“Cửa địa ngục” chết chóc trên núi Côn Luân

Google News

Không chỉ thời cổ, dãy Côn Luân (TQ) mới gắn với nhiều huyền thoại về thần tiên ma quỷ. Thời hiện đại cũng có những tai họa kỳ bí ở núi này.

Dãy núi huyền thoại
Dãy Côn Luân (còn gọi là Côn Lôn) cực kỳ nổi tiếng trong thần thoại Trung Quốc bởi nó là ngọn núi thiêng, nơi sinh ra thủy tổ của họ. Trên dãy núi này có một cục đá lớn, trải qua nhiều vạn năm hấp thụ khí âm dương, hút được linh khí của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày hoài thai, khối đá thiêng ấy nứt ra sau một tiếng nổ vang động, từ đó nhảy ra người đầu tiên của thế giới, đó là Bàn Cổ.
Bàn Cổ hớp gió ăn sương cùng trái cây xung quanh mà lớn lên mình cao trăm thước, lông mọc đầy mình, đầu như đầu rồng, sức mạnh vô biên. Một ngày kia, Bàn Cổ bắt gặp một cái búa và một cái dùi nặng nghìn cân, bèn cầm lấy để mở mang cõi trần. Lúc đó trời đất còn là một khối hỗn mang mờ mịt, Bàn Cổ ước cho trời đất phân biệt để cho vạn vật có thể hóa sinh, tức thì sấm nổ vang, trời đất trở nên phân minh, vạn vật ra đời. Bàn Cổ tự xưng là con Trời, cai trị muôn dân, sống đến 18.000 năm.
Nữ Oa và Phục Hy, hai vị thần thời tổi cổ của đất nước này cũng hiện ra ở núi Côn Luân. Họ là hai anh em, sau kết thành vợ chồng, Phục Hy đồng thời cũng là một trong 3 vị được coi là Tam Hoàng (trong Tam Hoàng, Ngũ Đế), cùng với Thần Nông và Hoàng Đế.
 
Ngoài yếu tố cổ xưa, chính sự hùng vĩ của dãy Côn Luân khiến nó càng nhuốm màu huyền bí. Nó là một trong những dãy núi dài nhất châu Á, trải dài 3.000 km, cao bình quân 6.000 m, chạy dọc theo cao nguyên Tây Tạng. Dãy Côn Luân được coi là thiên đường đối với những người theo Đạo giáo, là nơi ở của Tây Vương Mẫu, người chủ tọa tiệc bàn đào trong cung của Ngọc hoàng Thượng đế. Suốt mấy nghìn năm cho đến tận thời hiện đại, có rất nhiều truyền thuyết, rất nhiều chuyện truyền kỳ, và cả tiểu thuyết về những chuyện thần tiên, ma quái trên dãy núi này.
Và ngay ở thời bây giờ, những câu chuyện kỳ bí về dãy Côn Luân vẫn được truyền đi, trong đó có chuyện về “cửa địa ngục” đầy chết chóc trên đỉnh A Nhĩ Kim. Người ta tin rằng, cái hang rộng trên đỉnh núi là nơi “chỉ có đi không có về”, nơi vô số sinh mệnh đã bị chôn vùi một cách đầy bí ẩn.
Những cái chết trong “Hang Tử Vong”
“Hang Tử Vong” hay “Cửa địa ngục” là cái tên mà dân xung quanh vẫn gọi về cái hang lớn trên một đỉnh của Côn Luân. Nơi đây chất đầy những bộ hài cốt vô thừa nhận của con người bên cạnh súng săn, những xác chết cả cũ lẫn mới của các loài động vật như gấu và chó sói… Âm khí ở đây cuồn cuộn, gây cảm giác chết chóc, âm u.
Chính vì thế mà dù ở đây cỏ xanh tươi tốt, cảnh vật tuyệt vời, cảnh quan khoáng đạt, là nơi lý tưởng để chăn nuôi, nhưng những người chăn dê, bò, ngựa ở núi Côn Luân thà để lũ súc vật của mình chết đói chứ không dám bén mảng đến thảm cỏ êm mượt xanh rì ở cái hang đó.
Nhưng chính những câu chuyện được con người thế kỷ 20 chứng kiến và kể lại mới khiến người ta nổi da gà, dựng tóc gáy.
Vào khoảng năm 1983, một bầy ngựa ở nông trường chăn nuôi A La Nhĩ (tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) không hiểu nghe theo tiếng gọi nào mà lũ lượt đua nhau chạy vào Hang Tử Vong. Không thể nào ngăn cản được, người chăn ngựa đành chạy vào hang theo chúng với hy vọng đưa chúng trở lại. Và thế là cả người cả ngựa mất hút. Mấy ngày sau, lũ ngựa quay trở lại, nhưng người chăn ngựa thì vẫn bặt vô âm tín. Mọi người đi tìm nhưng không thấy anh.
Mãi nhiều ngày sau, người ta mới tìm thấy anh chăn ngựa, lúc ấy đã là người thiên cổ. Anh nằm ngửa trên một ngọn núi nhỏ, đôi mắt mở to sửng sốt và kinh hoàng, miệng há rộng, chân trần, tay vẫn nắm chắc cây gậy, quần áo tuy rách tả tơi nhưng trên người không một vết thương. Người ta cố gắng phân tích nhưng vẫn không thể hiểu vì sao anh chết, và anh đã chứng kiến điều khủng khiếp nào trước khi lìa đời.
Ít lâu sau, một đội địa chất đang ở trong nhà ở khu vực gần Hang Tử Vong trong thời tiết vô cùng nóng nực thì bỗng một trận bão tuyết kỳ dị ập đến. Sau tiếng sấm, những người này thấy hai mắt tối sầm, người nhũn ra, thần trí mê man, họ nhanh chóng ngất xỉu, không biết gì nữa. Hôm sau khi tỉnh lại, họ bước ra khỏi nhà làm việc thì thấy đất vàng đã thành đất đen, và toàn bộ động vật gần đó cũng bị tê liệt, mê man.
Để tìm hiểu nguồn gốc những hiện tượng kỳ bí ở “cửa địa ngục”, các nhà khoa học đã khảo sát khu vực Hang Tử Vong và nhận thấy, từ trường ở đây rất mạnh và kỳ dị, và phân bố rất rộng. Càng đi sâu vào hang, từ trường càng mạnh. Các nhà khoa học cho rằng, từ tính trong hang và điện tích trên các tầng mây đã dẫn đến việc phóng điện, khiến nơi này sấm sét thường xuyên xuất hiện, giáng xuống những con người, những động vật “lớn vởn” quanh đó.
Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn từ trường chính là nguồn gốc của những hiện tượng ly kỳ rợn tóc gáy ở “cửa địa ngục” núi Côn Luân, nhưng cho đến nay đó vẫn là lời giải thích hợp lý nhất.
Theo Xzone