô nhiễm về điều kiện xã hội (tập quán, tệ nạn, truyền thống, không gian văn hóa...)... Căn cứ vào sự ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lớn hay nhỏ của các yếu tố này mà ta định ra "nguồn năng lượng cao, hay nguồn năng lượng thấp", không nên chỉ dùng một vài đồ vật hoặc một vài hòn đá "trấn yểm" là có thể "chuyển năng lượng xấu thành năng lượng tốt" như lời phán mang tính mồi chài của một số vị "kinh doanh đá phong thủy" để rồi tiền mất tật mang. 
Thúy Nga