Đi tìm sự thật về ma trành và thần hổ (1)

Google News

Thê lương nhất là ma trành, thân xác thì làm miếng mồi lót dạ, hồn phách thì chịu kiếp nô lệ cho con hổ dữ đã cắn cổ mình...

“Hoang đường là tất cả mọi sự mà con người chưa tìm ra cội rễ, căn nguyên vậy” - Tôi xin mượn lời của nhà văn Đái Đức Tuấn (1908 – 1968) viết trong truyện truyền kỳ kinh dị “Ai hát giữa rừng khuya” để mở đầu cho phóng sự này.

Bởi nhà văn Đái Đức Tuấn (còn có bút danh TchyA) là “cha đẻ” của hai nhân vật (tạm coi là “hoang đường”) mà mấy mươi năm nay chỉ nhắc đến thôi cũng khiến không ít người rùng mình kinh khiếp: “Thần hổ” và “ma trành”.

 Nhà văn Đái Đức Tuấn.

Và cũng bởi các truyện như “Thần hổ” (1937), “Ai hát giữa rừng khuya” (1940)… của ông đã khiến nhiều thế hệ độc giả bị ám ảnh mạnh mẽ với sự thê lương, rùng rợn, kỳ bí của vùng đất phía bắc xứ Thanh trước Cách mạng Tháng Tám.

Sau hơn 70 năm, chúng tôi trở lại các vùng đất từng là “hiện trường” câu chuyện và quê hương của nhà văn TchyA như Thạch Thành, Bỉm Sơn, Đồng Giao, đèo Ba Dội, làng Ngọc Giáp…, để lần theo dấu vết Liêu Trai đầy đau thương, khốc liệt nhưng cũng thấm đẫm giá trị nhân văn của ma trành và thần hổ…

 
Bìa hai cuốn truyện của nhà văn Đái Đức Tuấn.

Theo quan niệm của dân sơn tràng, hoặc chí ít là qua ngòi bút của TchyA Đái Đức Tuấn, đó là những con hổ hùng mạnh, vị chúa tể chí tôn của rừng xanh có uy quyền không cần bàn cãi. Chưa cần đến những cú vồ chết chóc, chỉ vẳng nghe tiếng gầm vang động, nhác thấy ánh mắt quắc lên như nhiếp hồn, hay ngửi thấy mùi tanh tao chết chóc, mọi vật trong rừng sâu đều nín câm trong không khí nặng nề, ngột ngạt.

Rừng thiêng nhờ có hổ dữ. Loài hổ này thiên tư linh mẫn, tai nghe thấy hết mọi sự người ta nói, óc cảm thấy hết những gì người ta nghĩ, nên hễ ai dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì nó trừng trị cho khốc hại thì thôi. Nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con lợn để cảnh cáo. Nặng hơn thì nó “ban” cho một cú cắn cổ, kẻ ngỗ ngược sẽ thành một thây ma hồn lìa khỏi xác.

Hổ vốn thù dai. Nhưng chỉ bị một ngọn cây cành cỏ chạm vào vành tai thì nó bỗng quên hết chuyện cũ. Nhưng với những con hổ đã nếm đủ xương thịt của 100 con người, thì vành tai nó có 100 vạch máu đỏ, cỏ cây chạm vào chẳng còn tác dụng gì nữa. Nó đã là thần hổ.

Hổ dữ được người dân thờ như thần linh ở đỉnh đèo Tam Điệp.

Thần hổ có vẻ ngoài màu xám chứ không vằn vện như những chúa sơn lâm bình thường dưới trướng. Nó chỉ phục tùng những con hổ màu đen lão luyện trong việc cắn cổ loài người, và sau cùng là hổ trắng. Hổ trắng được coi là chúa của các thần hổ, tu luyện cả trăm năm, có lúc hiển hiện như một con người trong bối cảnh không thể tin nổi.

Xung quanh thần hổ luôn có hàng trăm oan hồn lẩn quất, phiêu diêu theo hầu hạ. Đó là những con ma trành, nạn nhân của bộ móng vuốt sắc và hàm răng cực khỏe của loài hổ. Mỗi tiếng gừ nhẹ trong cổ họng, đám ma trành vội vã chầu chực bên thần hổ, chịu cho nó hành hạ khủng khiếp và sai khiến làm những việc đau đớn, thương tâm.

Nơi hoang vu rừng thẳm, người dân vía yếu nhìn đâu cũng thấy ma: ma xó, ma lai, ma gà, Xá Xí Khà Ngú Cộ (ma người chết do gấu vồ), Xá Xí Ô Ló Tụ (ma người chết do rắn cắn), Cô Tồ Là (ma người chết vì lá ngón)… Nhưng thê lương nhất trong loài ma có lẽ là ma trành (có nơi gọi là Xá Xí Khà Là Cộ), thân xác thì làm miếng mồi lót dạ, hồn phách thì chịu kiếp nô lệ cho con hổ dữ đã cắn cổ mình.

Ma trành dường như vẫn giữ dáng dấp, thói quen sinh hoạt sinh hoạt, tình cảm như khi còn sống. Biết yêu, biết giận, biết căm thù, biết khổ đau. Mấy anh em nhà đào hát thì đêm đêm đàn hát cho hổ thần nghe, tạo nên tiếng hát liêu trai nơi rừng khuya thanh vắng không phải ai cũng tình cờ nghe được. Hay nó vẫn liên hệ qua thầy mo để giao tiếp với dương gian.

Ma trành mãi chịu kiếp nô lệ không thể siêu thoát nếu chưa dụ dỗ được một người khác đến cho hổ ăn thịt, làm ma trành thế chân nó. Ma trành phải dùng bất cứ thủ đoạn nào để đưa bất cứ ai, kể cả người yêu, người thân hay kẻ vô can đến miệng hổ, bởi phận nó quá tang thương, phải tự cứu mình khỏi cảnh đọa đày.

Một ngôi miếu thờ hổ ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Như hai con ma trành nữ, bị chàng thợ săn bắt giữ khi chúng trêu ngươi anh trong rừng thiêng dưới chân đèo Ba Dội. Được tha mạng, chúng quấn lấy hai anh em người thợ săn, buông tuồng quyến rũ chuyện ái ân chăn gối. Chúng lại nhẫn tâm khiến họ thành những con ma cụt đầu, nhà tan cửa nát vì chút yêu đương phù phiếm không được người dương gian đáp lại.

Lại có một con ma trành vốn là cô gái xinh đẹp ở huyện Thạch Thành, bị vong hồn kẻ thầm yêu không được đền đáp dẫn đường cho hổ cắn chết. Hóa thân thành ma trành, nhưng tình cảm với người thanh niên đang bị thần hổ săn lùng để tuyệt diệt dòng giống, cô đã làm tất cả để giúp chàng trai làm tròn sứ mạng với dòng tộc.

Thực hư chuyện về ma trành và thần hổ còn chưa được vén lên một cách thỏa đáng. Nhưng câu chuyện tình cảm của người với người, người với ma, cuộc đấu sức đấu trí tận sức kiệt lực với các thế lực huyền bí vẫn còn đâu đó trong tâm thức người dân, ở những vùng miền nhất định.

Nơi chúng tôi trở lại là một vài trong số nhiều vùng đất bí ẩn như thế…

Đái Đức Tuấn là một trong số ít tác giả Việt Nam chuyên viết truyện kinh dị - truyền kỳ thời trước 1945. Tác phẩm của ông thường mang không khí rờn rợn và liêu trai của những xứ đường rừng heo hút.  Bằng  lối cấu tứ lớp lang, mang tính nghệ thuật cao và bí hiểm, ông luôn đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Truyện truyền kỳ “Ai hát giữa rừng khuya” giải mã tiếng đàn hát ả đào đêm đêm vang lên giữa rừng khuya ở khu vực đèo Tam Điệp (giữa Thanh Hóa và Ninh Bình). Đó là linh hồn của ba anh em phường hát bị thần hổ ăn thịt, hóa kiếp ma trành, mãi không siêu thoát được. Trong số họ có nàng Oanh Cơ, nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, tài hoa, bạc mệnh…

Còn “Thần hổ” lại kể về cô gái Peng Slao, một con ma trành đã tự giải thoát số kiếp cho mình. Slao có tiền duyên với Đèo Lầm Khẳng, một người của gia tộc lớn nhất vùng rừng Thạch Thành. Nàng tìm mọi cách để giúp đỡ chàng, bởi Lầm Khẳng là giọt máu cuối cùng của họ Đèo, gia tộc có thâm thù với thần hổ xám. Thần hổ muốn tuyệt diệt họ Đèo, bắt được ai nó cũng móc đi một mắt, ngoạm đi bộ ngọc hành, để thỏa mối thù xưa…

 

 (Còn nữa...)

Theo VTC