Vị hòa thượng này không chỉ là người Trung Quốc đầu tiên xuất gia mà còn là người đầu tiên tìm đường sang Tây Thiên cầu pháp.
Mặc dù không thể tự mình mang kinh trở về, nhưng cũng nhờ chuyến đi ấy mà câu chuyện “Tây du” của Chu Sỹ Hành trở nên đậm chất huyền thoại và đầy những bí ẩn…
Hòa thượng đầu tiên của người Hán
Chu Sỹ Hành sinh năm 203, sống vào thời Tam Quốc, vốn là người Dĩnh Xuyên, nay là Hứa Xương, thuộc Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ, Chu Sỹ Hành đã có chí thoát tục, vì vậy ông quyết định xuất gia, song vẫn chưa thụ giới. Mãi tới năm 250, khi một cao tăng Ấn Độ là Huyền Hà Gia La tới Lạc Dương để giảng kinh Phật, Chu Sỹ Hành mới chính thức trở thành người tu hành.
|
Chu Sỹ Hành.
|
Tại đây, Huyền Hà Gia La đã lập một giới đàn ngay tại chùa Bạch Mã để thụ giới cho những tín đồ tin theo Phật và muốn được xuất gia. Khi đó, Chu Sỹ Hành đã 47 tuổi và đang sống ở Lạc Dương, nghe có đại sư Ấn Độ sang giảng kinh, lại còn lập đàn thọ giới cho chúng đồ thì háo hức tìm tới xem. Chu Sỹ Hành là một trong những người đầu tiên lên giới đàn xin được thọ giới của Huyền Hà Gia La, xuất gia theo Phật.
Theo những gì sử sách ghi chép thì Chu Sỹ Hành chính là người Hán đầu tiên xuất gia làm hòa thượng mặc dù Phật giáo đã được truyền tới Trung Quốc trước đó khá lâu. Tuy nhiên, đây không phải là “kỷ lục” duy nhất mà vị hòa thượng họ Chu đã ghi dấu ấn trong lịch sử Phật giáo ở quốc gia đông đúc này.
Sau khi xuất gia, Chu Sỹ Hành chuyên tâm tu tập, nghiên cứu kinh sách, lấy việc hoằng dương Phật pháp làm chí nguyện. Tuy nhiên, thời bấy giờ, kinh Phật được dịch ra tiếng Hán còn rất ít. Những kinh đã được dịch phần nhiều đều thuộc kinh điển Tiểu thừa do các vị cao tăng như An Thế Cao, Khương Tăng Hội dịch.
Còn kinh điển Đại thừa thuộc hệ Bát Nhã chỉ lưu hành một bộ kinh là “Đạo hành bát nhã” do Trúc Phật Sóc khẩu truyền, Chi Lâu Ca Sấm dịch sang tiếng Hán vào đời Hán Minh Đế niên hiệu Quang Hòa thứ 2, tức năm 179.
Lập chí “Tây du”
Vì kinh này do Đại sư Trúc Phật Sóc khẩu truyền, lại thêm Chi Lâu Ca Sấm là người nước Đại Nhục Chi, đối với ngôn ngữ tập tục của Trung Quốc chưa thông đạt, nên khi dịch ra văn Hán chưa diễn đạt được hết ý nghĩa. Chu Sỹ Hành khi đọc bản kinh “Đạo hành bát nhã” này đã phát hiện nội dung bản dịch chữ Hán có 4 điều chưa đạt. Thứ nhất, kinh “Đạo hành” là loại thứ 4 trong kinh “Đại bát nhã” nhưng nội dung dịch quá giản lược.
|
Tượng Chu Sỹ Hành.
|
Thứ hai, nhóm phiên dịch kinh “Đạo hành bát nhã” từ tiếng Phạn sang tiếng Hán gồm có: Đại sư Trúc Phật Sóc người nước Thiên Trúc khẩu truyền kinh Đạo hành bằng tiếng Phạn, Sa môn Chi Lâu Ca Sấm người nước Đại Nhục Chi khẩu dịch sang tiếng Hán để một người nghe và ghi chép lại bằng chữ Hán, người này là người Trung Quốc. Vì thế ban phiên dịch này chưa đạt được về lý kinh, cả về văn Phạn cả về văn Hán.
Thứ ba là giữa người khẩu dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán và người ghi chép lại không tương ứng, có đoạn ghi chép lại được nhưng có đoạn không, nên nội dung bản dịch chữ Hán không được liền mạch.
Thứ tư, người khẩu dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán không dùng phép tu từ, người nghe và ghi chép lại cũng không dùng phép tu từ, nên bản dịch chưa đạt được về cả văn lẫn chất. Sử chép lại rằng, Chu Sỹ Hành than vãn với các đệ tử rằng: “Kinh này vô cùng quan trọng, thế mà việc dịch lại không được thấu đáo”.
Vào lúc bấy giờ, Chu Sỹ Hành nghe ở Tây Vực có một kinh “Đại hành” nguyên bản bằng tiếng Phạn, ông nghĩ nếu mình lấy được bản gốc bằng tiếng Phạn rồi tổ chức dịch lại thì tương lai của việc truyền bá kinh Phật sẽ vô cùng xán lạn. Vì vậy, vào năm 260, khi tuổi đã ngoài 50, Chu Sỹ Hành vẫn lập chí “Tây du”, quyết cầu cho được kinh Phật mang về. Đó cũng là thời điểm bắt đầu của chuyến viễn du cầu pháp đẫm màu huyền thoại đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
(Còn nữa)
Theo Bằng Hư/Gia đình Việt Nam