Bật mí những kỹ năng bắt B-52 của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Ba kỹ năng quan trọng nhất giúp ta chiến thắng B-52 là nhận diện B-52 trong nhiễu, chống con nhím Sơ-rai và phương pháp điều khiển tên lửa trong nhiễu.

Kỹ năng nhận diện B-52 trong nhiễu
Có thể nói rằng điều khó khăn nhất cho lực lượng phòng không Việt Nam khi đối mặt với máy bay B-52 là màn nhiễu dày đặc. Không quân Mỹ đã tận dụng mọi cách có thể để gây nhiễu khiến radar của đối phương trở nên “mù lòa”. Trong cuộc tập kích Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ đã dùng tổng hợp tất cả các loại nhiễu. Từ nhiễu tích cực ngoài đội hình, trong đội hình cho đến nhiễu tiêu cực.
Máy bay EA-6B, một loại máy bay gây nhiễu của Mỹ. Ảnh tư liệu. 
Nhiễu tích cực là dùng máy chuyên dụng phá hoại cánh sóng radar của ta khiến màn hình radar trở nên nhiễu loạn không thể phát hiện ra các tốp máy bay đang xâm nhập. Loại nhiễu này được sử dụng từ trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Ban đầu Mỹ dùng các máy bay EB-66 hoặc E-6A đi gây nhiễu mỗi khi tiến hành không kích. Các máy bay gây nhiễu này bay ngoài đội hình ném bom nên gọi là nhiễu ngoài đội hình. Sau đó, trong mỗi tốp không kích có cả máy bay gây nhiễu gọi là nhiễu trong đội hình.
Cùng với bước leo thang chiến tranh, cho đến khi tiến hành Linerbacker II thì hầu như các máy bay đi oanh kích đều gắn máy gây nhiễu. Riêng 1 chiếc B-52 có đến cả chục máy gây nhiễu.
Ngoài ra Mỹ còn sử dụng nhiễu tiêu cực. Loại này là các sợi kim loại mảnh, nhỏ và rất nhẹ được nhét vào các quả bom rồi thả cho nổ trên không hoặc được thả trực tiếp từ bụng máy bay B-52 để hấp thu và phản xạ sóng radar của đối phương khiến màn hình radar bị nhiễu loạn không nhìn được mục tiêu nữa.
 Một ống rocket dùng phóng nhiễu. Ảnh: Quân sử Việt Nam.
Đối mặt với kẻ thù nhiều thủ đoạn xảo quyệt, các chiến sĩ phòng không Việt Nam mà chủ lực là chiến sĩ radar cũng không ngừng tìm tòi biện pháp để khắc phục. Một phong trào “Vạch nhiễu tìm thù” đã ra đời từ khi xuất hiện thủ đoạn gây nhiễu.
Quá trình “Vạch nhiễu tìm thù” đã rất lâu dài và gian khổ. Để nhận diện được B-52 trong màn nhiễu, từ cuối năm 1966, Quân chủng PKKQ đã cử 1 trung đoàn tên lửa cùng nhiều đoàn cán bộ radar, thông tin, không quân vào tuyến lửa Khu 4 để tìm hiểu cách đánh B-52.
Theo hồi ký Bảo vệ bầu trời của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên phó chính ủy Quân chủng PKKQ cho biết: Tại đây, đoàn đã âm thầm theo dõi hoạt động của B-52. Các dạng nhiễu của B-52 qua các giai đoạn từ xa đến gần, từ nặng đến nhẹ, đều được chụp ảnh lại, phóng to ra, đóng thành 1 tập album với nhan đề: “B-52 trên màn hiện sóng”.
Cũng trong thời gian đó, trắc thủ Đỗ Công Hoa của đại đội 12, binh chủng radar đã lần đầu tiên “bắt” được B-52. Lập tức kinh nghiệm của Đỗ Công Hoa được phổ biến trong toàn binh chủng radar. Đến ngày 18/3/1971, nhờ những kinh nghiệm tổng hợp được, tên lửa ta đã hạ một chiếc B-52 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào.
Cho đến trước chiến dịch 12 ngày đêm, binh chủng radar nói riêng, quân chủng PK nói chung còn liên tục rút kinh nghiệm và cập nhật những thay đổi trong thủ đoạn của địch. Bởi thế, trong chiến dịch Linerbacker II, B-52 của Mỹ đã bị ta bắn hạ hơn 30 chiếc.
Vô hiệu hóa "lông nhím" shrike
Radar là con mắt của những bệ phóng tên lửa đối không. Biết rõ điều đó, không quân Mỹ liên tục dùng các thủ đoạn để che mắt ta. Nguy hiểm hơn, không quân Mỹ còn chế tạo loại tên lửa để chuyên đánh các đài radar.
Loại vũ khí đó là tên lửa không đối đất Shrike (ta gọi là Sơ – rai). Trong đội hình của B-52 đi đánh phá thì các máy bay F4 và F-105 sẽ mang tên lửa Shrike để chế áp trận địa tên lửa của ta.
Sơ-rai có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc "tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ". Nói một cách đơn giản là: khi nó phát hiện được cánh sóng ra-đa của ta, phi công Mỹ liền phóng hỏa tiễn Sơ-rai vào cánh sóng đó. Quả Sơ-rai cứ theo trục cánh sóng của ta mà lao xuống. Nếu ta không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nó sẽ rơi trúng đài ra-đa của ta, hoàn toàn chính xác.
Tên lửa Shrike đã gây nhiều thiệt hại cho bộ đội radar. Theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô: Chỉ tính riêng năm 1972, không quân Mỹ đã 104 lần dùng tên lửa Shrike đánh vào trận địa tên lửa của ta. Trong đó 21 lần gây thiệt hại khiến các đơn vị tên lửa phải rời khỏi trận địa.
Sau nhiều thiệt hại, các chiến sĩ radar thông minh của chúng ta đã dần dần tìm ra nhược điểm của tên lửa Shrike để hạn chế nó. Cứ mỗi khi phát hiện địch phóng tên lửa Shrike, các chiến sĩ của ta lại xoay ăng ten và tắt nguồn phát sóng cao tần làm tên lửa Shrike của địch mất nguồn điều khiển nên lệch ra khỏi trận địa hàng trăm mét.
Nhờ những kinh nghiệm chống Shrike đó, trong những ngày cuối năm 1972, mặc dù không quân Mỹ đã phóng rất nhiều tên lửa Shrike nhưng radar ta vẫn trụ vững và phát sóng bắt B-52 để dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt.
Bàn tay vàng điều khiển tên lửa trong nhiễu
Không chỉ mạnh về tiềm lực công nghệ, trong đánh nhau, người Mỹ cũng là những kẻ lắm mưu kế xảo quyệt. Trước cuộc tiến công Linerbacker II, không quân Mỹ lại thay đổi một thủ đoạn mới. Đó là dùng các máy bay F4 giả làm B-52 để đánh lừa ta. Với thủ đoạn này, Mỹ đã thành công trong cuộc tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng ngày 16/4/1972.
Đối phó lại, các chiến sĩ thông minh của ta cũng tìm ra cách. Mỗi khi nghi ngờ là máy bay chiến thuật giả B-52, các trắc thủ tên lửa làm giả động tác phóng tên lửa. Bọn F-4, F-105 thấy vậy liền cơ động loạn xạ để tránh đòn. Như vậy lập tức cái mặt nạ của chúng bị lộ.
Cũng phải nói thêm rằng trong môi trường nhiễu nghiêm trọng như vậy, tên lửa phòng không của ta không thể bắn bình thường được mà phải dùng các biện pháp sáng tạo. Hai trong số nhiều biện pháp sáng tạo đã mang lại thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là phương pháp 3 điểm và phương pháp bắn trước nửa góc.
Cho đến hiện tại phía ta chưa công bố cụ thể các phương pháp này. Tuy nhiên, một số phi công Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có mô tả rằng thời đó họ có gặp tình huống là tên lửa của ta phóng lên theo các độ cao khác nhau. Ban đầu một quả trên cao, khi máy bay tránh quả trên cao sẽ gặp tiếp quả thứ hai dưới thấp và ngược lại. Có lẽ điều mô tả của phi công Mỹ chính là phương pháp 3 điểm?
Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, như nhiều chiến dịch khác trong kháng chiến chống Mỹ, không phải là một cuộc đụng độ ngẫu nhiên. Đối với Mỹ, đó là thủ đoạn cuối cùng trước khi cam tâm chịu thất bại. Đối với ta, đó là trận chiến đã được dự đoán và chuẩn bị trong gần 6 năm trời. Ta thắng Mỹ cũng vì ta đã từng giờ từng phút tích lũy kinh nghiệm và liên tục sáng tạo các chiến thuật cùng với quá trình cải tiến kỹ thuật để chiến thắng các thủ đoạn tinh vi của chúng.
Vũ Tiến Đức