HỎI: Cách đây mấy tuần, gia đình con có người thân qua đời. Từ ngày biết đến Phật pháp, con có cố gắng khuyến hóa gia đình nên tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho người sắp lâm chung và kể cả khi mất đi để được siêu sinh về cảnh giới lành. Tuy nhiên, chẳng ai trong gia đình nghe con nói vì bảo rằng chưa bao giờ nghe, chỉ nên làm theo truyền thống ông bà dù cũng có cúng thất tuần. Lúc người thân vừa mất, như các tang gia khác, mọi người khóc kể thê thảm, cố ôm lấy người thân rồi than trách. Riêng con im lặng niệm Phật, không khóc than thì mọi người nhìn con cho là con bất hiếu, con không nói gì cả.
Thất đầu tiên gia đình cúng chay nhưng từ sau đó là cúng mặn, bảo để chiêu đãi những người đến thăm và vì bảo rằng ngày còn sống người ấy chỉ thích ăn mặn. Con biết điều này sẽ làm cho người chết bị tội thêm nhưng chẳng ai nghe con nói, bảo con nít biết gì và cần thì mang ít tiền lên chùa hóa vàng cúng là xong. Con thật sự bế tắc.
Xin Sư cho con biết những điều con làm là đúng không? Có nên khóc than khi người thân vừa qua đời? Vậy khi người sắp lâm chung thì nên làm như thế nào và trình tự tang lễ như thế nào là đúng theo nghi thức Phật Giáo để có lợi cho cả người sống và người đã khuất?
|
Ảnh minh họa. |
ĐÁP:
Lễ tang của người đời
Năm 1967, trên đường đi học ở Sài Gòn, không nhớ rõ tên đường, Sư đang dùng cơm chay ở quán Bồ Đề Duyên, có lễ tang của người Hoa đi ngang, nghe có tiếng khóc “thật đau đớn xé lòng”, tiếc thương cho người chết, thân nhân khóc, người đi trong đoàn đưa tang cũng khóc hu hu! Các Bạn có biết tiếng khóc “thật đau đớn xé lòng”, nước mủi nước vảy tùm lum là ai không? Chính là người “khóc mướn” đó các bạn. Khi biết được, Sư và các bạn học mắc cười vô cùng…
Năm 1987, Sư có đi dự lễ tang một vị cư sĩ trong tông phong viên tịch tại xã Trung Mỹ Tây, huyện Hốc Môn. Trong lễ tang này mọi người đều cười chứ không khóc? Theo truyền thống khi đem “quan tài” đi an táng các anh em nhà đồ phải chuẩn bị sức khỏe thật kỹ, còn phải có kỹ năng vừa vác “quan tài” vừa chạy “băng đồng” đến nơi chôn cất, mà không bị đổ. Người “anh cả” ngồi cạnh “quan tài” phải thật vững, nếu không sẽ bị té mất mạng… Lúc bấy giờ Sư vừa “dẫn vong”, vừa chạy theo đoàn lễ tang thở hỗn hển, vừa niệm Phật, thật “mắc cười” vô cùng, mọi người đều “cười” với lễ tang có một không hai tại xứ Trung Mỹ Tây!
Lễ tang ở các quốc gia theo Nam tông Phật giáo
Ở các quốc gia thuộc “quốc giáo Phật giáo”, tức Phật giáo Nam tông, điển hình ở Lào, khi gia đình có người thân qua đời, xác chết được đem ra đặt giữa đồng ruộng xa nhà dân, chất củi thật nhiều trên xác chết, sau đó mọi người tụ tập đến nhà chia vui, rước Sư đến cầu nguyện, đãi tiệc mừng linh đình, đàn ca xướng hát cho đến ngày giờ thiêu lấy cốt tro gửi vào chùa phụng thờ.
Như vậy, cũng có những lễ tang mà người dự lại hoan hỷ an lạc chứ đâu phải ai cũng khóc? Vả lại, theo Phật giáo thì khuyên không nên khóc cho người mới chết, sau 8 tiếng đồng hồ mới “khóc” vì khóc tức làm ảnh hưởng đến sự luyến ái của người chết, không được chánh niệm vãng sinh.
Chúng ta khóc là khóc cho cảnh hòa hợp ly tan, khóc cho cảnh sinh lão bệnh tử mà chúng sinh mắc phải, không bao giờ thoát khỏi nạn tai, khóc là tiếc cho người khi sinh tiền không biết làm việc thiện, không biết tu hành nên sẽ bị luân hồi quả báo… chứ không phải khóc là báo hiếu đâu bạn ạ!
Gia đình phật tử khi có hậu sự
Làm phật tử thuần túy, biết phát tâm ăn chay, khuyên người làm lành lánh dữ, cần có sự chuẩn bị báo ân cha mẹ khi còn tại tiền, hướng dẫn cha mẹ từ chỗ chưa biết đến biết quy y Tam bảo, từ chỗ chưa biết ăn chay phát tâm ăn chay niệm Phật tu hành tiến bộ, không muốn cho cha mẹ bị luân hồi quả báo trong kiếp trầm luân… đó mới là báo hiếu thật sự thật lòng với mẹ cha.
Khi bạn biết gia đình sắp có người thân “qua đời”, bạn làm việc xin quy y xin pháp danh cho người thân (nếu chưa quy y), rước quý Sư đến khuyến tấn người thân niệm Phật, phóng sinh giải nghiệp oan, khai kinh Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng tụng cho người thân nghe mà giác ngộ, trực tiếp tụng quý hơn tụng bằng máy, không nhất thiết phải có chuông mõ.
Trong phòng của người thân nên dọn dẹp đồ đạc cho thật trống trải, gần như không còn vật dụng gì cả, đừng để vướng mắt người sắp trút hơi thở cuối cùng, không nên để có tiếng động nhiều và lớn, dọn dẹp sạch trơn, không để người bệnh nằm cấn ở bất kì góc giường nào, vật dụng thuốc men, thức ăn, thức uống khi phục vụ xong, dọn dẹp thật sạch, cho đến khi người thân “qua đời”. Đặc biệt không bối rối, không khóc lóc, không đi mạnh, chạy tới chạy lui, phải vững chãi tỉnh táo.
Việc tổ chức tang chay lớn hay nhỏ tùy môi trường kinh tế gia đình, không phải tổ chức lễ tang linh đình, thiết đãi rượu thịt ê hề mới là báo hiếu! Làm như vậy thậm chí còn khiến cho người chết mang thêm nghiệp chướng nặng nề như người gánh đá leo dốc bên kia thế giới!
Hòa thượng Thích Giác Quang
Theo Phatgiao.org.vn