Xuân Viên là một xã cổ nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nằm ở phía Bắc dưới chân núi Hồng Lĩnh. Nơi đây, cũng là một xã có truyền thống văn hóa lâu đời, là một trong những xã có trường dạy chữ quốc ngữ sớm nhất huyện. Xã có làng Văn Miếu, năm Đinh Mùi (1847) xã đã lập bản hương ước văn hóa, riêng về mục khoa cử có quy định: Ai đậu tú tài, cử nhân, tiến sĩ được dân xã đón rước và mời khao từng cấp là bao nhiêu...
Hiếu học và hiếu dạy học
Xã Xuân Viên lúc mới lập gọi là xã Hoa Viên. Ngày xưa đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều loại thú rừng như hổ, báo, lợn rừng có lúc có cả voi về quấy phá. Nơi đây, vào những năm thập kỷ 80, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ khảo cổ học nổi tiếng "di chỉ Phôi Phối".
Thời xưa xã có hai ông nghè, 11 ông đậu cử nhân và mấy chục ông đỗ tú tài. Xuân Viên có nhiều dòng họ lâu đời, trong đó có dòng họ Ngụy đã góp phần làm đẹp truyền thống hiếu học của một vùng quê nghèo và sớm đưa ánh sáng văn hóa về địa phương.
Theo Việt Nam sử lược, có một tướng nhà Hồ tên là Ngụy Thức, năm Đinh Hợi (1407), khi Hồ Quý Ly bị bại trận ở xứ Thanh Hóa (thành nhà Hồ), Ngụy Thức khuyên nhà vua: "Nước đã mất, làm vua không nên để cho người ta bắt, xin bệ hạ tự thiêu mà lưu tiếng ngàn thu". Hồ Quý Ly không nghe, sai quần thần chém đầu Ngụy Thức và chạy vào xứ Nghệ trốn ở hang núi Thiên Cầm (nay thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Một số quan quân nhà Hồ chạy theo, trong số đó có con cháu của Ngụy Thức. Lớp con cháu này về ở ẩn dưới chân núi Hồng Lĩnh, đó là đất Xuân Nguyên (nay là Xuân Viên) và lập thành họ Ngụy ở Xuân Viên cho đến nay đã có đến đời 19, 20, có nhà thờ tổ Ngụy Đại tôn.
Vì hoàn cảnh chiến tranh, lụt bão cuốn gia phả gốc bị cháy nên phần đầu không thể dựng lại một cách chính xác, phần sau hậu duệ nhớ được từ đời thứ 13 về sau và ghi chép đầy đủ các thế thứ dòng tộc. Lúc này họ Ngụy có năm chi, riêng một nhánh của chi hai có cụ Ngụy Khắc Hài, nổi tiếng về sự hiếu học và hiếu dạy học.
|
vranh minh họa. |
3 người con đều đỗ đạt
Cụ Ngụy Khắc Hài, đậu Tam trường năm Canh Tý đời Lê Cảnh Hưng (1780) lúc đầu cụ làm tri huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc), sau cụ về dạy học. Cụ Ngụy Khắc Hài có 8 người con, trong đó có 3 người con trai: Ông Ngụy Khắc Thận, đậu cử nhân năm Quý Dậu, đời Gia Long (1831), cụ về mở trường dạy học.
Người con thứ hai Ngụy Khắc Tuần, sinh năm Kỷ Mùi (1799), đậu cử nhân năm Tân Tỵ (1821). Năm 28 tuổi, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826). Khoa thi này có 200 thí sinh, lấy đỗ 10 tiến sĩ, trong đó Nghi Xuân có 2 người là ông và ông Võ Thời Mẫn (người xã Hội Thống). Ông Ngụy Khắc Tuần làm quan trải các chức Tuần phủ, Tổng đốc, đổi làm Hộ bộ Thượng thư. Năm Tân Sửu (1841) dâng sớ thành lập phủ Điện Biên (nay là Điện Biên Phủ).
Năm Nhâm Dần (1842) được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông có tiếng là người thanh liêm, mẫn cán từng được vua yêu mến ban ngự chế. Tử trận khi đang giữ chức Hộ lý Tuần phủ quan phòng trấn Hưng Hóa (Quảng Trị) được truy tặng Hiệp biên đại học sĩ và được thờ trong đền Hiền Lương. Ông để lại các đầu sách: Như Tân Ký, Xuân Viên thi tập, Vũ công hành trạng ký lược và 20 bài thơ hiện đang được lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Người con trai thứ ba là Ngụy Khắc Thành, đậu cử nhân, bị mất sớm, tuy nhiên ông còn để lại ba tác phẩm hiện lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm.
Nối đời khoa bảng
Ông Ngụy Khắc Đản là con trai duy nhất của cụ Ngụy Khắc Thận. Ông sinh năm Đinh Sửu (1817), đậu cử nhân khoa Tân Sửu (1841). Năm 40 tuổi đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Tam danh (Thám hoa) khoa Bính Thìn, niên hiệu Tự Đức 9 (1856) khoa này lấy đỗ 6 tiến sĩ và một phó bảng. Văn bài của ông hay và dâng lên những ý khẩn thiết đến mức vua Tự Đức phê vào bài thi là "Hạc lập kê quần", ý là con hạc đứng giữa bầy gà. Tuy vậy, ông vẫn không được Trạng nguyên (vì triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên).
Trước ông làm Huấn đạo huyện Can Lộc. Sau khi đỗ Thám hoa, ông được bổ chức án sát Quảng Nam, hàm Hàn lâm liên thảo. Năm Quý Hợi (1863), ông được cử đi sứ sang Pháp trong đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản. Ông là một trong nhóm 4 người kể tội giặc Pháp (Phan Thanh Giản, Hồ Bảo Định và Nguyễn Trung Nguyên). Lúc trở về được bổ chức quyền Thượng thư bộ Binh, đổi Công bộ Thương thư sung Cơ mật Viện, Tham biện. Bị ốm mất ở quê nhà, thọ 52 tuổi. Được truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ. Tác phẩm của ông để lại có Tây phù nhật ký; Như Tây ký.
Ông Ngụy Khắc Khoan là con trai trưởng của cụ Ngụy Khắc Đản, học giỏi, đậu cử nhân và được cử làm tri huyện, tiếc rằng ông mất lúc 23 tuổi, để lại một cậu con trai.
Ông Ngụy Khắc Giản, sau đổi tên là Ngụy Hiến Tích, là con trai duy nhất của cụ Ngụy Khắc Khoan, tự là Hồng Viên. Tuy cha làm tri huyện nhưng mất sớm, nên gia đình nghèo túng, bà Khoan phải đi làm thuê cuốc mướn và ở nhờ ông ngoại ở Trảo Nha (Can Lộc) để dốc lòng nuôi con ăn học. Năm Bính Ngọ (1906) đời vua Thành Thái, Ngụy Khắc Giản đậu cử nhân. Lúc đầu ông làm Huấn đạo huyện Hương Sơn, sau được điều ra Thanh Hóa làm kinh lịch giúp tổng đốc Thanh Hóa. Ông làm việc năng nổ, giải quyết công việc nhanh chóng, công bằng nên được mến trọng. Năm Tân Mùi (1931), mẹ mất, ông xin nghỉ hưu để hương khói phụng thờ cho mẹ. Khi về hưu, ông được phong Hồng lô tự khanh, sau phong Quang lộc tự khanh tòng tam phẩm, nhân dân trong xã gọi ông là cụ Hường.
|
Chân dung ông Ngụy Khắc Đản. |
Người làm thay đổi bộ mặt xã Xuân Viên
Ông Ngụy Khắc Giản là người quan tâm và góp phần làm thay đổi bộ mặt ở địa phương Xuân Viên thành một xã Văn hóa và được vua phong bốn chữ vàng "Mỹ tục khả phong". Năm 1940, ông làm một bài ca dài nêu lên 8 điều khuyên và 8 điều răn để dân chúng dễ học thuộc và làm theo. Bài ca nói về việc xây dựng trường mời thày về dạy học và cho con cháu ra dạy học, người biết chữ kèm người không biết chữ, người biết nhiều kèm người biết ít và bảo lý hào trích công quỹ hàng tháng phát giấy bút cho học sinh. Người dạy học được cấp mỗi năm một bộ áo quần và cấp lúa nghĩa thương đủ ăn. Cuối năm có tặng phẩm cho những người học giỏi. Khuyến khích người nghèo đi học.
Mỗi làng (thôn) ông đề xuất xây một kho nhỏ, mỗi kho trữ hơn một tấn lúa để giúp những người không may bị tai họa hoặc quá túng bấn cần cứu trợ. Ông khuyên dân bỏ công sức ra làm cầu cống, đắp đập lấy nước phòng khi trời hạn hán, mở rộng đường xá, trồng cây hai bên đường. Ông đề xuất việc hương khói nên bỏ vàng mã, giảm xôi thịt, chỉ cần hương hoa trầu nước với lòng thành kính. Việc tang cố giữ hiếu, tránh những hủ tục lạc hậu, cỗ bàn linh đình. Trong cộng đồng làng xã phải đoàn kết, sống có kỷ cương, tôn trọng trật tự. Quan viên xã phải làm việc công minh, mọi chủ trương phải bàn bạc với dân. Trên dưới phải chăm chỉ, tiết kiệm.
Ngoài ra, còn 6 điều khuyên dân gồm: Đừng gian trá, đừng hằn thù, đừng chửi bới, đừng ngược ngạo điêu ngoa, đừng cờ bạc say sưa và cũng đừng trộm cắp lừa lọc. Nêu hai điều người làm việc phải lo cho dân: Làm lợi cho dân và làm cho dân ngày một khấm khá. Những đề xuất và những lời khuyên dã được nhân dân trong xã làm theo và đạt hiệu quả tốt. Ngày nay xã Xuân Viên có tới 300 giáo viên đi dạy các nơi và có gần 50 giáo viên nghỉ hưu tại xã.
Chí Đức