Theo các nhà khảo cổ, lần khai quật trên con tàu Titanic cổ đại này có thể chứng minh có ít nhất 7 bức tượng đồng đang bị chôn vùi dưới đáy biển ở khu vực này.
Đây là những báu vật'cực kỳ quỳ hiếm, vì tượng đồng thời cổ đại thường bị đem nấu làm gươm giáo cho các cuộc chiến và chỉ có khoảng 50 bức tượng tương đối hoàn chỉnh là có thể 'sống sót'.
|
Thiết bị tìm kiếm kim loại mới của nhóm - Ảnh: Brett Seymour |
Hơn một thế kỷ qua, chiếc tàu đắm này đã đem lại rất nhiều giá trị cho khảo cổ học: từ những phần của các bức tượng đồng, tượng cẩm thạch của những vị thần hay các anh hùng tới những dấu vết của Antikythera Mechanism - tên gọi được các nhà khoa học đặt cho chiếc máy tính có niên đại cổ nhất thế giới.
Trong năm vừa rồi, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện dấu tích của một phần bộ xương người, từ đó có thể đem đi phân tích ADN.
Nhiều cổ vật vô giá
Khi các thợ lặn lần đầu tiên tìm thấy chiếc tàu đắm này vào những năm 1900, họ đã phát hiện 6 cánh tay phải bằng đồng. Tuy nhiên phải mất rất nhiều thời gian và công nghệ mới họ mới tìm thấy cánh tay thứ 7 mới đây.
|
Bredan Foley cùng với cánh tay 2.000 tuổi vừa được tìm thấy - Ảnh: Brett Seymour |
Cánh tay có màu xanh nâu, dài từ vai đến đầu ngón tay, vẫn còn có thể nhìn thấy một vài nét chạm khắc.
"Dù mất 2 ngón tay nhưng đây vẫn là phát hiện tuyệt vời. Đây chắc hẳn là một phần của bức tượng, không phải một bộ phận riêng lẻ. Và bức tượng đang đợi chúng ta tìm thấy", Alexander Sotirious, một trong những thợ lặn của dự án, nói.
Trong những lần lặn gần đây, nhóm cũng phát hiện một chiếc đĩa nhỏ bằng đồng với bốn nút chấu bốn bên, có lỗ bên trên, được dự đoán có vai trò bảo vệ cho một vật gì đó.
Bredan Foley, nhà khảo cổ học ở Đại học Lund, Thụy Điển tin rằng đây rất có thể là phần còn thiếu của Antikythera Mechanism. Họ đã gửi tất cả đến phòng nghiên cứu ở Athens để chụp X quang và tìm thấy bên dưới lớp xanh đen đó là hình một… con bò.
Giờ đây, họ bắt đầu thực hiện nhiều thí nghiệm hơn để xác định xem vật thể này là gì: một bộ phận của Antikythera Mechanism hay chỉ là một bộ phận trang trí của con tàu hay một chiếc bình cổ nào đó.
|
Một mảnh gỗ của con tàu thời cổ đại - Ảnh: Brett Seymour |
Titanic thời cổ đại
"Con tàu mang nhiều báu vật này có thể là một siêu tàu xa xỉ thời bấy giờ được dùng để chở thóc gạo và những tác phẩm nghệ thuật đem đi buôn ở vùng Địa Trung Hải", giáo sư Foley cho biết.
Các nhà nghiên cứu tin nó cũng có thể cho chúng ta hiểu hơn về cuộc sống giới siêu quý tộc thời cổ đại cũng như hoạt động ở giai đoạn bắt đầu có giao lưu hàng hải trên thế giới.
Các nhà khoa học tin rằng con tàu siêu lớn này - được ví như Titanic, đã gặp phải một cơn bão lớn trước khi bị chìm. Trong quá trình bị chìm, có thể nó đã bị lật nhiều lần khiến những đồ vật trong khoang bị văng nhiều nơi. Trải qua 2 thiên niên kỷ, động đất và lở đất đã chôn vùi nhiều trong số đó.
Trong nhiều thập kỷ qua, người ta cho rằng chiếc tàu này là của Đế quốc La Mã xưa, như tài liệu để lại của Jacques Cousteau - nhà hải dương học người Pháp. Tuy nhiên những phát hiện của nhóm kể từ năm 2012 cho rằng nó có nguồn gốc ở bắc Hi Lạp khi tìm thấy tên tiếng Hi Lạp được khắc trên đó.
Ở những lần lặn gần đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những mảnh gỗ vỡ và một vài phần của khung tàu, hứa hẹn sẽ có thể truy ra nguồn gốc của nó.
Họ dự định sẽ chuyển những mẩu gỗ đến các nhà nghiên cứu ở Tel Aviv, Israel để xác định loại cây nào để đã được dùng để đóng tàu. Ngoài ra, những đợt lặn tiếp theo vào năm 2018 chắc chắn sẽ tiết lộ thêm nhiều thông tin thú vị, theo tiến sĩ Foley.
Theo Trọng Nhân/Tuổi Trẻ