Giữa tháng 4/1974, chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25 (quân đội Việt Nam Cộng hòa - VNCH) nhận được tin tình báo khẳng định tây bắc Sài Gòn là 1 trong những hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh (Trảng Bàng - Tây Ninh - Củ Chi) do Quân đoàn 3 (Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam) đảm nhiệm. Vì lẽ đó, Bộ Tổng Tham mưu VNCH đã giao cho Lý Tòng Bá chỉ huy Sư đoàn 25 xây dựng tuyến phòng thủ ngoại vi để “quyết tử” với Quân đoàn 3 QĐND Việt Nam.
Ngày 28/4/1975, giữa lúc các đơn vị của Sư đoàn 316 (Quân đoàn 3 QĐND Việt Nam) áp sát chuẩn bị tấn công tuyến phòng thủ ngoại vi của Sư đoàn 25 (VNCH) thì bất ngờ nhận được tin báo: Một thiếu tá Tiểu đoàn trưởng tên Lê Quang Ninh dẫn 500 binh lính thuộc Sư đoàn 25 VNCH mang đầy đủ vũ khí, khí tài đi vào vùng căn cứ “đầu hàng” quân Cách mạng.
Thật ra, đó là một “ván bài ngửa” của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Để hoàn tất “ván bài ngửa”, Ban Binh vận đã xây dựng một điệp viên mang bí số 110, nằm ẩn mình hơn 10 năm trong hàng ngũ địch chờ đợi thời cơ hành động góp phần làm tan rã nhanh chóng tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn.
Chân dung điệp viên nội tuyến mang bí số 110
Qua sự giới thiệu của nhà văn Diệp Hồng Phương, chúng tôi tìm đến nhà của "viên thiếu tá" Lê Quang Ninh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.
Dáng cao to và khỏe mạnh của ông khiến người đối diện không nghĩ đó là vóc dáng của một ông lão ngoài 70 tuổi.
|
Ông Lê Quang Ninh.
|
Ông sinh năm 1942, tại xã Đạo Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tp Mỹ Tho). Cha ông là một cán bộ tiền khởi nghĩa đã từng bị Pháp bắt 3 lần. Ông là con áp út trong số 8 anh chị em. Tất cả các anh chị của ông đều tham gia hoạt động cách mạng kháng Pháp, chống Mỹ. Sau này, mẹ ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Theo truyền thống gia đình, ông dấn thân hoạt động cách mạng bí mật trong tổ chức sinh viên, học sinh Mỹ Tho từ phong trào Đồng Khởi năm 1959. Ông được kết nạp Đảng năm 1963.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông được ông Mười Hòa - Trưởng ban Binh vận tỉnh yêu cầu phải đăng ký học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức để hoạt động nội tuyến.
Cuối năm 1964, tốt nghiệp khóa sĩ quan ở Thủ Đức, ông được Ban Binh vận yêu cầu tiếp tục chui sâu vào hàng ngũ quân sự địch. Ông trở thành sĩ quan thuộc Sư đoàn 25 VNCH. Thời điểm đó, Sư đoàn 25 vừa dời hậu cứ từ Quảng Ngãi về Hậu Nghĩa (Đức Hòa) để bảo vệ mạn tây bắc thủ phủ Sài Gòn. Kể từ đó, mọi di biến động và ý đồ quân sự của Sư đoàn 25 đều nằm trong lòng bàn tay của Ban Binh vận Mỹ Tho.
Nhận thấy những tin tức quân sự của ông có giá trị lớn, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chuyển giao ông về cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Từ đó, ông mang bí số 110 và chỉ liên lạc duy nhất với Tư Nhẫn, tức Nguyễn Thị Nhẫn - cán bộ giao liên mật của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.
|
Từ trái qua: Ông Ba Cao, đại diện ban Binh vận R; "Thiếu tá" Lê Quang Ninh; Đại diện Huyện ủy Trảng Bàng; Đại diện Tỉnh ủy Tây Ninh (Ảnh chụp ngày Tiểu đoàn 1/50 thực hiện binh biến).
|
Nhớ lại giai đoạn này, "Thiếu tá" Lê Quang Ninh kể: "Tôi và chị Tư gặp nhau rất khó khăn. Chị không thể vào căn cứ Sư đoàn 25, tôi cũng không thể ra ngoài. Tôi đành nhờ một tay cố vấn Mỹ dùng trực thăng bay về Mỹ Tho để đón bà chị họ Tư Nhẫn vào căn cứ".
Phòng tuyến “tử thủ” của Sư đoàn 25 ở mạn Tây Bắc
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 316 thuộc Quân đoàn 3 (QĐND Việt Nam) tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316 bám chặt, giam chân, tiêu diệt Sư đoàn 25 VNCH, Liên đoàn Biệt động quân 23… tạo điều kiện cho các đơn vị bạn mở cánh cửa tử thủ của địch ở mạn tây bắc Sài Gòn.
Thời điểm này, Lê Quang Ninh đã mang hàm thiếu tá, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50 (viết tắt là 1/50) thuộc Sư đoàn 25 (VNCH) đóng quân tại thị xã Tây Ninh.
Một buổi chiều đầu tháng 4/1975, "thiếu tá" Lê Quang Ninh nhận được chỉ thị của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam: "Từ ngày 25 đến 28/4, phải tổ chức tiểu đoàn làm binh biến, về với cách mạng".
Giữa tháng 4/1975, Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25 đã bắt đầu tổ chức tuyến phòng thủ với lời tuyên bố "tử thủ để bảo vệ Sài Gòn". Ông ta điều động các đơn vị trực thuộc từ các nơi rút về khu vực ngoại vi mạn tây bắc Sài Gòn. "Thiếu tá" Lê Quang Ninh nhận được lệnh phải đưa Tiểu đoàn 1/50 về căn cứ Củ Chi phối hợp cùng Thiết đoàn 10 Kị binh (gồm 40 xe tăng và thiết giáp) để tạo lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu các đơn vị khác. Về mặt tổ chức, thiết đoàn là cấp tương đương tiểu đoàn do một thiếu tá chỉ huy. "Thiếu tá" Lê Quang Ninh nắm quyền chỉ huy trưởng, Thiếu tá Tuấn - Thiết đoàn trưởng là chỉ huy phó.
Lực lượng ứng cứu này đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Tòng Bá. Điều này làm "thiếu tá" Lê Quang Ninh bối rối. Nếu nằm trọn trong căn cứ địch, việc tổ chức binh biến sẽ khó khăn. Vì vậy ông đã tính đến phương án sử dụng những tay súng thân tín bất ngờ đánh từ trong lòng địch ra khi quân Giải phóng xuất hiện. Phương án này chắc chắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của ông cũng như những thuộc cấp thân tín đã được ông "định hướng tư tưởng phản chiến" từ lâu.
Ngày 25/4/1975, từ hai hướng Phước Chỉ (Trảng Bàng) và Trung Hưng (Trung Lập Thượng, Củ Chi) Quân đoàn 3 đã tạo thành gọng kìm áp sát tuyến phòng thủ của Sư đoàn 25. Máy bay L.19 do thám bay trên bầu trời Trảng Bàng, Gò Dầu báo cáo đã nhìn thấy "Cộng quân". Lý Tòng Bá hoảng hốt đưa lực lượng ứng cứu cơ động (Tiểu đoàn 1/50 và Thiết đoàn 10) lên án ngữ Lộc Giang với ý đồ làm giảm áp lực của quân ta. Điều này khiến "thiếu tá" Lê Quang Ninh như thoát được một nước cờ khó. Ông biết cơ hội thực hiện cuộc binh biến theo chỉ đạo của Ban Binh vận đang đến.
Lộc Giang thuộc quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa nằm phía tây Quốc lộ 1, giáp ranh với xã An Hòa, quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lúc Tiểu đoàn 1/50 và Thiết đoàn 10 tiến vào Lộc Giang thì bên kia sông Vàm Cỏ Đông, xe tăng quân Giải phóng đang chuẩn bị vượt sông qua Phước Chỉ, Trảng Bàng.
Cuộc binh biến ngoạn mục của Tiểu đoàn 1/50
Nhận được tin phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ, tướng Lê Minh Đảo - chỉ huy tuyến phòng thủ bỏ chạy, quân Giải phóng đang trên đường áp sát mạn đông bắc Sài Gòn, chuẩn tướng Lý Tòng Bá cuống cuồng rút lực lượng ứng cứu cơ động về căn cứ Đồng Dù nhằm “bê tông hóa” điểm tựa hòng bảo vệ sinh mạng mình và bộ tư lệnh sư đoàn.
|
Vợ chồng “Thiếu tá” Lê Quang Ninh.
|
Lúc 5 giờ sáng ngày 28/4/1975, nhận được lệnh rút quân về Đồng Dù, "thiếu tá" Lê Quang Ninh biết đã đến lúc lật lá bài tẩy. Điều cần làm đầu tiên là phải tách Thiết đoàn 10 ra khỏi Tiểu đoàn 1/50. Nếu không khôn khéo, có thể ông sẽ bị lực lượng Thiết đoàn 10 xử "tử hình" tại trận.
Sau khi cân nhắc, ông cùng với viên sĩ quan tham mưu tiểu đoàn đi sang Thiết đoàn 10 bàn với thiếu tá Tuấn kế hoạch chuyển quân: "Từ hôm qua, lộ 22 không còn an toàn nữa. Xe tăng và thiết giáp đi trước sẽ lộ mục tiêu, làm mồi cho pháo của Cộng quân. Chúng tôi đề nghị, Tiểu đoàn 1/50 đi trước mở đường. Cách 2 giờ sau thiết giáp các anh mới được di quân". Nghe thuận tai, viên thiếu tá Thiết đoàn trưởng nhất trí ngay.
"Thiếu tá" Lê Quang Ninh dẫn Tiểu đoàn 1/50 gồm hơn 500 quân dùng xe cơ giới quân vận đi thẳng về ấp Gia Huỳnh (Trảng Bàng) dừng chân tại đình Gia Lộc. Thiếu tá Ninh thấy đây là địa điểm thuận lợi để tổ chức ly khai phản chiến. Ông mời các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn, 4 sĩ quan đại đội trưởng hội ý tại chỗ.
Bằng lời lẽ chân thành, thiếu tá Ninh phân tích tình hình chính trị Sài Gòn: "Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đã bỏ chạy tháo thân ra nước ngoài, Bộ Tổng tham mưu không còn ai. Ta tiếp tục chiến đấu thì chiến đấu cho ai, có ích lợi gì? Tình hình này ta phải tự cứu lấy mình. Tôi yêu cầu các anh em cùng với tôi ly khai quân đội VNCH trở súng về với quân Giải phóng".
Mọi người bất ngờ nhưng chẳng ai có ý kiến gì. "Thiếu tá" Ninh tự giới thiệu mình là người của Mặt trận Giải phóng miền Nam rồi đọc chính sách 7 điểm của Mặt trận. Ông kết thúc bằng câu hỏi: "Anh em có đồng ý phản chiến không?". Tất cả đồng loạt giơ tay, đồng ý.
|
Ông Lê Quang Ninh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
|
Lê Quang Ninh lên danh sách Ủy ban khởi nghĩa phản chiến gồm 6 người.
Đại úy Tiểu đoàn phó Bùi Văn Nam Sơn được ông cử đi bắt liên lạc với Quân Giải phóng. Đại úy Nam Sơn và hai người lính đeo máy truyền tin vô tuyến, không vũ khí, cột võng lên cây tre làm cờ ám hiệu, chạy xe Jeep hướng về phía Quân Giải phóng đang đóng quân. Bùi Văn Nam Sơn được các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 (Quân đoàn 3 QĐND Việt Nam) tiếp đón.
Sau đó, "thiếu tá" Ninh chạy xe Jeep, rời đình Gia Lộc vào An Thành gặp chỉ huy Trung đoàn 98 cho biết mình là cán bộ cách mạng mang bí số 110 có nhiệm vụ thực hiện cuộc binh biến, đưa binh sĩ về với cách mạng.
Lê Quang Ninh đã đưa hơn 500 quân với đầy đủ vũ khí, khí tài vào căn cứ cách mạng thành công.
Qua máy truyền tin vô tuyến, Lê Quang Ninh kêu gọi các đơn vị VNCH buông súng, ly khai với quân đội VNCH. Ông gọi Tiểu khu Tây Ninh, Tiểu khu Hậu Nghĩa, Chi khu Gò Dầu, Chi khu Trảng Bàng; Thiết đoàn 10, Trung đoàn 46, Trung đoàn 49, Trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25 và điện đàm cả với bộ chỉ huy sư đoàn yêu cầu "tự cứu lấy mình", buông súng để đỡ đổ máu.
Hầu hết các đơn vị khác của tuyến phòng thủ tây bắc (VNCH) đang rệu rã tinh thần càng thêm hoảng sợ khi nghe tin lực lượng ứng cứu cơ động đã phản chiến. Các đơn vị tuyến phòng thủ Củ Chi của VNCH tan rã dần. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 50 lui về rừng cao su cạnh chợ Củ Chi rồi tan hàng. Thiết đoàn 10 của thiếu tá Tuấn rời Lộc Giang, chia ra từng tốp nhỏ ba bốn chiếc chạy về Chà Rầy, đâm thẳng về hướng Củ Chi rồi tự giải tán. Tiểu khu Tây Ninh, Chi khu Trảng Bàng, Chi khu Gò Dầu tự tan hàng. Trung đoàn 49 và một số binh sĩ địa phương quân Đức Hòa lùi về tuyến phòng thủ của Biệt khu thủ đô, tan rã trên cánh đồng An Hạ.
Việc phản chiến của "thiếu tá" Lê Quang Ninh đã làm giảm đáng kể máu xương của quân Giải phóng ở tuyến phòng thủ mạn tây bắc Sài Gòn, giúp Quân đoàn 3 thuận lợi áp sát Sài Gòn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khởi nghĩa, phản chiến, "thiếu tá" Ninh cùng Tiểu đoàn 1/50 di chuyển về Rạch Bùng Binh bàn giao cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, vào ngày 7/5/1975, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Tây Ninh tổ chức míttinh trao thưởng "Huân chương Giải phóng hạng 3 cho toàn bộ 500 nghĩa binh của "Tiểu đoàn 1/50, Sư đoàn 25 VNCH".
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lê Quang Ninh được điều về công tác tại Cơ quan phản gián của Công an TP HCM. Tại đây, ông tiếp tục tham gia phá nhiều vụ án gián điệp, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng cho đến năm 1995 nghỉ hưu.
Tháng 4/2011, ông Lê Quang Ninh cùng bà Nguyễn Thị Nhẫn (Tư Nhẫn) - nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Nông Huyền Sơn/An ninh thế giới