Một ngày cuối đông, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại khẩn của một cụ ông sống tại 59 phố Chùa Láng. Giọng khẩn khoản “Cậu nhanh qua tôi chơi, không có tôi tuổi cao sức yếu, ra đi bất thình lình không biết khi nào”. Bỏ hết công việc, tôi tức tốc qua thăm ông.
|
Ngôi mộ chôn tập thể được chôn giữa cánh đồng thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. |
Đó là cụ ông Nguyễn Văn Cống, 76 tuổi nguyên là Thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hiện đang sinh sống tại ngõ 59 phố Chùa Láng, Hà Nội. Tôi tình cờ biết được câu chuyện của ông trong một lần đi dự Đại hội tri ân cựu Thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Lúc đó chỉ lờ mờ rằng ông có người cha từng tham gia chống Pháp, nhưng đến thời điểm này chưa được nhà nước công nhận chỉ vì lý do cuốn lịch sử ghi lại những năm tháng kháng chiến của địa phương bị thất lạc. Nghe ông kể về câu chuyện liên quan trực tiếp đến người cha của mình hoạt động tại Văn Lâm, Hưng Yên những năm kháng chiến chống Pháp, tôi như chìm mình trong tinh thần kháng Pháp hào hùng của vùng quê yên bình và thống khổ trước nỗi đau của những gia đình có người bị nằm xuống.
Từ những năm tháng hào hùng, đến cái chết thảm của 10 du kích quân
Nhấp một ngụm trà, ông ngồi dựa vào tường, nhịp thở khó nhọc và bắt đầu kể:
Hồi đó những năm 1947, 1948 theo lời hiệu triệu của chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đồng lòng đánh giặc. Tại vùng châu thổ Sông Hồng, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng lớn để càn quét, giành giật với ta. Phong trào chống càn đã diễn ra quyết liệt giữa ta và địch để giành giữ dân, giữ đất. Mô hình làng bảo vệ làng, xã bảo vệ xã và cụm làng xã chiến đấu được nhân rộng, góp phần thiết thực phá âm mưu càn quét, bình định của địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta.
Thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cũng theo phong trào chống càn khắp thôn xóm. Cha của ông cùng 9 người nữa là đội viên Đội tự vệ thôn Đại Từ, xã Đại Đồng hồi đó. Cứ vào khoảng 5 giờ chiều hàng ngày, các thành viên trong đội tự vệ lại mang gậy gộc, mã tấu ra bãi Văn Chỉ xóm Đình Đông tập đội hình chiến đấu. Ngày đi làm, lao động nặng nhọc, xẩm tối lại tập hợp nhau lại đi phá đường tàu, hay những bốt địch, nhằm tiêu hao sinh lực địch và bảo vệ dân làng.
Sáng ngày 10 tháng 6 âm lịch năm 1948, một đợt càn lớn xảy ra. Giặc Pháp về bao vây kín làng. Như có sự chỉ điểm sẵn, chúng vào nhà ông Mạc người cùng thôn lục soát và đập phá. Lúc ấy trên bậu của buồng bật ra một quyển tài liệu mật, trong đó ghi danh sách 10 thành viên trong Đội tự vệ của thôn. Ngay lập tức ngôi nhà ông Mạc bị thiêu rụi. Ông Mạc, cha của ông cùng 8 người còn lại bị bắt.
Trong đợt càn quét đó, 60 người đã bị bắt già có trẻ có. Chúng áp giải những người bị bắt về bố Thứa thuộc xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên để giam cầm, tra tấn. Chứng kiến cảnh người thân bị đánh đập hành hạ, bà con trong làng bảo nhau mang gà, gạo nếp xuống để xin chuộc người. Tuy nhiên chúng chỉ thả các cụ già và người không nằm trong cuốn sổ ghi danh sách 10 thành viên trong Đội tự vệ của thôn mà chúng thu thập được tại nhà ông Mạc. Cha ông và 9 người còn lại thuộc danh sách Đội tự vệ nên bị chúng giữ lại. Những ngày tiếp sau đó chúng đánh đập, tra tấn nhằm bắt mọi người khai ra người liên lạc và các tổ chức còn lại tại các thôn làng lân cận khác.
Qua nhiều lần tra tấn mà không khai thác được gì, tức giận, chúng dùng dây thép xuyên vào lòng bàn tay của cha ông và những người khác rồi mang ra ao Chùa Thứa gần nơi giam giữ để bắn thị uy. Cha ông và 9 người nằm xuống, bà con trong làng thuộc xã Dị Sử biết được đây là du kích quân nên đã tìm cách mang xác về mai táng tử tế, họ chôn nguyên trong một huyệt cùng sợi dây thép xuyên tay.
Theo Lao Động Thủ Đô