Bí ẩn công tác bảo quản thi hài Mao Trạch Đông

Google News

Một nhà khoa học tham gia công tác này đã xuất bản hồi ký, lần đầu tiên hé mở những bí mật của công việc đặc biệt bảo quản thi hài Mao Trạch Đông.

Ngày 9/9/1976, Chủ tịch Mao Trạch Đông từ trần. Ngay tối hôm đó, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, xác định phải bảo quản thi thể ông để mọi người đến viếng, thời gian ấn định là 15 ngày.
Trong thời gian tiến hành hoạt động truy điệu, ngày 10/9, Trung ương Đảng do Hoa Quốc Phong đứng đầu lại quyết định bảo quản lâu dài thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông, xây dựng lăng mộ để người đời sau được thấy di dung của ông.
Đây quả là một vấn đề lớn đối với các nhân viên y tế vì thông thường sau khi chết 2 giờ, thi thể phải được giải phẫu, lấy nội tạng ra, dùng hóa chất tẩy rửa mọi mạch máu trong cơ thể, sau đó đem ngâm vào phoóc-môn và một số hóa chất khác.
Trong khi đó, thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đầu lại chỉ xử lý đơn giản, không được rửa mạch máu, nay làm theo quy trình bình thường thì không được nữa…
Các nhân viên y tế đứng trước một vấn đề khó khăn rất lớn. Tổ nghiên cứu bảo quản thi hài gồm có Lưu Tương Bình, Ngô Giới Bình, Lâm Quân Tài, Từ Tĩnh, Lý Chí Thỏa. Đây là một nhiệm vụ chính trị bắt buộc các nhà khoa học phải hoàn thành, chỉ được thành công, không được phép thất bại. Về sau, trong Hồi ký của mình, giáo sư Ngô Giới Bình đã kể lại như sau:
“Ngày 11/9, tôi được thông báo giao phụ trách tổ công tác bảo quản thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông. Khi đó tôi mới biết thi hài ông phải được bảo quản, lưu giữ lâu dài và xây dựng Nhà kỷ niệm để mọi người vào viếng.
Rõ ràng quyết định này mới được đưa ra, có lẽ là trong ngày hôm đó. Tôi tuy đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ y tế quan trọng, nhưng lần này lại không thấy tự tin như các lần trước. Bảo quản thi thể không khó, yêu cầu chỉ là để lâu không bị phân hủy, điều này đều đã có các phương pháp khoa học. Nhưng bảo quản thi hài để mọi người chiêm ngưỡng di hài thì lại khác, yêu cầu sắc mặt, thần thái, dung mạo phải đạt chuẩn, lại còn chịu ảnh hưởng bởi chiếu sáng, nhiệt độ và độ ẩm.
Là một bác sỹ lâm sàng, kiến thức của tôi về mặt này không nhiều, thực tế lại không có phương pháp khoa học chắc chắn, trong khi đó yêu cầu phải kịp thời áp dụng các biện pháp bảo quản, không được để lỡ thời gian kẻo gây nên tổn thất không thể bù đắp được. Nhiệm vụ chính trị vô cùng trọng đại đó, tuy rất nhiều khó khăn nhưng không thể không đảm đương, vì vậy tâm tư của tôi rất phức tạp…
Ngày 18/9, Lễ truy điệu kết thúc, Trung ương cho chuyển thi hài đến một địa điểm gọi là “769”. Sau khi di chuyển thi hài, các nhân viên y tế phải làm cụ thể những gì? Trách nhiệm quá lớn lao, chẳng ai đưa ra được biện pháp nào tốt nhất.
Tại Bắc Kinh, các chuyên gia liên quan đã thành lập “Tổ bảo quản thi hài”, dùng danh nghĩa trung ương để triệu tập các nhà khoa học hàng đầu của Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu về hội thảo đi hội thảo lại.
Bên trong Đại lễ đường Nhân dân uy nghiêm, các cuộc hội thảo diễn ra thông tầm ngày đêm. Việc bảo quản do các chuyên gia Bắc Kinh chủ quản, nên phía Bắc Kinh phải đưa ra phương án thao tác trước. Đầu tiên là bảo quản bằng ngâm trong dung dịch. Đây là phương pháp phổ biến nhất trên thế giới và được dùng nhiều nhất.
Các thi thể, các tiêu bản dùng trong các trường y khoa đều sử dụng phương pháp này. “Tức là ngâm thi hài trong dung dịch chống phân hủy nồng độ cao, cộng thêm các điều kiện môi trường cần thiết khác”. Trong điều kiện kỹ thuật hiện nay, đó là phương pháp đáng tin cậy nhất, ổn thỏa nhất, nhưng không thể nói là trình độ cao nhất.
Quả nhiên, các nhà khoa học Thượng Hải đã nêu ý kiến không tán thành phương pháp đó: Di hài Chủ tịch Mao Trạch Đông bảo quản để đông đảo nhân dân đến chiêm ngưỡng, phương pháp này khiến di hài giống như tiêu bản ngâm trong lọ, về mặt tâm lý mọi người sẽ khó có thể chấp nhận điều đó.
Phương pháp thứ hai là bảo bảo bằng khí. Bảo quản bằng khí tạo được cảm giác tự nhiên, sống động, nhưng khó khăn lớn nhất là làm sao để thi hài giữ được nước, vì nếu kiệt nước thì thi hài sẽ teo đi, biến dạng, biến sắc, gây tổn hại không thể cứu vãn.
Từng quan điểm liên tiếp được nêu ra rồi lần lượt bị bác bỏ. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi có những nhược điểm, nếu không được chú ý đúng mức sẽ gây nên thất bại về căn bản. Các nhà khoa học đã hết sức cân nhắc, đắn đo, xem xét kỹ lưỡng.
Cuối cùng, quyết định được đưa ra là lựa chọn phương pháp của các nhà khoa học Bắc Kinh: kết hợp giữa bảo quản ngâm dung dịch với bảo quản khí. Gọi là kết hợp dịch – khí, tức là những phần da cần bộc lộ ra bên ngoài như phần đầu và hai bàn tay thì bảo quản bằng khí, còn lại toàn thân không cần bộc lộ thì được ngâm trong chất lỏng.
Lúc thường thì bảo quản bằng khí, mỗi năm một lần phải ngâm toàn bộ thi hài trong chất lỏng, nhưng dù bảo quản dạng khí hay dạng chất lỏng đều phải là bảo quản bằng hoá chất. Ngoài ra, còn phải áp dụng tổng hợp các biện pháp bảo quản khác như vật lý, quang học. Tóm lại đó là tổng hợp các biện pháp rất phức tạp…
3 giờ 50 phút sáng 20/9, một đoàn xe xuyên màn đêm băng qua phố Tràng An dài dằng dặc, chạy đến Mao Gia Loan. Ngay từ năm 1969, sau khi nổ ra chiến dịch Đảo Trân Bảo (tức quân đội hai nước Trung – Xô đánh nhau tại hòn đảo trên sông Usuri ở giáp giới hai nước – ND), Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phát lệnh hô hào toàn quốc “Đào hầm sâu, tích trữ lương thực, không xưng bá”, các nơi đều đua nhau đào hầm phòng không lớn nhỏ.
Tại Bắc Kinh cũng có một đường hầm lớn nối thông Quảng trường Thiên An Môn, Đại lễ đường Nhân dân, Trung Nam Hải với Tây Sơn, tới cả Bát Đạt. Nơi ở cũ của Lâm Bưu ở Mao Gia Loan cũng có một cửa hầm. Đoàn xe chở thi dài Chủ tịch Mao Trạch Đông từ từ chạy vào đây, đi cùng có Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Lưu Tương Bình, Hoàng Thụ Tắc và các nhân viên tổ bảo quản thi hài: Ngô Giới Bình, Lâm Quân Tài, Từ Tịnh.
Đầu tiên đập vào mắt mọi người là sự canh gác nghiêm mật của binh lính: cứ 13 bước có một chốt, 5 bước có một vọng đứng thành hàng hai bên cánh cửa sắt to đùng. Xe dừng lại trước cửa, mọi người xuống xe đi bộ xuống hầm. Vào trong hầm tôi thấy hầm rất rộng, đủ cho 4 làn xe chạy. Mọi người ngửi thấy một mùi rất khó chịu, rõ ràng là điều kiện thông gió ở đây không được tốt. Đi khoảng 100 mét thì mới đến Nhà bảo quản thi hài đầy bí ẩn.
Từ tháng 9/1976 đến tháng 8/1977, nhóm của Ngô Giới Bình đã liên tục làm việc dưới lòng đất để thực hiện sứ mệnh đặc biệt gọi là “Nhiệm vụ số Một Liên hợp quốc”. Trong thời gian đó, phía bên trên mặt đất đã diễn ra những thay đổi trời long đất lở, chấn động trong, ngoài nước.
Nhà bảo quản thi hài mang bí số “769” đó vốn là một phòng phẫu thuật quân y, thiết bị rất đầy đủ, điều kiện rất tốt. Theo yêu cầu của việc bảo quản, các căn phòng được cải tạo để trở nên kín gió, chân không và có nhiệt độ thấp. Trong phòng có một thùng lớn làm bằng titan đổ đầy dung dịch thuốc để ngâm thi hài.
Tổ bảo quản thi hài tiến hành phân công rất chặt chẽ. Hoàng Thụ Tắc, Ngô Giới Bình và Lâm Quân Tài là 3 trưởng ca, mỗi ca làm việc liên tục 24 giờ, sau khi giao ca xong mới được nghỉ ngơi.
Việc bảo quản phải đối diện với hàng loạt vấn đề, quan trọng nhất là chống phân hủy. Không những đảm bảo thi hài không thối rữa mà còn phải giữ được dung nhan, thần thái. Muốn giữ được lâu dài thì không được dùng mỹ phẩm trang điểm vì bất cứ thứ mỹ phẩm nào cũng đều gây hại cho thi hài, chỉ có thể dùng ánh sáng dịu màu hồng nhạt chiếu lên mặt để tạo hiệu quả gần với mức thật.
Thi hài yêu cầu phải được bảo quản lâu dài, nhưng từng phút từng giờ đang biến đổi, các nhà khoa học phải tìm cách làm cho những biến đổi đó diễn ra chậm nhất, nhỏ nhất. Vì vậy hàng ngày phải đo đếm, ghi chép tỷ mỉ, kỹ lưỡng, không được tắc trách. Nhiều phương pháp đo đếm phải nghĩ nát óc mới làm được. Ví dụ như độ cao thấp của da mặt, rất khó dùng phương pháp khoa học đo bằng thước, mà phải dùng nguyên lý đo địa hình trong bản đồ quân sự.
Dĩ nhiên diện tích nhỏ thì độ chính xác phải cao. Còn màu sắc da, lấy gì làm chuẩn để tính độ sẫm lên hay nhạt đi, sẫm lên bao nhiêu? nhạt đi bao nhiêu? Qua nghiên cứu và đọc tài liệu cuối cùng đã áp dụng phương pháp gọi là “Phương pháp xem tem” để tính toán.
Hàng ngày các nhân viên đều đem bảng màu chi tiết này đến để so sánh đối chiếu. Cứ 1 tháng, 3 tháng thì ngồi lại so sánh xem mức biến đổi đến đâu. Tuy có vẻ thô sơ, nguyên thủy nhưng thực ra chả có cách nào khác hữu hiệu hơn.
Vấn đề tiếp theo cần bàn tới là sau giai đoạn cách ly chân không, thi hài sẽ được bảo quản trong môi trường khí thể gì? Lúc đầu mọi người nghĩ ngay đến khí Nitơ, nhưng một chuyên gia đưa ra một loại khí khác tốt hơn là Heli, có điều giá thành sản xuất loại khí này rất đắt. Nếu bình thường thì chả ai dám nghĩ đến khí Heli, nhưng vì trong việc bảo quản thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông tiền không là vấn đề, mọi thứ phải tốt nhất, đó được coi là biểu hiện của sự trung thành.
Vấn đề bàn cãi tiếp theo là dùng ánh sáng màu gì để chiếu lên khuôn mặt thi hài. Có chuyên gia đề nghị dùng màu tươi, rực rỡ để thể hiện Chủ tịch Mao Trạch Đông rất mạnh khỏe. Nhưng lại có ý kiến bác lại, nói Chủ tịch đã mất rồi, dùng màu đỏ quá là không phù hợp. Mỗi vấn đề đó cũng phải mở tới mấy cuộc thảo luận mới tìm ra được màu sắc được coi là tương đối hài lòng.
Sáng ngày 6/10/1976, như mọi ngày, Ngô Giới Bình đến Mao Gia Loan, nơi đặt Phòng bảo quản thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông để làm việc. Vừa qua chốt gác thứ hai để vào đường hầm thì ông cảm thấy hôm nay có điều gì đó không bình thường.
Đoạn đường dốc khoảng 100 mét này trước đây không có lính gác, nhưng hôm nay đặt một hàng rào chướng ngại, người vào phải đi né sang bên cạnh. Có thêm mấy trạm gác được đặt, tất cả các cửa cuốn bằng sắt đều được kéo lên lơ lửng chỉ đủ để một, hai người chui qua. Các lính gác đều đứng thẳng, vẻ mặt rất nghiêm nghị, tra xét giấy tờ của tất cả mọi người ra vào dù đều đã quen mặt.
Mang theo vẻ hoài nghi đầy khó hiểu, Ngô Giới Bình đi xuống hầm thì thấy các sỹ quan Mao Duy Trung, Trương Diệu Từ của Cục Cảnh vệ đều không thấy có mặt. Đêm qua đã xảy ra chuyện gì vậy? Mãi sau này dần dần Ngô Giới Bình mới biết được ban lãnh đạo do Hoa Quốc Phong đứng đầu đã chính thức bắt giam “Nhóm 4 người” Vương, Trương, Giang, Diêu và phá tan tành mặt trận của chúng.
Đồng thời với việc đó, Bộ chính trị, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Quốc vụ viện, Quân uỷ trung ương đã quyết định xây dựng Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông. Tức là: xây dựng Nhà kỷ niệm tại Bắc Kinh và sau khi xây dựng xong sẽ đưa linh cữu thuỷ tinh đựng di hài Chủ tịch Mao Trạch Đông vào Nhà kỷ niệm để đông đảo nhân dân được đến chiêm ngưỡng.
Quyết định này được công bố đã gây áp lực rất lớn lên những người đảm nhiệm việc xây dựng Nhà kỷ niệm và bảo quản thi hài. Qua hơn một năm làm việc liên tục suốt ngày đêm, khắc phục bao khó khăn, sáng sớm ngày 20/7/1977, đoàn xe chở thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông xuất phát từ “769” chạy vào Nhà kỷ niệm theo phương án đã định. Sau những thủ tục ngắn gọn, trưa hôm đó thi hài đã được đưa vào trong quan tài kính.
Phương án bảo quản cuối cùng được lựa chọn là kết hợp chất lỏng - chất khí. Để thực hiện, trong Nhà kỷ niệm đã lắp đặt một hệ thống thang máy an toàn, đáng tin cậy.
Khi Nhà kỷ niệm mở cửa cho nhân dân vào thăm thì thi hài được đặt vào vị trí có thể quan sát trong quan tài nhưng không được cho nước vào vì nhiệt độ trong quan tài rất thấp, nếu có nước sẽ bị ngưng sương, đành phải áp dụng phương pháp kết hợp khô ướt. Trong áo đều sẫm nước, tức là những phần không nằm trong tầm nhìn của mọi người thực ra đều được ngâm trong dung dịch, chỉ có mặt là ở môi trường khí.
Sau khi đóng cửa, thi hài lại được đưa xuống ngâm trong bồn kín đặt dưới hầm ngầm. Ngoài ra, hàng năm cứ sau sinh nhật Chủ tịch Mao Trạch Đông, tức là 26/12, thì tạm ngừng mở cửa Nhà kỷ niệm để ngâm thi hài trong dung dịch một thời gian dài, bổ sung phần nước đã bị mất.
Sau khi thi hài Chủ tịch Mao Trạch Đông được đưa vào Nhà kỷ niệm, công tác bảo quản bước sang giai đoạn mới, kỹ thuật cụ thể dần dần được quy phạm hóa, công tác nghiên cứu khoa học cơ bản tiếp tục được đẩy mạnh và cuộc hội thảo khoa học được tổ chức vào cuối năm. Đến đây, Tổ công tác bảo quản đã hoàn thành được sứ mạng của mình. Sau đó, các chuyên gia bảo quản vẫn còn phải tiếp tục gắng mọi nỗ lực mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Theo Người Đưa Tin