Cái chết đầy bí ẩn
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh kể, năm 1906, sau khi trở về từ hội chợ thuộc địa Mac-xây (Marseilles, Pháp), Nguyễn Văn Vĩnh bỏ nghiệp quan chức và sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam là Đăng Cổ tùng báo (1907), liên tiếp sau này là Đông Dương tạp chí (1913), Nước Nam mới...
|
Ảnh chụp năm 1919, Ban biên tập báo Trung Bắc tân văn, tờ nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh đứng thứ 3 từ phải sang, đội mũ. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Những bài báo của ông lên án triều đình phong kiến nhà Nguyễn và phê phán chính sách cai trị hà khắc của chính phủ thuộc địa. Điều này khiến chính quyền đương thời sợ hãi, tìm nhiều cách để cản trở sự nghiệp xuất bản, trong đó cấm cả việc Nguyễn Văn Vĩnh không được viết báo bằng chữ quốc ngữ.
Năm 1930, sau nhiều lần vận động Nguyễn Văn Vĩnh chấm dứt việc viết bài đả phá chế độ cai trị không thành công, thực dân Pháp tìm cách chấm dứt hoạt động báo chí của ông bằng cách đưa ra 3 con đường cho ông lựa chọn.
Chúng yêu cầu ông làm Thượng thư cho triều đình nhà Nguyễn (sẽ được xóa nợ) hoặc là đi tù và lựa chọn thứ ba là phải sang Lào đào vàng trả nợ.
Trong khi nói chuyện với gia đình, học giả Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ: "Nhục nhã nhất là đi tù và nếu phải chết thầy cũng không bao giờ làm quan cho triều Nguyễn. Bởi vậy, thầy sẽ đi đào vàng. Sang đó thầy vẫn tiếp tục viết. Chúng có thể o ép về kinh tế nhưng không thể o ép ý chí của thầy...".
Ông Bình lý giải: "Trước đó, năm 1926, để phục vụ cho việc thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng, truyền bá văn hóa, ông tôi đã mang toàn bộ gia sản thế chấp vào nhà băng Đông Dương với thời hạn trả nợ là 20 năm.
Nhưng mới vay được mấy năm thì chính quyền cai trị đòi nợ, nói đúng hơn là dùng hình thức o ép về tài chính để buộc Nguyễn Văn Vĩnh phải dừng ngay các hoạt động viết báo".
Ông Nguyễn Lân Bình (sinh năm 1951 - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh) từng sang Bungari học nghề cơ khí. Ông trải qua nhiều vị trí trong sự nghiệp của mình như làm đội trưởng đội phiên dịch ở Bungari, công tác tại Đại sứ quán Bungari ở Hà Nội. Năm 1990, ông là người phụ trách toàn bộ hoạt động của Hãng Hàng không BALKAN Bungari ở Việt Nam.
Là cháu nội, ông luôn trăn trở về khát vọng muốn để mọi người hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Năm 2006, ông Lân Bình nảy ý định làm phim về cụ Vĩnh. Sau khi bộ phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” gây được tiếng vang, năm 2012, ông lập trang thông tin điện tử Tannamtu.com để giới thiệu sâu và rộng hơn nữa về cuộc đời học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Trải lòng với báo chí, ông nói: "Tôi đã bị hút vào "cuộc đời lộng lẫy và nhiêu khê" của ông nội".
Nguyễn Văn Vĩnh từ biệt vợ con, lựa chọn sang Lào đào vàng cùng một người Pháp. Nhưng không ngờ, đây lại là chuyến đi cuối cùng chẳng hẹn ngày trở lại của ông.
Từ phương trời xa lắc, những bài báo sắc sảo, thể hiện quan điểm lập trường mạnh mẽ của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn tiếp tục đăng trên báo Nước Nam mới.
Nhưng chỉ một tháng sau, vào 1/5/1936, ông chết trên một con thuyền độc mộc, toàn thân tím đen. Một tay ông cầm bút và một tay vẫn cầm quyển sổ đang viết dở giữa dòng sông Sê Pôn.
Ông Bình nói: "Người trong nhà chia sẻ lại, cả buổi chiều ngày hôm đó, trời Sê Pôn (Lào) mưa to tầm tã, nước sống chảy xiết, chiếc thuyền độc mộc trôi đến chân cầu sông Sê Păng Hiên (một nhánh sông Sê Pôn) thì được người dân phát hiện. Họ đưa ông đi cấp cứu nhưng quá trễ... Người ta báo tin về gia đình rằng ông đã chết vì sốt rét và kiết lỵ".
Ông Bình tiếp tục: "Các bác tôi vẫn thường nói rằng, cái chết của ông Vĩnh còn nhiều bí ẩn. Thời gian ông tôi đi đào vàng, nói đúng hơn là đi đày không hiểu sao vẫn có những bức ảnh chụp ông tôi, không hiểu những bức ảnh đó chụp làm gì. Thêm vào đó, nếu ông chết vì kiết lị hay sốt rét, thi thể sẽ khó bị tím đen như vậy...".
Đây cũng chính là lý do mà sau này, ông Nguyễn Lân Bình đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời ông nội mình.
Ông Bình từng mượn câu của F. Ăng-ghen để nói về công việc của mình: "Thà đi tìm sự thật suốt một đêm còn hơn nghi ngờ nó một đời". Trong buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh(17/2/2012), câu trích dẫn trên của ông Nguyễn Lân Bình cũng từng gây chú ý đặc biệt với người nghe.
Thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh mất, nhà cầm quyền hoàn thành việc tịch biên và phát mại tài sản của ông một cách chóng vánh, kéo theo đó là một cuộc chia ly đầy đau đớn trong gia đình.
Đám tang rúng động miền Bắc
Nhận được tin Nguyễn Văn Vĩnh mất, trong bối cảnh gia sản bị tịch biên, chủ mua gia sản o bế, người vợ cả Đỗ Thị Tính không còn cách nào khác đã cử người sang Sê Pôn (Lào) để nhận thi thể, làm đám tang cho ông và dự định chôn cất ông ở bên đó, để khi đủ thời gian, sẽ bốc hài cốt về sau.
Tuy nhiên, tin Nguyễn Văn Vĩnh mất lan nhanh đến chóng mặt, những người Pháp tiến bộ và những trí thức đương thời đã đứng ra giúp đỡ gia đình đưa thi hài ông về Việt Nam.
Ngày sang nhận thi thể, có 2 người con trai của ông là Nguyễn Giang và Nguyễn Hiến cùng người vợ ba - bà Suzanne. Thi hài ông được đặt trong chiếc quan tài bằng kẽm kiên cố, di chuyển theo đường bộ từ Sê Pôn về đến ga Đông Hà, Quảng Trị và chuyển lên tàu lửa về ga Hà Nội.
Ngày đưa tang ông, bạn bè, người yêu mến, các đoàn thể tề tựu đông đủ ở gần nhà ga đường sắt Hà Nội.
Ông Nguyễn Lân Bình kể: "Đám tang rất lớn và vô cùng long trọng, kéo dài từ chiều ngày 6/5 đến trưa ngày 8/5/1936 tại ngôi nhà số 107, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội".
Theo đó, có khoảng hàng chục ngàn người đến tiễn đưa con người được mệnh danh là “Người công dân vĩ đại” (điếu văn của Hội Nhân quyền Hà Nội).
Xe tang chở thi hài người quá cố đến trước cổng bệnh viện Bạch Mai mà đoàn người đưa tiễn vẫn còn ở ga Hàng Cỏ.
Trong đám tang, có đến 20 bài điếu văn từ các trí sĩ đương thời như điếu văn của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Đăng Đệ...
Đám tang Nguyễn Văn Vĩnh được coi là một sự kiện đặc biệt hy hữu ngày 8/5/1936 tại số nhà 107, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh, người có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Năm 1909, ông dịch toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa từ chữ Hán văn ra Quốc ngữ (cùng Phan Kế Bính).
Năm 1913, ông dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ. Năm 1917, ông là Chủ bút báo Trung Bắc tân văn - tờ nhật báo đầu tiên của Báo chí Việt Nam. Từ 1900 - 1920, ông dịch các tác phẩm văn học Pháp của La Fontaine, V.Hugo, Balzac, A. Dumas... ra chữ Quốc ngữ.
Năm 1920, ông là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát Lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière. Năm 1924, ông cùng người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam Kim Vân Kiều (phim câm)...
Sinh thời, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng khẳng định: “Nước Nam ta sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.
Theo Diệu Bình - Ngọc Trang/Vietnamnet