Bí ẩn hội chứng “người đẹp ngủ trong rừng”

Google News

(Kiến Thức) - Giới khoa học vẫn miệt mài đi tìm lời giải cho hội chứng lạ "người đẹp ngủ trong rừng". 

Thiếu nữ 12 tuổi ngủ suốt 9 năm

Câu chuyện kỳ lạ về thiếu nữ người Anh Ellen Sadler sống ở thế kỷ XIX từng gây chấn động dư luận thời đó.  

Ellen Sadler sinh năm 1859 là người con thứ 10 trong gia đình làm nghề nông tại làng Turville, hạt Buckinghamshire, Anh. Cô bất ngờ ngủ thiếp đi trong suốt 9 năm, dẫu người thân dùng mọi cách để đánh thức. Kể từ đó, dư luận và báo chí Anh gọi Sadler với cái tên trìu mến là "người đẹp ngủ ở Turville".

Câu chuyện kỳ bí của Ellen bắt đầu từ khi cô lên 11 tuổi. Vào thời gian đó, cô đã tới thị trấn Marlow làm người trông trẻ cho một gia đình giàu có để trang trải thêm kinh tế gia đình. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Ellen bị đuổi vì không làm được việc và cũng không thông minh cho lắm.

Sau khi trở về nhà, Ellen bắt đầu xuất hiện triệu chứng lạ, với những cơn đau đầu dữ dội, liên tiếp. Cô đã kể chuyện này với gia đình và được đưa đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi trải qua các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Ellen mắc bệnh áp se. Sau 17 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của thiếu nữ này có dấu hiệu tốt lên. Vì vậy, cô được phép xuất viện về nhà chữa trị. Tuy nhiên, Ellen đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu chỉ sau 2 ngày xuất viện, tức vào tháng 3/1871.

Bác sĩ Hayman sống ở ngôi làng Stockenchurch đã sử dụng nhiều biện pháp để đánh thức Ellen tỉnh dậy nhưng mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng. Ngay những bác sĩ khác dùng phương pháp sốc điện... hay các danh y quanh vùng đều thử ra tay chữa trị nhưng cô gái trẻ vẫn không chịu tỉnh giấc. Ellen vẫn nằm yên trên giường với cơ thể ấm nóng, trái tim đập nhịp nhàng, duy chỉ có đôi chân có vẻ lạnh hơn. Vào thời đó, các chuyên gia y tế đầu ngành dường như đành bó tay với hiện tượng kỳ lạ này.

Ellen ngủ li bì suốt 9 năm mà không hề thức giấc.
Do nằm bất động trên giường nên mẹ của Ellen bón cho cô ăn 3 lần/ngày, mỗi lần hai thìa rượu vang đỏ và đường để duy trì hàm lượng chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Câu chuyện về “người đẹp ngủ” Ellen trở nên nổi tiếng và xuất hiện trên khắp các mặt báo lớn nhỏ. Kể từ đó, từ khắp nơi, mọi người ùn ùn kéo về ngôi làng Turville để có dịp “mục sở thị” cô gái kỳ lạ này. Họ cũng muốn xin một sợi tóc của thiếu nữ để làm vật kỷ niệm. Không chỉ đến hỏi thăm sức khỏe của Ellen, một số nhà hảo tâm còn trợ giúp tiền bạc cho gia đình Ellen để tiếp tục chạy chữa cho con gái.

Cũng trong thời gian này, một số người hoài nghi hiện tượng "người đẹp ngủ" chỉ là trò lừa bịp của gia đình Ellen nhằm lợi dụng lòng hảo tâm, thương xót của cộng đồng. Họ nói rằng đã nhìn thấy Ellen đi đến nghĩa địa vào buổi đêm. Thậm chí, họ còn nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của gia đình này và thấy các thành viên trong gia đình, kể cả cô bé Ellen đi lại bình thường Tuy nhiên, mọi lời đồn đều bị cho là không chính xác bởi các bác sỹ đã sử dụng nhiều phương pháp cứu chữa nhưng cơ thể của cô gái vẫn không hề có phản ứng.

Vào đúng dịp năm mới 1880, "người đẹp ngủ trong rừng" Ellen  bất ngờ thức giấc sau 9 năm ngủ li bì. Mặc dù tỉnh lại nhưng thiếu nữ không hề hay biết về những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Ngạc nhiên hơn, cô cư xử và có những hành động như một đứa trẻ 12 tuổi.

Trở lại cuộc sống bình thường, Ellen đã 21 tuổi và sau đó vài năm kết hôn với một người nông dân trong vùng. Triệu chứng lạ mà cô mắc phải được cho là cơn ngủ kịch phát (Narcolepsy). Tuy nhiên, chuyên gia thời đó vẫn không thể tìm ra lời giải xác đáng cho hiện tượng kỳ bí này.

Cô gái cứ 7 tháng/lần ngủ suốt trong 2 tháng

Sinh viên người Anh Lily Clarke 21 tuổi gây xôn xao dư luận khi ngủ suốt hai tháng liền không thức giấc. Chu kỳ này của cô thưởng xảy ra 7 tháng/lần. Do đó, cô đã bỏ lỡ nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời như các kỳ thi, sinh nhật, năm mới, Giáng sinh …

Cô bắt đầu mắc phải hội chứng hiếm gặp này kể từ năm 2007. Khi cùng gia đình ăn cơm ở ngoài, cô bất ngờ ngủ gục ở trên ghế.

“Trước khi nhân viên nhà hàng mang đồ ăn đến, Lily đã ngủ say ở trên ghế. Chúng tôi không tài nào đánh thức được con bé dậy. Vì thế, chúng tôi phải đưa nó từ nhà hàng về”, mẹ của Lily cho hay.

Lili mắc phải hội chứng hiếm gặp Kleine-Levin.

Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Lili mắc phải hội chứng hiếm gặp Kleine-Levin. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị hợp lý để chữa khỏi cho những người mắc bệnh giống cô. Hiện trên thế giới có khoảng 1.000 người mắc phải hội chứng cực hiếm gặp này. Các chuyên gia y tế cho biết, Kleine-Levin chỉ xảy ra ở thanh niên. Vì thế, Lily có thể sẽ hết bệnh sau ít năm nữa. 

Do hội chứng này cực hiếm nên khó có thể chẩn đoán sớm nguy cơ mắc bệnh. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ, hội chứng này thường xảy ra ở những bé trai nhiều hơn bé gái. Cụ thể, 70% người mắc hội chứng này là nam giới. Bên cạnh việc ngủ quá nhiều, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng như: ảo giác, cực đoan thực phẩm, nhu cầu tình dục tăng cao và bị mất phương hướng...

Nhật Anh (Theo Hubpages, The Sun, Wiki)