Theo các phương tiện truyền thông, hơn 3.000 công nhân nhà máy may mặc ở thành phố Gazipur, Bangladesh ngừng làm việc và biểu tình yêu cầu cơ quan chức năng có giải pháp đuổi con ma đang ẩn nấp trong nhà vệ sinh ra khỏi tòa nhà. Sự vệc diễn ra sau khi một nữ công nhân cảm thấy ốm yếu và bị ma tấn công trong nhà vệ sinh.
Sau khi tin tức nhà máy may mặc xuất hiện ma, công nhân vô cùng hoảng sợ. Hàng chục người trong số họ đã có những hành động đập phá nhà máy trước khi cảnh sát phải dùng đến hơi cay để dập tắt cuộc bạo loạn của những người lao động.
Đây không phải là lần đầu tiên những công nhân làm việc trong các nhà máy may mặc Đông Nam Á phàn nàn rằng, sức khỏe của họ bị giảm sút với những triệu chứng nhẹ nhưng không thể giải thích được nguyên nhân. Cụ thể, hơn 1.000 công nhân làm việc trong các nhà máy đóng giày và may quần áo ở Campuchia cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn trong thời gian từ tháng 6-9/2011. Sau khi nghỉ ngơi và được chăm sóc y tế, họ phục hồi sức khỏe và quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số người trong đó vẫn mắc những triệu chứng trên trong thời gian dài. Cơ quan chức năng không tìm ra những độc tố hay chất gây ô nhiễm môi trường nào là nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe sa sút của công nhân.
|
Công nhân nhà máy may mặc ở Bangladesh nói rằng, họ bị ma tấn công.
|
Sự kiện tương tự cũng đã xảy ra tại Bangladesh trong những tuần gần đây. Hàng trăm công nhân ở Thủ đô Dhaka và ở những thị trấn có nhiều nhà máy cũng cho hay, họ bị ốm nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Cơ quan y tế nhận định rằng, hầu hết các trường hợp đổ lỗi cho ma có thể bị mắc chứng hoang tưởng tập thể. Triệu chứng tâm lý trên xuất hiện khi con người chịu áp lực trong thời gian dài. Sau khoảng thời gian đó, những áp lực sẽ khiến thể chất của công nhân bị suy kiệt. Hội chứng này có thể lây lan dây chuyền từ người này sang người khác, như giữa các đồng nghiệp, người thân, bạn bè với nhau. Nó thường bùng phát trong những môi trường xã hội khép kín như trường học, bệnh viện, nhà máy sản xuất. Đặc biệt, tâm lý sợ hãi và lo ngại về điều kiện làm việc trong các nhà máy sản xuất của công nhân ngày càng tăng cao sau khi hơn 1.000 người lao động đã chết do nhà máy dệt Bangladesh bị sập.
Một số người cho rằng, sự việc này có thể là do bị rò rỉ khí hoặc những chất độc mà con người chưa phát hiện ra có thể là nguyên nhân chính khiến công nhân tin vào sự tồn tại của thế lực bí ẩn.
Người dân Bangladesh rất tin vào chuyện ma quỷ, đặc biệt là người Hồi giáo. Tuy nhiên, họ thường không đổ lỗi cho thế lực hắc ám này là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn và bệnh tật.
Một số người dân tại khu vực Trung Đông và Châu Á tin tưởng rằng, ma quỷ thường ẩn náu trong nhà vệ sinh, khu cống rãnh ẩm ướt, đen tối. Chính vì vậy, người ta đã thực hiện nghi lễ trừ tà đối với một số nhà máy bị cho là có quỷ ám nhằm xua đuổi những linh hồn đi lang thang trong nhà máy và reo rắc các mầm bệnh đến nơi khác. Một số người chủ còn tổ chức lễ cầu nguyện đặc biệt tại khu vực sản xuất để đuổi linh hồn ma quỷ. Cùng với đó, công nhân sẽ được nghỉ người vài ngày để trấn tĩnh tinh thần và quay trở lại làm việc với sức khỏe tốt hơn.
Nhật Anh (theo Live Science)