Đi tìm chân lý
“Những tháng khép lại của cuộc chiến tranh thế giới lần II, trong khi tướng Yamashita Tomoyuki cầm cự với quân Đồng Minh tại vùng núi hiểm trở trên đảo Luzon – Philippines, một vài thành viên cao cấp của hoàng gia Nhật đang bận bịu chỉ huy chôn giấu gần đó hàng trăm tấn vàng trong các đường hầm sâu hơn 67m dưới lòng đất… Nửa đêm, họ lẻn ra ngoài và kích nổ những quả mìn khóa chặt lối ra vào, chôn sống tất cả kỹ sư, tù binh cùng với số của cải trong đó” – (Trích “Những chiến binh vàng”).
“Kho tàng Yamashita” – gọi theo tên của tướng Yamashita – suốt hơn nửa thế kỷ là sự ám ảnh của rất nhiều thợ săn kho báu trên thế giới. Bản thân Yamashita bị quân đội Mỹ hành hình ngày 23 tháng 2 năm 1946 vì tội ác chiến tranh. Người ta tin rằng kho báu Nhật thời thế chiến 2 chôn giấu tại Philippines lên đến 300.000 tấn, vốn là tài sản của các nước Châu Á, họ định sẽ tìm cách mang chúng về nước sau khi chiến tranh kết thúc.
Dù “Kho tàng Yamashita” luôn nằm sau màn sương mờ và sự phủ nhận của không ít nguồn thông tin, hai nhà sử học người Mỹ Sterling Seagrave và Peggy Seagrave đã tìm ra manh mối.
Lần theo dấu vết của vàng
Có một sự thật là từ trước đến nay không ai biết được có bao nhiêu vàng được cất giữ trên thế giới. Không ai biết người Tây Ban Nha đã lấy bao nhiêu vàng từ Châu Mỹ, vì một khi cập cảng Châu Âu, phần lớn chúng được chuyển cho các gia tộc tài chính lớn của Cựu Lục Địa, như Fuggers hay Welsers, những người tài trợ cho công cuộc chinh phục Mexico và Peru. Hay cũng không ai biết chính xác số của cải mà các gia tộc như Rockefellers, Rothchilds, Krupps, Warburgs hoặc Oppenheimers sở hữu, trừ một điều là họ đã giàu có từ rất lâu.
|
Người Tây Ban Nha đã vơ vét rất nhiều từ Tân thế giới |
Các gia đình hoàng tộc lớn từ Châu Á đến Trung Đông, các mạng lưới giao thương, và cả các tập đoàn thuộc thế giới ngầm đều nắm giữ những bí mật tài chính của họ. Tạp chí Forbes năm 2012 dẫn một nghiên cứu của tổ chức “Vì Bình Đẳng Thuế” (Tax Justice Network) của Anh cho rằng ngày nay số tài sản tầng lớp siêu giàu cất giấu trên thế giới ở trong khoảng 21 – 31 ngàn tỷ đô la. Chúng nằm trong nhiều tài khoản ngân hàng bí mật tại các quốc gia như Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman. Để dễ hình dung, con số nhỏ nhất 21 ngàn tỷ, theo Forbes, tương đương với tổng GDP của hai siêu cường Mỹ và Nhật cộng lại.
Với số tài sản “của hồi môn” chiến tranh, các nhà sử học có bằng chứng cho thấy các nhóm chuyên nghiệp tháp tùng đoàn quân viễn chinh Nhật đã vơ vét một cách có hệ thống các ngân khố, nhà băng, xí nghiệp, bảo tàng nghệ thuật, nhà riêng… những quốc gia mà chúng đi qua. Trong khi đó, các Bố già Nhật “khoắng” hết thế giới ngầm từ Đông đến Đông Nam Á. Hoạt động này đặc biệt được đẩy mạnh về mặt quy mô lẫn tổ chức sau khi người Nhật thấy rõ một thất bại quân sự không thể tránh khỏi trong cuộc Đại chiến. Chính sách này được đích thân Nhật Hoàng Hirohito nêu rõ trong văn bản “Các nguyên tắc hoạt động của chính quyền quân sự tại vùng chiếm đóng phía Nam” tháng 3 năm 1942. Hoshino Naoki, một cố vấn cao cấp của Hirohito từng nói: “Không có giới hạn nào cả. Đây là tài sản của kẻ thù. Chúng ta có thể lấy hoặc làm bất cứ gì chúng ta muốn”.
Có hai con đường để chuyển số của cải này về Nhật: Một là qua bán đảo Triều Tiên, hai là bằng đường biển. Chiến lợi phẩm từ Đông Nam Á chỉ có thể đi bằng tàu vì mãi đến đầu năm 1944 Nhật vẫn chưa kiểm soát được tuyến đường bộ băng qua Trung Quốc nối Đông Nam Á. Manila trở thành điểm tập kết hợp lý để sắp xếp và chọn lọc trước khi theo các con tàu về nước.
Vài tháng sau chiến dịch Trân Châu Cảng, người Nhật vẫn hy vọng rằng dù chiến tranh kết thúc như thế nào họ vẫn sẽ giữ được Philippines và Indonesia. Nhưng niềm tin đó nhanh chóng tan biến sau thất bại quân sự giữa năm 1942.
|
Trân Châu Cảng dưới bom đạn của Nhật năm 1941 |
Đến đầu năm 1943, hạm đội tàu ngầm Mỹ đã chặn hoàn toàn con đường trên biển, vì thế các con tàu Nhật không thể vượt qua được Philippines. Tìm một nơi để cất giấu tài sản trở thành nhiệm vụ cấp bách. Lời đồn về các kho tàng của quân Nhật rải rác trên khắp Đông Nam Á có lẽ ra đời từ đây, kho báu núi Tàu ở Việt Nam hay kho báu Yamashita là hai trong số đó.
Nhưng trước hết cần quay ngược dòng lịch sử để hiểu thêm về nguồn gốc những tài sản xuất hiện đột ngột sau chiến tranh.
Vàng máu
Đằng sau các chiến dịch quân sự rầm rộ của phát xít Nhật luôn ẩn chứa những mưu đồ khác, ban đầu thầm lặng nhưng sau đó trở nên không thể kiểm soát. Vụ cưỡng bức tập thể ở Nam Kinh năm 1937 là một ví dụ: khoảng 300.000 dân thường bị giết bởi các lực lượng của Nhật, từ 20.000 đến 80.000 phụ nữ đủ mọi lứa tuổi bị cưỡng hiếp tập thể trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao nước ngoài, một số người thậm chí còn kịp ghi hình lại.
Nếu sự kiện Nam Kinh chỉ diễn ra một lần thì đó là một chuyện, nhưng rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong suốt cuộc chinh phạt chớp nhoáng của Nhật diễn ra ở Đông và Đông Nam Á. Vậy tại sao sau khi đã chiếm được vùng lãnh thổ quân Nhật lại hành hạ thường dân hay những người có tiền bạc, tài sản? Câu trả lời nằm đằng sau cái bóng của quân đội. Rất ít sử sách nghiên cứu về vai trò của thế giới ngầm hay còn gọi là xã hội đen, các học giả ít khi tiếp cận với nó. Trong trường hợp của Nhật phải tính đến vai trò của thế lực đặc biệt này vì nó thâm nhập sâu và có ảnh hưởng đến cấu trúc quyền lực.
|
Một binh sĩ Nhật trong trận thảm sát Nam Kinh 1937 |
Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu đầu tiên quân Nhật cướp phá trên diện rộng sau sự kiện hoàng hậu Min bị ám sát tại Seoul tháng 10 năm 1895. Hai hội kín Hắc Hải và Hắc Long đã tham gia vụ mưu sát này, chúng hoạt động như những tổ chức bán quân sự, chuyên thực hiện những công việc bẩn thỉu mà chính quyền phát xít có thể dễ dàng chối bỏ sự liên quan.
Từ các tác phẩm nghệ thuật vô giá cho đến những thứ bình thường nhất như lương thực, bán đảo Triều Tiên không được chừa lại thứ gì. Sau khi vơ vét các tư dinh, khoảng 2000 lăng mộ bị khai quật, toàn bộ những món đồ sứ cổ, sách quý, tượng phật, vòng vàng, nữ trang… bị tịch biên và chuyển về Nhật, hầu hết chúng rơi vào những bộ sưu tập cá nhân và không bao giờ được công chúng nhìn thấy. Buồn hơn hết, hàng trăm ngàn phụ nữ Triều Tiên và sau này là các nước khác như Trung Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục.
Sau Triều Tiên đến vùng Mãn Châu và Trung Quốc đại lục là đích đến của những trận càn quét và cướp bóc. Đến năm 1936, Mãn Châu tràn ngập bởi thuốc phiện và bị lũng đoạn bởi các băng đảng và đạo quân Quan Đông khét tiếng. Dù Nhật thất bại về chiến lược phát triển vùng đất này thành căn cứ địa kinh tế, tiền bạc vẫn chảy đều vào túi tầng lớp chỉ huy.
Sau vụ thảm sát Nam Kinh 1937, giới lãnh đạo chóp bu Nhật bắt đầu lo lắng về việc mất kiểm soát khía cạnh tài chính của các chiến dịch chinh phạt, giữa bối cảnh các sĩ quan chỉ huy, quân lính tranh nhau món của hồi môn chiến tranh. Vàng, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật… làm sao kềm chế được họ? Đó là chưa kể đến các băng đảng Yakuza tràn ngập trên các vùng bị chiếm đóng, tạo nên giang sơn khủng bố riêng của chúng.
|
Hoàng thân Yasuhito Chichibu |
Chính vào lúc này, tổ chức mật “Loa kèn vàng” (kin no yuri) ra đời theo lệnh của Nhật Hoàng Hirohito; “Loa kèn vàng” là tên một bài thơ của ông. Tổ chức này nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Thân Yasuhito Chichibu và những nhân vật thân thích thuộc hoàng gia. Nhiệm vụ của “Loa kèn vàng” là vơ vét và xử lí các tài sản cướp được trên khắp Châu Á; thành viên của nó bao gồm những bộ óc tài chính, các chuyên gia thẩm định đủ mọi lĩnh vực từ văn hóa đến tôn giáo xuất sắc nhất của Nhật, theo sau họ là một bộ máy hùng hậu kế toán viên, kiểm kê, vận chuyển, một số đơn vị quân đội, hải quân…
Những năm về sau, chính tổ chức này sẽ lo hậu sự cho kho báu Yamashita khi Đại chiến thế giới sắp khép lại.
(Còn tiếp)
Theo Minh Trung/ Một Thế Giới