Đối diện bàn hỏi cung
Sau khi bị bắt làm tù binh ở Điện Biên, De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu của ông ta bị đưa về trại giam của ta ở Tuyên Quang. Tại đây, các sĩ quan quân báo của ta đã tiến hành hỏi cung họ để nắm tin tức tình báo. Ông Lê Mạnh Thái – một sĩ quan quân báo trẻ mới 25 tuổi đời được giao nhiệm vụ này.
Ông Thái về trại giam vào một ngày cuối tháng 5/1954. Trong cuốn hồi ký Hỏi cung tù binh Điện Biên, ông Thái kể: “Tôi thỏa thuận với Ban chỉ huy trại là hàng ngày đúng 8 giờ sáng, một chiến sĩ cảnh vệ của trại dẫn tên tù binh (do tôi chỉ định) đến chỗ tôi và đúng 13 giờ thì dẫn tù binh đó về trại… Hỏi bọn này, tôi định sẽ không ghi chép gì trước mặt chúng để chúng khỏi chột dạ hoặc lo sợ về lời khai rồi ko dám nói thật”.
|
De Castries cùng bộ tham mưu ở Điện Biên bị bắt làm tù binh. Ảnh tư liệu |
Cuộc gặp gỡ De Castries đã diễn ra với những bối rối của cả hai bên. De Castries mang tâm lý nặng nề vì là một ông tướng trở thành tù binh. Mặt khác, người đối diện hỏi cung ông ta lại là một người trẻ măng cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng đến lòng sĩ diện của ông ta.
Về phần Lê Mạnh Thái, như ông viết: “Bản thân tôi dù đã hỏi cung khá nhiều sĩ quan Pháp, lúc ấy cũng phần nào bị hồi hộp, lúng túng. Tôi đang phân vân là Đờ Cát không chào mình thì mình có nên chào y trước không?”
Nhưng De Castries đã lên tiếng trước gỡ thế bí cho cả hai: “Ông sĩ quan quân báo, tôi có mặt theo yêu cầu của ông”.
Đáp lại, người hỏi cung đặt ngay vấn đề của buổi làm việc là cần hỏi một số vấn đề và yêu cầu De Castries trả lời đúng và có thiện chí. Nhưng chẳng phải tay vừa, Đờ Cát cũng mặc cả trước: “Là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp, tôi sẵn sàng trả lời ông những điều có thể trả lời được và sẽ không trả lời những câu mà tôi tự thấy không được phép hoặc không nên trả lời…”.
Với kinh nghiệm hỏi cung nhiều sĩ quan Pháp trước đây, Lê Mạnh Thái biết rõ câu trả lời này biểu hiện điều gì, bởi thế ông quyết định tấn công vào tâm lý. Ông Thái nói: “Ông nên trả lời các câu hỏi. Có nhiều cách trả lời: Hoặc nói đúng thực tế diễn ra hoặc nói theo sự suy nghĩ, cân nhắc của riêng ông; hoặc nói theo nguyên tắc, theo quy định đã có… Là một tư lệnh chiến trường, là một viên tướng, ông không thể nói là vấn đề này hay vấn đề kia ông không biết. Và là một tù binh, ông không được nói là ông muốn hay không muốn trả lời…”.
Thấy De Castries ngồi lặng im, ông Thái bồi tiếp: “Ông đừng nghĩ rằng đây giống như cuộc hỏi cung của các sĩ quan phòng nhì Pháp đối với chiến sĩ của chúng tôi khi bị Pháp bắt. Ông và tôi đều nên coi đây là một cuộc trao đổi bổ ích về các kiến thức quân sự. Tuy là đối phương của nhau nhưng chúng tôi cũng cần hiểu và học tập người Pháp. Ngược lại người Pháp cũng nên như vậy”.
Đến lúc này, Đờ Cát hoàn toàn bị thuyết phục và Y vui vẻ nói: “Như thế là rất tốt, xin cám ơn ông. Cá nhân tôi không muốn bị đặt vào cái thể của một tù binh bị dồn ép tại cơ quan hỏi cung tí nào”.
Những phân tích sắc sảo của De Castries
Cuộc hỏi cung De Castries đã diễn ra hai ngày liền. Mỗi ngày 8 giờ đồng hồ. Sĩ quan hỏi cung của ta đã hỏi hết những vấn đề cần thiết từ quân sự đến chính trị để làm thông tin tham khảo cho Đảng và quân đội ta đề ra những chủ trương tiếp theo. Những thông tin do De Castries cung cấp rất phong phú nhưng do giới hạn của bài viết, ở đây chỉ xin trích phần đánh giá về hội nghị Geneve.
|
Toàn cảnh hội nghị Geneve 1954. Ảnh: Wikipedia |
Trả lời câu ông Lê Mạnh Thái hỏi: “Người Pháp đến hội nghị Giơ-ne-vơ để thực tâm muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược và giải quyết vấn đề Đông Dương, hay chỉ đến đánh lừa dư luận, còn bên trong thì chuẩn bị các kế hoạch quân sự mới?
De Castries nói: “Đấy là việc của chính phủ Pháp, của các nhà chính khách. Tôi là quân nhân. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, hội nghị Giơ ne vơ không có ý nghĩa gì ngoài việc họp để xoa dịu dư luận trong và ngoài nước. Nhưng bây giờ, khi các ông đã chiếm được Điện Biên Phủ, hội nghị Giơ ne vơ có một cái gì đó rất thực tế, nếu không nói là cần kíp, và tôi nghĩ chính phủ Pháp sẽ thực tâm thương lượng”.
Tuy vậy, viên tướng này cũng quả quyết rằng trong việc thương lượng Pháp sẽ không nhân nhượng hoàn toàn. Ông ta nói: “Tôi quả quyết rằng không phải đoàn Pháp đến đấy để ký ngay việc ngừng bắn và rút quân về nước, rồi giao cả xứ Đông Dương cho Cộng sản làm gì tùy ý”.
Lý do là vì Việt Minh mới chỉ giành được thắng lợi ở Điện Biên là một vùng xa xôi nghèo nàn còn nhiều chiến trường quan trọng khác thì chưa làm được gì. Mặt khác bộ đội Việt Minh chỉ lợi thế ở rừng núi còn nếu tấn công về đồng bằng thì sẽ bất lợi vì phải đối mặt với không quân và pháo binh. Do vậy mỗi bên sẽ đưa ra yêu sách tối đa và tối thiểu của mình.
Và yêu sách tối thiểu mà theo De Castries, chính phủ Pháp sẽ đưa ra là đòi hai bên và các cường quốc công nhận sự tồn tại của chính phủ Bảo Đại trên phạm vi lãnh thổ và dân chúng mà chính phủ này đang kiểm soát.
Mặc dù lúc ban đầu De Castries đã rào trước rằng ông ta là giới quân sự không hiểu nhiều về chính trị tuy nhiên ông ta lại tỏ ra rất am hiểu chính trị trong những nhận định về bước đi của chính phủ Pháp ở Geneve.
Trả lời câu hỏi của sĩ quan hỏi cung về việc Pháp sẽ thu xếp cho ngụy quyền ngụy quân như thế nào? Và nếu phải phân chia lãnh thổ thì sẽ chia như thế nào?, De Castries tỏ ra rất chắc chắn: “Tôi cho rằng hội nghị giơ-ne-vơ sẽ kéo dài. Hiện các ông đang cần thời gian để tiêu diệt thêm nhiều đơn vị, giải phóng thêm nhiều vùng của chúng tôi để có nhiều lợi thế khi ký hiệp nghị. Tôi tin các ông sẽ làm được điều ấy. Còn phía chúng tôi, lực lượng bị sứt mẻ nhiều, sắp tới, chúng tôi buộc phải co cụm lại. Những nơi nào cần giữ thì chúng tôi sẽ giữ bằng mọi giá, không để bị mất đi dễ dàng được.
…. Có thể chia mỗi bên có nhiều vùng theo sự kiểm soát thực tế hiện nay. Cũng có thể chia thành hai vùng riêng biệt, ở giữa có một ranh giới nào đó… Có thể là Bắc Phủ Diễn ở vĩ tuyến 19, có thể là Ba Đồn, sông Gianh ở vĩ tuyến 18 có thể là cửa Tùng hay cửa Việt ở vĩ tuyến 17 nhưng tuyệt đối không thể là Tua Ran (Đà Nẵng) ở vĩ tuyến 16. Nếu chia theo cách đó thì có thể chúng tôi phải rời bỏ Hà Nội, Hải Phòng, đồng bằng bắc bộ để vào phía Nam còn các ông phải rời bỏ Nam Trung Bộ, Nam Bộ, rút hết lực lượng ra Bắc…”
Những thông tin này ở thời điểm bây giờ thì quá rõ ràng nhưng đặt vào thời điểm 2 tháng trước hiệp định Geneve, trong lúc quân ta đang cần tìm hiểu thái độ thực sự của Pháp đối với cuộc chiến cũng như đối với hội nghị Geneva thì thực sự là những thông tin tham khảo có giá trị. Nhờ vào đó Đảng ta có cơ sở để đưa ra những sách lược chính xác để giành thắng lợi.
Khánh Nam