Cá nhiễm độc thủy ngân ở Nhật Bản
Năm 1956, thế giới xôn xao khi một căn bệnh lạ xuất hiện ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto do ăn phải cá nhiễm độc. Do căn bệnh lạ xuất phát từ thành phố này nên tên của Minamata được dùng để đặt cho tên căn bệnh.
Theo ngày 21/4/1956 trường hợp bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh Minamata đó là một bé gái 5 tuổi. Khi đó, bé gái được đưa vào bệnh viện của công ty Chisso năm 1956 với những triệu chứng nghiêm trọng như không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống. Tiếp theo đó là hàng chục trường hợp khác phải nhập viện với những triệu chứng tương tự như bé gái 5 tuổi trên.
|
Shinobu Sakamoto - một trong những nạn nhân mắc bệnh Minamata. |
Đến ngày 1/5/1956, bác sĩ Hajime Hosokawa thuộc bệnh viện của công ty Shin Nihon Chisso Hiryo báo cáo một "bệnh dịch lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương" gây rúng động dư luận. Một thời gian ngắn sau khi báo cáo trên được đưa ra, 17 trường hợp tử vong vì căn bệnh lạ trên được ghi nhận. Vụ việc trở thành chủ đề nóng liên quan đến sức khỏe con người.
Đứng trước bối cảnh đó, Ủy ban đối phó dịch bệnh với sự tham gia của chính quyền thành phố và các học viện y tế để tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị, phòng ngừa căn bệnh Minamata.
Theo những kết quả nghiên cứu ban đầu, các chuyên gia cho rằng căn bệnh kỳ lạ này là bệnh di truyền. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đó là dịch bệnh mới xuất hiện ảnh hưởng tới hệ thần kinh của con người.
Mãi đến năm 1959, các giáo sư Đại học Kumamoto thông báo đã tìm ra nguyên nhân khiến người dân ở vùng Minamata mắc căn bệnh thần kinh trên là do ăn cá và sinh vật có vỏ cứng từ vịnh Minamata. Các bệnh nhân mắc bệnh Minamata thường là trong cùng một gia đình và cùng ăn hải sản đánh bắt từ vịnh Minamata. Thậm chí, động vật như chó, mèo... ở trong khu vực ăn thức ăn thừa của những gia đình có người mắc bệnh cũng có những triệu chứng tương tự và sau đó dẫn đến tử vong. Theo đó, thủy ngân có trong chất thải công nghiệp của nhà máy hoá chất Chisso được cho có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và nhiễm độc cá. Vào thời điểm đó, nhà máy hoá chất Chisso bác bỏ thông tin này.
Phải đến năm 1968, Nhật Bản mới chính thức thông báo thuỷ ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh Minamata. Theo đó, nước thải ô nhiễm của nhà máy này xả thẳng ra biển gây nhiễm độc cá. Người dân địa phương ăn những con cá nhiễm độc này mắc phải căn bệnh nguy hiểm trên. Dần dần căn bệnh Minamata ngày càng lan rộng sang các khu vực xung quanh thành phố Minamata, với số trường hợp nhiễm bệnh lên đến vài chục ngàn người. Theo ghi nhận, bệnh Minamata còn bùng phát ở khu vực dọc theo con sông Agano thuộc tỉnh Nigata. Nguyên nhân cá nhiễm độc khiến con người mắc phải căn bệnh lạ này là do nước xả thải của công ty Showa Denko có chứa thủy ngân gây nhiễm độc nguồn nước.
100 tấn cá nhiễm độc, chết trắng sông ở Trung Quốc
Ngày 2/9/2013, bộ phận bảo vệ môi trường tỉnh Hồ Bắc phát hiện lượng cá chết trên sông. Theo đó, có khoảng 100 tấn cá chết dọc 40 km của con sông được vớt lên bờ. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan môi trường tỉnh Hồ Bắc khuyến cáo người dân không nên ăn cá chết và cho biết nguồn nước không bị ảnh hưởng.
|
Xác cá chết trắng bắt đầu nổi trên mặt sông Phù Hà, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ ngày 2/9. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, sau đó, Công ty Khoa học và Công nghệ Shuanghuan tỉnh Hồ Bắc bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động. Bởi lẽ, sau khi thanh tra kiểm tra mẫu nước thải trong cống xả của công ty này cho thấy kết quả kinh hoàng. Kết quả kiểm tra mẫu nước cho thấy nồng độ amoniac thải ra môi trường của công ty này ở mức 196 mg/lít, vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Trung Quốc. Điều này khiến cho lượng lớn cá bị nhiễm độc và chết hàng loạt.
Hàng nghìn con cá chết sau vụ nổ nhà máy hóa chất
Vào tháng 8/2015, hàng nghìn con cá chết trôi dạt dọc bờ sông ở Thiên Tân. Sự kiện gây chấn động này xảy ra vào thời điểm một tuần sau khi hai vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại một nhà kho chứa nguyên liệu độc hại ở Thiên Tân. Theo cơ quan chức năng, có ít nhất 114 người thiệt mạng và 70 người mất tích sau hai vụ nổ kinh hoàng trên. Vụ nổ xảy ra ở một nhà kho chứa hơn 700 tấn hóa chất có độ độc hại cao. Mặc dù cơ quan chức năng thông báo chất lượng không khí và nước bên ngoài hiện trường ở mức bình thường, nhưng các cư dân sinh sống gần đó vẫn bày tỏ lo ngại về hậu quả lâu dài đối với môi trường và sức khỏe.
|
Hàng nghìn con cá chết dọc một bờ sông ở Thiên Tân gần nơi diễn ra hai vụ nổ. Ảnh: SplashNews. |
Giám đốc Trung tâm giám sát môi trường Thiên Tân, ông Deng Xiaowen cho hay toàn bộ nước ô nhiễm sau vụ nổ trên đã "bị chặn lại trong khu vực vụ nổ". Hiện chưa rõ những mối nguy hại trực tiếp mà xyanua tại hiện trường có thể gây ra.
Trước thông tin, hàng nghìn con cá chết dạt vào bờ, giới chức trách thông báo không có bất cứ dấu vết của xyanua trong nước sông ở Thiên Tân. Ông Xiowen giải thích rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt là điều bình thường trong mùa hè nắng nóng, khi chất thải từ đất liền đổ vào các con sông và chảy ra biển sau cơn mưa làm cá chết ngạt.
Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra thông báo trên nhưng nhiều người dân Trung Quốc vẫn lo lắng những chất hóa học độc hại từ vụ nổ có thể gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa tới sức khỏe của con người.
Video cá biển chết trắng dọc miền Trung do nhiễm độc (nguồn: VTC):
Tâm Anh (tổng hợp)