Kỳ 2: Nhân chứng vụ phỉ rán mỡ người
Tôi hỏi về lai lịch 2 người bị giết, bị rán mỡ đựng trong lọ thủy tinh, ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng Hà Giang cho rằng, bản thân ông cũng điều tra và được biết đó là 2 người dân tộc Tày.
Tuy nhiên, bảo tàng không đưa thông tin này vào, bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nếu đưa tên cụ thể giới thiệu, thì phải làm các xét nghiệm ADN để chứng minh. Trong khi đó, việc này là rất khó, vì họ chết khi chưa có con cháu. Thứ nữa, nếu làm ra nhẽ, thì việc trưng bày lọ mỡ lại gây đau xót cho những người thân của 2 cán bộ này.
Để làm rõ thực hư về lọ mỡ người, về bọn phỉ, về nạn nhân của vụ bạo loạn kinh hoàng ở cao nguyên đá, tôi đã ngược phía Bắc, tìm đến Lũng Phìn (Đồng Văn).
Đứng trên con đường Hạnh Phúc nhìn xuống, thung lũng Lũng Phìn đẹp mê mải. Những ngôi nhà trình đất 2 tầng, mái ngói âm dương, tường rào xếp đá tuổi đời cả trăm năm vẫn vững chãi, u tịch trong chiều tà.
|
Một góc Lũng Phìn.
|
Tôi phải gặp gỡ nhiều cán bộ xã đương chức, truy tìm mãi, mới biết một người làm cán bộ xã giai đoạn phỉ nổi loạn ở Đồng Văn hiện vẫn còn sống.
Vòng vèo qua những nương ngô, những con ngõ xếp đá, rồi tôi cũng tìm thấy nhà cụ Giàng Pà Sính, 87 tuổi, ở bản Cán Pảy Hở B.
Cụ sống trong ngôi nhà khá lớn, vốn là nhà trình đất 2 tầng từ thời xa xưa. Tuy gỗ còn nguyên, nhưng tường đất đã được thay thế bằng tường gạch ba banh hiện đại.
Cụ Sính đã già, tai nghễnh ngãng, nhưng tinh thần còn sáng suốt, trí nhớ minh mẫn. Cụ là thế hệ cổ, nhưng là cán bộ, nên nói tiếng phổ thông rất sõi.
|
Cụ Giàng Pà Sính.
|
Hỏi chuyện lọ mỡ trưng bày ở Bảo tàng Hà Giang, cụ khẳng định rằng: “Có chuyện Phỉ giết 2 cán bộ thương nghiệp, và có chuyện chúng nó rán mỡ hai cán bộ và đựng mỡ vào trong ống bương”.
Như vậy, điều cụ Sính khẳng định đã khớp với báo cáo trưng bày cổ vật lưu động vào năm 1963 của Bảo tàng dân tộc học Việt Bắc. Tôi tin rằng, tìm cụ là đúng địa chỉ.
Cụ Giàng Pà Sính làm phó chủ tịch xã, rồi lên chức chủ tịch xã Lũng Phìn. Cụ nghỉ việc vào năm 1962, khi mới làm cán bộ được 9 năm, nên không có lương hưu, trợ cấp gì cả. Giờ cụ sống nhờ vào con cháu.
Cụ Sính kể: “Bọn phỉ giết 2 cán bộ là năm 1959, khi đó tôi mới ngoài 30 tuổi, vẫn đang là Phó Chủ tịch xã Lũng Phìn…”.
Theo đó, năm 1959, Vàng Chúng Dình ở Trung Quốc chỉ huy bọn phỉ tay sai trong nước nổi loạn ở nhiều vùng nơi cao nguyên đá.
|
Lọ mỡ người trưng bày ở Bảo tàng Hà Giang. |
Tên phỉ Giàng Mí Thùng (theo cụ thì không phải Giàng Mí Thưng như tài liệu ở Bảo tàng Hà Giang - PV) là tay chân thân tín của Vàng Chúng Dình, đã lãnh đạo một toán phỉ tấn công vào Lũng Phìn.
Ngày đó, Lũng Phìn khá sầm uất, là trung tâm của một vùng khá rộng lớn. Lũng Phìn có chợ lớn, là cửa ngõ buôn bán từ xuôi lên. Các mặt hàng chủ yếu khi đó là muối, ngô, thuốc phiện. Nhà nước ta đặt một cửa hàng lương thực ở Lũng Phìn, để cung cấp, phân phối lương thực cho bà con.
Cửa hàng lương thực do 2 cán bộ quản lý. Hai cán bộ này vừa cung ứng hàng hóa vừa thu thập thông tin cho cách mạng.
Theo cụ Sinh, hai cán bộ đó là người Thổ, chứ không phải người Tày như Bảo tàng Hà Giang tìm hiểu.
Cụ Sính nhớ lại tỉ mỉ: “Tôi chỉ biết một đồng chí tên là Mạnh, cỡ tuổi như tôi. Còn một đồng chí lớn tuổi hơn, thì tôi không rõ tên là gì, vì cửa hàng lương thực mới mở, tôi chưa tiếp xúc nhiều.
Tôi chỉ biết đây là 2 cán bộ ở Hà Giang, được cử lên hoạt động bí mật, nắm tình hình địa bàn để báo về xuôi”.
|
Khu vực bọn phỉ giết 2 cán bộ lương thực.
|
Nhập nhoạng tối, khoảng 6 giờ, toán phỉ gồm khoảng chục tên, do Giàng Mí Thùng cầm đầu từ trong rừng xông ra trung tâm xã Lũng Phìn. Tên nào tên nấy với súng ống, dao mác trong tay, râu ria xồm xoàm, tướng mạo dữ tợn như quái vật sống lâu năm trong rừng.
Bọn chúng đã sống trong rừng, phục kích nhiều ngày quanh Lũng Phìn, chỉ đợi lệnh của tên Vàng Chúng Dình là cùng nổi dậy chống lại nhà nước ta, cướp chính quyền.
Ngày đó, nhắc đến phỉ ai cũng sợ, không dám chống lại. Bọn chúng đi lại nghênh ngang ngoài đường quát tháo, dọa nạt sẽ giết hết nếu không nghe lời chúng, không theo chúng.
Tên Giàng Mí Thùng chỉ đạo bọn phỉ bắt sống 2 cán bộ lương thực. Chúng bắt 2 cán bộ quỳ giữa phố, không trói gì cả, rồi gọi mọi người ra xem. Chúng lấy 2 cán bộ làm gương để đe dọa mọi người. Rồi chúng đẩy 2 cán bộ vào chuồng bò của nhà ông Vàng Sính Dùng.
Cụ Giàng Pà Sính kể: “Hôm bọn phỉ giết hai cán bộ, tôi và ông Vàng Sính Dùng chứng kiến tường tận, nhưng ông Dùng chết từ 4 năm trước rồi. Ngôi nhà và chuồng bò ngày xưa cũng bị phá, xây lại hết rồi, không còn dấu tích gì nữa. Địa điểm thì tôi vẫn nhớ rõ, nhưng cảnh giờ đã khác xưa nhiều lắm.
Không phải thằng phỉ Giàng Mí Thùng giết 2 cán bộ đâu, mà nó sai tay chân của nó là thằng Vàng Lũng Dìa và một tên khác làm việc đó. Mỗi tên giết một cán bộ. Nó cũng không giết bằng dao, mà giết bằng súng kíp.
Tôi cùng dân làng đứng quanh chuồng bò xem, thấy hai thằng dí súng kíp vào ngực 2 đồng chí rồi bắn.
Cả 2 đồng chí đều dũng cảm lắm, không thèm xin xỏ, không sợ sệt gì, hiên ngang chửi chúng nó, kêu gọi đồng bào tin Đảng, không theo bọn phỉ giết người, hại dân hại nước.
Đồng bào nhìn hai đồng chí đều thương xót, nhưng không biết làm thế nào cứu, vì bọn chúng đông, hung dữ, lại có nhiều dao, nhiều súng. Bộ đội của ta thì ở xa, chưa lên kịp, nên chúng nó tha hồ giết, tha hồ dọa.
Bắn chết 2 đồng chí rồi, cũng chính tên Dìa và tên nữa dùng dao mổ bụng 2 đồng chí người Thổ. Mổ bụng, moi gan xong, thì nó đuổi mọi người về, không cho xem nữa.
Từ đó, tôi không biết gì thêm ngoài việc đồn rằng bọn nó ăn thịt hai đồng chí người Thổ, rồi đem rán mỡ, đổ vào ống bương, treo ở trên cây, ngay chỗ cửa hàng lương thực, để dọa nhân dân”.
Còn tiếp...
Theo VTC