Người Sài Gòn thường ví Dinh Độc Lập là “Phủ Đầu Rồng” từ câu chuyện khi Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã đi coi thầy, thầy phán rằng đấy là đất “long mạch”, đầu rồng ở ngay Dinh Độc Lập, còn đuôi rồng ở hồ Con Rùa…
Phủ Đầu Rồng là nơi uy nghiêm, chốn ra vào của những người đàn ông quyền lực nhất thời ấy, từ tổng thống đến các tướng lĩnh. Thế nhưng, Phủ Đầu Rồng cũng từng bị nghiêng ngả vì những bóng sắc giai nhân. Trước khi trở thành “quốc trưởng”, rồi “Tổng thống VNCH”, Nguyễn Văn Thiệu từng có thời gian đóng quân tại bến sông Cầu (tỉnh Phú Yên) với quân hàm thiếu tá. Tại đây, ông đã dan díu với một cô gái lai xinh đẹp...
Sau khi trở thành Tổng thống VNCH, ông đã trở lại bến sông tìm người tình cũ. Nhưng thật trớ trêu, người con gái ngày nào giờ đã là vợ bé của thuộc hạ của vị tổng thống đa tình…
|
Bà Nguyễn Thị Mai Anh (phu nhân Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu) đứng ngoài cùng, bên trái.
|
Chuyện tình bên bến sông
Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1924 tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận trong một gia đình vừa làm rẫy vừa đánh cá. Năm lên 9 tuổi, ông theo học trường nghề ở Phan Rang, sau đó học trường quân sự tại Huế, rồi trường Võ bị ở Đà Lạt. Năm 1949, học xong khóa Võ bị Đà Lạt, Nguyễn Văn Thiệu tham gia quân đội Liên hiệp Pháp, rồi đi học sĩ quan Bộ binh tại Pháp. Năm 1951, Nguyễn Văn Thiệu cưới bà Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình nghề y nổi tiếng ở Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Tham gia cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu sau đó được đề cử làm lãnh đạo Ủy ban quốc gia (Quốc trưởng) của nền Đệ nhị Cộng hòa. Sau đó, ông trở thành Tổng thống VNCH.
Đầu năm 1954, khi đang là thiếu tá, Nguyễn Văn Thiệu là tiểu đoàn trưởng đóng quân tại huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngay bến sông Cầu, có một góa phụ (chồng Pháp đã mất) sống cùng cô con gái lai Pháp tên Oanh rất đẹp.
Trong một lần tình cờ gặp mặt tại bến sông, thiếu tá Thiệu đã đem lòng yêu thương người con gái lai tên Oanh. Xa vợ, xa nhà, lại là chỉ huy một đội quân chiến trận, viên thiếu tá trẻ không khó để chinh phục cô gái lai tuổi vừa 17. Khi cuộc tình đã mặn nồng, cũng là lúc viên thiếu tá phải chia tay người yêu, chuyển quân đi nơi khác. Nàng Oanh ngày nào cũng ra bến sông Cầu chờ đợi bóng dáng anh thiếu tá người Phan Rang, nói tiếng Pháp, tiếng Anh như gió, rất có duyên và đẹp trai. Nàng Oanh đâu biết, tay thiếu tá hào hoa kia đang say sưa với công danh, sự nghiệp, với gia đình và bao bóng sắc giai nhân mới, đâu còn thời gian để nhớ về mối tình bên bến sông vắng.
|
Gia đình “Tổng thống VNCH”, Nguyễn Văn Thiệu. |
Bẽ bàng ngày trở lại sông Cầu
Rời khỏi sông Cầu, Thiệu gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa của chế độ Ngô Đình Diệm, được thăng quân hàm và trở thành chỉ huy Trường Võ bị Đà Lạt. Năm 1962, Nguyễn Văn Thiệu được thăng đại tá và được điều về làm sư đoàn trưởng sư đoàn 5 Bộ binh. Năm 1963, ông về Sài Gòn tham gia cuộc chính biến lật đổ gia đình Ngô Đình Diệm và được phong hàm tướng, chính thức gia nhập chính trường, bước chân vào bộ máy quyền lực cao nhất miền Nam.
Hình bóng cô nhân tình lai Tây ở bến Sông Cầu đã mờ dần, chỉ còn trong ký ức. Tỉnh trưởng Phú Yên thời kỳ 1965 -1967 là trung tá Trần Văn Hai (Hai Trề), quê ở Cần Thơ, nổi tiếng là một sĩ quan nghiêm túc, ngay thẳng. Nhưng vì dám “giỡn mặt” với tướng vùng 2 Vĩnh Lộc (trong 1 chuyện tình ái nào đó của Vĩnh Lộc), nên trung tá Trần Văn Hai bị thay ghế, chuyển đi chỗ khác, người thay thế là Trần Văn Bá. Bá là con của bác sĩ Trần Văn Chẩn - thời Pháp là giám đốc Bệnh viện Mỹ Tho, là người quen bên phía gia đình bà Mai Anh - vợ Nguyễn Văn Thiệu. Lúc Nguyễn Văn Thiệu là thiếu tá tiểu đoàn trưởng đóng quân ở Sông Cầu - Phú Yên, cặp bồ với nàng Oanh, thì Bá là tiểu đội trưởng, cấp dưới rất xa của Thiệu. Nhưng vì Bá là đồng hương của phu nhân Mai Anh, Bá cũng lại biết chuyện tình của Thiệu với cô gái lai bên bến sông Cầu, nên rất được Thiệu cất nhắc, ưu ái.
Nhân lúc tướng Vĩnh Lộc căm tức tỉnh trưởng Trần Văn Hai, Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu gợi ý Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh chuẩn y hàm cấp trung tá và bổ nhiệm Trần Văn Bá làm tỉnh trưởng biệt khu Phú Yên.
Năm 1971, sau khi đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử mà dư luận cho là có gian lận, chuyến du hành đầu tiên mang tính công vụ của Nguyễn Văn Thiệu là đến Phú Yên. Tỉnh trưởng Phú Yên Trần Văn Bá, vừa là chỗ thân tình vừa chịu ơn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã cho quân lính giong trống, treo cờ đón tổng thống từ sân bay về đến dinh tỉnh trưởng rất trang trọng.
Tại bữa tiệc chiêu đãi Tổng thống chiều hôm đó, trong lúc đã có chút hơi men, Nguyễn Văn Thiệu cụng ly Trần Văn Bá, rồi như vô tình hỏi: "Bá à, cái bà gì hồi xưa lấy Tây ở Sông Cầu, có cô con gái lai, bây giờ có còn ở chỗ cũ không?" Tỉnh trưởng Trần Văn Bá nghe xong như muốn rụng rời tay chân và mặt tái xanh không còn hột máu, ấp úng trả lời không thành câu. Những quan khách có mặt trong bữa tiệc không ai hiểu chuyện gì, chỉ có một mình Trần Văn Bá là hiểu Tổng thống Thiệu muốn hỏi cô Oanh lai Tây ở bến sông Cầu.
Sở dĩ tỉnh trưởng Trần Văn Bá ấp úng trả lời không thành câu vì có một sự thật bẽ bàng, mà nếu ông Thiệu biết, số phận của Bá coi như tiêu… Số là, sau ngày thiếu tá Thiệu bỏ nàng Oanh ra đi biền biệt, nàng chờ đợi mãi đến không còn chút hy vọng gì nên lấy một lính địa phương tên Hoanh làm chồng. Chồng cô Oanh tử trận, nàng trở thành góa phụ. Khi về Phú Yên làm tỉnh trưởng, Trần Văn Bá đã cho lính đến Sông Cầu rước nàng Oanh về dinh tỉnh trưởng làm nhân viên trực điện thoại, như là cách trả ơn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Lửa gần rơm, cô Oanh lại quá xinh đẹp, đầy đặn sức sống của một phụ nữ xuân thì nên Bá “cầm lòng không đậu”. Hơn nữa, Bá nghĩ rằng, Tổng thống không thể nhớ chuyện tình cũ, mà giả sử có nhớ cũng không dám tòm tem gì cả vì sợ ảnh hưởng đến danh dự và uy tín. Lửa tình của thiếu phụ tuổi 35 hừng hực hòa điệu với bản tánh háo sắc của viên trung tá tỉnh trưởng, chẳng bao lâu nàng Oanh lai Tây ở bến sông Cầu trở thành “vợ bé” của viên tỉnh trưởng và hạ sinh một đứa con. Bá lo sợ vụ việc vỡ lở đến tai Tổng thống và bà vợ hung dữ của mình nên tìm đủ mọi cách để “trám miệng” cô vợ bé xinh đẹp.
Nhưng người phụ nữ lai Tây từng bị nhân tình ruồng bỏ, bây giờ đã có kinh nghiệm trên tình trường, không để dại dột thêm một lần nữa. Tỉnh trưởng Trần Văn Bá càng muốn im lặng, cô nàng càng tìm đủ mọi cách khoe khoang, huyên thuyên rùm beng về chuyện làm vợ bé Tỉnh trưởng đã có con riêng như một chiến tích lẫy lừng, đầy tự hào để đe dọa và tống tiền Trần Văn Bá - một kẻ vừa tham sắc lẫn tham danh. Tỉnh trưởng Bá sợ cuống cuồng, lo đáp ứng mọi nhu cầu của vợ bé đưa ra. Làm giấy khai sinh mang họ của Bá, mua một căn nhà to đùng cho hai mẹ con ở với đầy đủ tiện nghi sang trọng. Trở lại với câu chuyện bất ngờ trong buổi tiệc chiêu đãi tổng thống. Thật ra, trước khi đến Phú Yên, Tổng thống Thiệu đã dò hỏi và biết được chuyện đàn em Trần Văn Bá dám “chơi hỗn” - rinh đĩa “mứt gừng” của mình. Nhìn khuôn mặt méo mó đến tội nghiệp, thảm hại của tỉnh trưởng “đàn em” Trần Văn Bá, Tổng thống Thiệu càng tin tưởng những điều mình nghe nói trước đó là đúng sự thật.
Bị hỏi chạm nọc, Bá tìm đủ mọi cách xuề xòa cho qua chuyện. Trần Văn Bá nuốt hận cay đắng vào lòng và nguyền rủa số phận không may của mình rằng: Tại sao ông ấy là Tổng thống… Câu chuyện cô vợ bé của tỉnh trưởng Trần Văn Bá kết thúc ngay sau đó với kết cục khá thảm. Nguyễn Văn Thiệu đã khá nặng tay với đàn em trong vụ tình ái bên bến sông Cầu: Trần Văn Bá bị cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, thân bại danh liệt, công danh sự nghiệp, kể cả con đường binh nghiệp cũng tiêu vong. Khi quyền lực bị Thiệu tước hết, bạc tiền cũng vơi đáy, nàng Oanh tìm cách tránh né và hờ hững với Bá như một quy luật nhân quả xưa nay trong cõi nhân gian. Sau này, nàng Oanh đã lấy một ông dân biểu tên N.H.T cũng ở Phú Yên. Khoảng năm 1990, bà xuất cảnh sang Mỹ theo diện H.O.
Theo Nam Yên, Song Kỳ/Lao Động