Đột nhập “lãnh địa” súng thủ công “độc” nhất Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) – Hàng trăm năm qua, người dân làng Biasha (Trung Quốc) vẫn chế tạo súng thủ công và sử dụng thứ vũ khí nguy hiểm này một cách điêu luyện.

Nằm cách xa những thành phố hối hả và nhộn nhịp, người dân ở ngôi làng Biasha (đôi khi được gọi là Basha) có lịch sử lâu đời về quyền sở hữu súng. Không giống như ở hầu hết các tỉnh thành của Trung Quốc, nam giới Biasha vẫn sử dụng các loại vũ khí mặc dù chính phủ Trung Quốc có quy định ngặt nghèo về quyền sở hữu súng. Theo luật pháp nước này, công dân bị cấm tàng trữ, sở hữu, sử dụng loại vũ khí nguy hiểm trên.

Tuy nhiên, ngôi làng Biasha là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nam giới sống ở đây có thể chế tạo, mang theo người và sử dụng súng một cách công khai để săn bắn thú rừng. Đây được xem là một biện pháp để duy trì truyền thống văn hóa. Hiện, những tay súng ở ngôi làng Biasha là nơi duy nhất mà khách du lịch có thể chiêm ngưỡng những khẩu súng hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công hay những chương trình ca vũ truyền thống, cắt tóc cũng như tham dự các sự kiện chính khi người dân nơi đây trổ tài thiện xạ.

 Một bé trai ở làng Biasha say sưa ngắm nghía, tìm hiểu cách sử dụng súng.

Người dân sống ở làng Biasha là dân tộc Miêu, một trong 55 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Theo nhà nhân chủng học Rutgers Louisa Schein, những nhóm dân tộc thiểu số từ lâu được chính quyền Trung Quốc đối xử ngoại lệ, không theo luật pháp.

Cô Schein cho biết, người dân ở ngôi làng trên không những được vô tư sản xuất, sở hữu, sử dụng súng mà còn không bị ràng buộc bởi quy định hạn chế sinh con của chính phủ Trung Quốc.

 Một người đàn ông lấy những viên bi thép trong bình quả bầu để thực hiện buổi luyện tập bắn súng.

Bee Vang, một sinh viên Mỹ đã đến Trung Quốc để khám phá, tìm hiểu nét độc đáo của ngôi làng Biasha đã ấn tượng mạnh bởi nền văn hóa đậm chất "nam tính" nơi đây. Anh giải thích rằng, trong khi mọi người thường tập trung chú ý vào trang phục của phụ nữ khi đến những ngôi làng khác thì Biasha lại khiến người ta ấn tượng bởi những người đàn ông, bé trai và súng ống.

 Tay súng dân tộc Miêu có tên Yuangu đang luyện tập với vũ khí nóng của mình. Tại làng Biasha, chỉ những người đàn ông mới được quyền sở hữu súng. Những người phụ nữ thường nhảy múa, chơi nhạc trong các lễ hội săn bắn của cánh đàn ông.

Súng ống được coi là biểu tượng cho sức mạnh của con người nơi đây. Anh Vang chia sẻ, khi đến Biasha du lịch, một đoàn làm phim đã quay được những thước phim ấn tượng về ngôi làng này trong đó có cuộc thi giống như trò chơi sinh tồn. Khi nhìn tay súng ở vùng nông thôn trổ tài săn thú rừng, mọi người như được trở về thời đại xa xưa trong lịch sử nhân loại. Chính vì lẽ đó, Biasha trở thành một trong những ngôi làng hút khách du lịch tới tham quan nhất.

 Một nhón người đàn ông ngồi lại với nhau phân chia tiền kiếm được sau chuyến đón tiếp khách du lịch. Kiểu tóc của họ cũng khá đặc biệt khi cắt sát chân tóc và chỉ lại một chỏm dài chính giữa. Họ còn buộc một chiếc khăn trên đầu và mặc trang phục truyền thống.

Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Trung Quốc. Chính vì vậy, lượng khách du lịch đến đây ngày càng đông sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Miêu.

 Thợ làm súng Laosheng tỉ mỉ làm từng bộ phận của vũ khí mà chỉ có nam giới ở đây được sử dụng. Bộ phim năm 2008 có tên khẩu súng của Lala kể về câu chuyện của một thiếu niên tìm kiếm người cha đã mất tích từ ​​lâu của mình. Cậu bé có thể kế thừa khẩu súng của cha mình. Bộ phim sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Miêu.
 Vẻ đẹp tự nhiên của những cánh đồng thuộc ngôi làng Biasha. Do quá nghèo đói nên người dân nơi đây đã không tổ chức lễ hội nào kể từ sau cuộc Cách mạng văn hóa. Mãi cho đến khi vùng đất này thu hút được khách du lịch, họ mới có thêm một khoản tiền kha khá để tổ chức lễ hội hay ăn mừng những ngày lễ lớn.


BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Nhật Anh (theo National Geographic)