Tại đình Vạn Phúc (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) lâu nay có một tảng đá hình chữ nhật, một mặt có khắc 11 lỗ vuông, ngày trước được đặt hướng vào cửa đình. Hòn đá ấy có từ bao giờ, chẳng ai biết.
Bịt lỗ vuông lại, con trai chết
Ông Đỗ Văn Thành, năm nay bước sang tuổi 78, kể rằng, ông vốn gốc là người làng Vạn Phúc (Ba Đình), sau mấy lần chuyển nhà, cuối cùng vợ chồng ông về ở trong một con ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân. "Ngày trước, nhà tôi ở sát đình Vạn Phúc. Thời niên thiếu, tôi hay sang đình chơi, đã thấy có tảng đá hình chữ nhật, dài chừng 2m, đặt nằm ngang phía bên trái cửa đình. Hồi ấy, tôi hay đào giun ở dưới chân tảng đá này để ra giếng đình câu đòng đong, cân cấn. Sau này, khi con gái đầu lòng của tôi được gần 1 tuổi, tôi còn bế cháu ra đình chơi, đặt lên mặt hòn đá này để chụp ảnh", ông kể.
Hòn đá ấy có tự bao giờ, người Vạn Phúc chẳng ai còn biết rõ. Ngay cái chuyện một mặt của nó có khắc 11 lỗ vuông, người ta cũng chẳng buồn thắc mắc là vì sao. Lâu dần, hòn đá ấy nghiễm nhiên được coi nó là một vật của đình, trơ gan cùng mưa nắng. Câu chuyện về hòn đá sẽ chẳng có gì đáng nói, cho đến một ngày, ông Thành phát hiện ra hòn đá đó "độc hại".
|
Hòn đá có khắc 11 lỗ vuông, được cho là dùng để trấn yểm. |
Nguồn cơn của câu chuyện được ông Thành dần hé mở từ ký ức cách đây chục năm. Ấy là khoảng đầu những năm 2000, ông có nghe nói đến lớp học cảm xạ của bác sĩ, nhà cảm xạ học Dư Quang Châu. Tìm hiểu về lớp, ông thấy hay nên đăng ký học. Đầu năm 2002, khi đã dần "cảm nhận được bộ môn cảm xạ" (theo cách gọi của ông Thành), ông mới sực nhớ ra hòn đá ngoài đình. "Tôi liền mang quả lắc và "đũa thần" là cần ăng ten ra đặt trước các lỗ vuông ở hòn đá. Kết quả, đầu ăng ten bị hút vào, điều đó chứng tỏ hòn đá này phát ra năng lượng xấu. Dùng quả lắc để đo sinh khí đất đình theo biểu đồ Bovis thì kết quả chỉ khoảng 2.000 - 3.000. Tiếp tục thử nghiệm bằng việc mang thanh xà gồ bằng gỗ ra bịt ngang hết 11 lỗ vuông ấy thì thấy sinh khí đất đình cao lên", ông Thành kể.
Thế nhưng, một điều trùng hợp là ngay tối đó về nhà, ông Thành bị chứng hốt hoảng, khó thở. Sau đó vài tháng, người con trai của ông đang đi sửa nhà thuê, bị ngã lộn cổ từ tầng 2 xuống đất rồi mất. "Đó là một tai nạn lao động nhưng sự trùng hợp này khiến tôi ngờ rằng nó có liên quan đến việc tôi đã bịt các lỗ vuông ở hòn đá ngoài đình, dù chỉ một lúc thôi", ông Thành đặt nghi vấn.
|
Đình Vạn Phúc - nơi có "tảng đá quan tài trấn yểm". |
Hòn đá giấu vàng (?)
Ông Thành trích dẫn trong những tài liệu, thuật lại rằng, làng Vạn Phúc xa xưa là trại Vạn Bảo thuộc 13 làng trại ở kinh thành Thăng Long, được hình thành từ triều vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Đến năm 1889 đời nhà Nguyễn, Thái Tử Bửu Lân lên làm vua lấy niên hiệu là Thành Thái, hai chữ Bửu Bảo tuy không đồng âm nhưng lại đồng tự, đồng nghĩa, sợ phạm húy nên làng Vạn Bảo đổi tên là làng Vạn Phúc như tên gọi ngày nay.
Đình làng Vạn Phúc thờ Linh Lang Đại Vương Thượng đẳng phúc thần, được xây dựng từ thời nhà Lý. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), dân làng góp công góp của xây mới tòa đại chính gồm tiền tế, trung tế. Mỗi tòa gồm 7 gian. Năm Thành Thái thứ 16 (1903), đình được xây lại hậu cung, tạo cho kiến trúc của đình hình thành chữ Vương.
Đất đai, ruộng vườn ở Vạn Phúc vốn rộng rãi, có nhiều đầm, hồ; có dãy núi Bò, gò Thành Lạc, núi Trúc (Văn Chỉ), núi Rùa... Núi Trúc thẳng từ cửa đình trông sang. Sau cải cách ruộng đất và suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bên trái và bên phải đình xây dựng hai dãy nhà cấp bốn làm trường tiểu học, cả trong nội đình cũng bị ngăn ra làm các lớp học. Đồ thờ tự, nhất là đồ đồng dần hao hụt. Đến năm 1986, đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Trước đây, phía trái đình, đầu đường Đồng Ngổ có 2 cột đá là chân cột cờ. Phía phải đình nằm ở vị trí đầu đường đi vào đền Bảo Sơn là tảng đá hình chữ nhật, mặt trên hơi lồi trông giống như bàn thạch. Tuy nhiên, về sau, hai loại đá này đã biến mất khi dân chúng dựng nhà cửa ở trước cửa đình. Duy chỉ có tảng đá hình chữ nhật như một chiếc quan tài đá nằm ngang phía cửa đình. Theo quan sát, tảng đá này có chiều dài chừng 2m, chiều rộng chừng 40 phân, cao chừng hơn 30 phân. Trên mặt tảng đá có 11 lỗ vuông. Riêng lỗ ở giữa được khắc cao hơn các lỗ hai bên.
|
Ông Thành đang chỉ lại nơi trước đây đặt hòn đá. |
Ông Thành nhớ lại, trước đây có nghe các cụ kể rằng, xưa có thầy địa lý qua vùng nhìn hòn đá và bảo: Ai nắm được gia phả thì nhìn tảng đá này sẽ biết người Tàu giữ của ở đâu.
Câu chuyện về hòn đá giấu vàng có thực hay không, người làng chẳng rõ. Thế nhưng, việc người Tàu đã từng đến dựng nghĩa trang ở làng thì người Vạn Phúc chẳng ai là không biết.
Theo ông Thành, giữa thế kỷ XIX, có một người Ấn Độ thấy Núi Trúc cây cỏ tốt tươi bèn mua để thả dê. Sau, người này bán cho người Hoa kiều Phúc Kiến làm nghĩa địa treo biển bằng chữ Nho và chữ Pháp. Ông Thành vẫn nhớ biển chữ Pháp là "La cimetier de Phúc Kiến". "Có lẽ người Phúc Kiến đã tìm ra địa điểm giấu vàng. Họ lập nghĩa trang để làm bình phong. Sau này, đào được vàng thì họ đã chuyển đi, vàng cũng hết", ông Thành đặt giả thiết.
Thế nhưng, vì sao hòn đá lại được khắc 11 lỗ vuông, đặt trong đình và hướng vào phía cửa đình? "Ai cũng biết, hình tròn tượng trưng cho trời, hình vuông tượng trưng cho đất. 11 lỗ trên hòn đá này quy về số nguyên là số 2 ứng với quẻ khôn trên Lạc Thư", ông Thành bảo. Cùng với việc đo sinh khí đất đình, ông Thành tin rằng hòn đá ấy thật sự do người Tàu trấn yểm.
Cũng dưới góc độ cảm xạ tâm linh, đại tá quân đội Lê Thanh Diệu - một người nghiên cứu về cảm xạ lâu năm, qua khảo nghiệm hòn đá cũng cho rằng "hòn đá này thực sự phát ra những năng lượng xấu, rất xấu". Vậy, có thực sự hòn đá này dùng để trấn yểm?
(còn nữa)
"Tháng 8/2002, gia đình ông Trịnh Văn Kỷ góp công đức lát gạch đỏ mở rộng diện tích sân đình, tảng đá quan tài đã được chuyển ra vị trí khác, bề mặt có 11 lỗ vuông kia đã được bật ngửa lên trời. Từ đó, sinh khí đất đình đã tăng lên rất cao", ông Đỗ Văn Thành cho biết. Hiện nay, tảng đá này được xếp sát bức tường bao quanh đình, bên tay phải từ lối vào.
|
An Nhiên