Giải mã chuyện bốc mộ buổi đêm và kiêng kị về mộ kết

Google News

Cải táng được coi là đại sự. Đây không chỉ là việc giúp người đã khuất được “mát mẻ”, mà còn liên quan đến sự hưng suy của gia tộc.

Giai ma chuyen boc mo buoi dem va kieng ki ve mo ket
Phương thức cải táng, bốc mộ với nhiều thủ tục phức tạp gây tốn kém cho gia chủ. Ảnh: Cao Tuân 
Cải táng để giữ chữ hiếu?
Với không ít gia đình người Việt, cải táng được coi là đại sự. Đây không chỉ là việc giúp người đã khuất được “mát mẻ”, mà còn liên quan đến sự hưng suy của gia tộc. Vì thế, không ít gia đình đầu tư tiền của cho việc đại sự này. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về chủ đề nêu trên, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện (Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng: “Tôi từng nghe chuyện nhiều gia đình phải mời thầy cúng xem ngày giờ cả tháng trời, chi nhiều tiền bạc cho việc cải táng. Có nhà cẩn thận hơn còn mời thầy phong thủy xem long mạch đất, xác định hướng để đặt lăng mộ. Ngay cả chuyện dưới mộ mới phải rải những lớp đất gì, xếp các đồng tiền ở đâu… liệt kê qua cũng lắm công đoạn và thực hiện phải rất kỳ công. Và cũng có chuyện, lợi dụng tâm lý lo lắng của gia chủ, không ít thầy cúng đã trục lợi bằng chiêu phán nhảm khiến gia chủ phải chi tốn tiền bạc lập đàn giải oan, xá tội”.
Cũng theo nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện, chuyện chọn thời điểm bốc mộ theo phong tục Việt Nam là rất hợp lý. Trong một năm, bốc mộ cần phải thực hiện trong giai đoạn “âm vượng” và đó chính là mùa đông. Trong ngày, bốc mộ phải được thực hiện từ thời điểm nửa đêm về sáng. Để hợp với quy luật âm dương và vệ sinh môi trường, khi tiến hành bốc mộ phải chọn buổi đêm để tia sáng mặt trời không chạm đến hài cốt. Nếu khi khai quật một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều luồng khí và vi sinh vật độc hại vào buổi trưa nắng thì sẽ tạo ra không khí không tốt cho môi trường xung quanh.
Giai ma chuyen boc mo buoi dem va kieng ki ve mo ket-Hinh-2
Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài (Cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng). 
Nói về vấn đề này, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài (Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) chia sẻ: “Con người chúng ta luôn chịu tác động của quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Do từng vùng miền có đặc trưng văn hóa khác nhau nên phong tục ma chay, chôn cất, cải táng người quá cố cũng khác nhau. Theo quan niệm xưa, sau khoảng ít nhất 3 năm, khi con cái đã “đoạn tang” sẽ lo việc cải táng cho cha mẹ. Khi đó, ngôi mộ đó được đào lên, xương cốt của người đã khuất sẽ được lau rửa bằng nước thơm rồi xếp thứ tự trên dưới, trong ngoài thật ngăn nắp vào một cái tiểu sành rồi đậy thật kín, sau đó chôn vào lăng mộ để người người chết yên nghỉ được vĩnh viễn”.
Lý giải tại sao lại có tục cải táng, nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài phân tích: “Có thể trước đây người ta tâm niệm do lúc cha mẹ mất, nhà nghèo nên con cái không sắm được quan tài tốt để an táng. Sau một thời gian dài, sợ quan tài xấu, hài cốt cha mẹ bị hư hỏng nên con cái cải táng cho cha mẹ một lần nữa để giữ chữ hiếu. Từ thực tiễn, tôi cho rằng, việc tôn trọng phong tục, tín ngưỡng về tang ma là cần thiết nhưng đừng quá cầu kỳ. Bởi người đã khuất muốn người trần gian luôn nhớ, thể hiện cái tâm, cái hiếu đối với họ, chứ không có khái niệm đòi hỏi lễ vật này, phẩm vật kia khi cúng lễ”.
Mộ kết và tín ngưỡng phồn thực
Mộ kết là cụm từ gắn liền và chi phối không nhỏ đến đời sống tâm linh trong văn hóa cộng động người Việt. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Lê Chí Quế - nhà văn hóa dân gian chia sẻ: “Từ lâu, dân gian truyền miệng câu chuyện kỳ bí liên quan đến mộ kết. Theo tôi, việc những ngôi mộ sau một thời gian cứ đùn lên ngày càng to khác thường là do tính chất vật lý của đất. Có thể đất chỗ đó có sự giãn nở khác thường hoặc do giun, mối đùn đất cao lên. Trong mỗi ngôi mộ kết ấy thường có dây tơ hồng quấn quanh người chết. Cái này xuất phát từ suy nghĩ bên ngoài to đẹp nên bên trong cũng sẽ đẹp như vậy”.
Cũng theo GS Lê Chí Quế, xét về góc độ tín ngưỡng, hiện tượng mộ phát liên quan đến gốc tích phồn thực. Phồn là sự sinh sôi, phát triển, nở ra. Người sinh đẻ, cây cối sinh sôi... Từ hiện tượng tự nhiên, người ta gắn với tín ngưỡng cho rằng sự sinh sôi nảy nở này gắn với những ước mơ về sự giàu sang, no ấm trong cuộc đời mỗi con người và nó kéo dài mãi mãi từ đời này sang đời khác. Nhiều người cho rằng mộ kết thì phải giữ nguyên, không được cải táng thì sự tốt đẹp mới kéo dài mãi. Ngược lại, cũng có người quan niệm rằng, nếu cải táng mộ kết, sự tốt đẹp sẽ biến thành điềm xấu ảnh hưởng tới cả dòng họ... Tất cả xuất phát từ gốc tích tín ngưỡng phồn thực”, vị chuyên gia cho hay.
Bàn về khái niệm mộ kết, ông Nguyễn Xuân Điều - Trưởng bộ môn Trường sinh học dưỡng sinh (thuộc Trung tâm UNESSCO – Văn hóa dòng họ và gia đình) cho rằng: “Dấu hiệu mộ kết được truyền lại là ngôi mộ và vùng đất đặt mộ ngày càng nổi cao lên hoặc nở to ra, đất xốp mịn, trong quan tài có mạng nhện hay màng tơ (màu trắng hoặc đỏ) bao bọc, di hài còn nguyên vẹn... Hiện tượng này một là do một loài nấm mốc yếm khí sinh ra mọc rêu quấn xung quanh thi hài người chết. Nguyên nhân là trước khi chết, có thể người nằm trong nấm mộ từng dùng nhiều đường sữa, ngấm vào tế bào, đây là môi trường tốt cho nấm mốc yếm khí phát triển. Việc mộ kết không ảnh hưởng gì tới người đang sống. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tâm lý cũng như việc người chết chưa phân hủy thì gia chủ nên giữ nguyên và xây mộ kiên cố trùm lên để tránh gây tâm lý suy diễn khiến bất an cho mọi người trong gia đình, dòng họ”.
Cải táng, bốc mộ có còn phù hợp?
Phong tục cải táng, bốc mộ có phải là khái niệm bất di bất dịch khiến người sống phải thực hiện cho kỳ được khi người thân mất đi và được chôn cất sau vài ba năm? Ông Nguyễn Xuân Điều cho rằng: “Thực tế, trên thế giới có rất nhiều cách để chôn người chết: Địa táng, thủy táng, thiên táng, hỏa táng, thực táng... Đặc biệt, vua chúa ngày xưa không bao giờ cải táng. Ở Việt Nam, phong tục cải táng chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Hiểu nôm na, cải táng cũng giống như làm đám ma lần thứ hai. Việc này làm cho các gia đình rất vất vả, tốn kém, nhất là những nhà nghèo. Đêm hôm âm u, giá rét, con cái cháu chắt kéo nhau ra nghĩa trang, đứng quanh mả người chết đã được lật ván thiên, khóc lóc ri rả, đau thương…”.
Ông Nguyễn Xuân Điều nhấn mạnh: “Đứng về góc độ khoa học mà đánh giá thì công việc cải táng rất mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Bước vào nghĩa trang có cải táng chỉ thấy đất đai bị đào bới nham nhở lở loét làm mất đi vẻ đẹp trang nghiêm nơi người đã khuất an nghỉ. Có trường hợp ngôi mộ này vừa được đào lên cải táng vài ngày thì ngay sau đó đã có đám khác chôn vào. Còn có cả trường hợp xác đã chôn xuống 3 năm đến kỳ cải táng khi đào lên, thịt vẫn chưa tiêu hết, lúc ấy phải lấy dao tách thịt, trông thật khiếp sợ và đau lòng… Trong cuộc sống văn minh, cải táng bốc mộ là phi khoa học và không còn phù hợp”.
Bàn về phong tục cải táng, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc (Bộ môn Dự báo, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) nêu quan điểm: “Ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Nga… người ta đã tiến hành hỏa táng người chết từ hàng trăm năm nay rồi? Có người từng thắc mắc và lo lắng người thân mình khi hỏa thiêu sẽ bị “nóng”, theo tôi đây là cách suy diễn thiếu tính khoa học”. Ông Ngọc phân tích: “Thể xác con người luôn tồn tại các thể ở bên trong gồm: Thể trí, thể vía, thể hồn, thể phách. Khi chết đi thì chỉ chết phần thể xác thôi chứ các thể khác vẫn tồn tại nhưng dưới dạng năng lượng (?). Do vậy, nhiều cộng đồng người ở một số dân tộc người ta đã thực hiện phương pháp hỏa táng hoặc chôn một lần. Khi hỏa táng cho người chết sẽ hạn chế được việc bị thiếu xương cốt. Tôi cho rằng con cái có nhiều cách để báo hiếu cha mẹ như giúp ích cho xã hội, làm điều tốt tích phúc đức chứ không nhất thiết phải chôn xuống, đào lên bằng cách cải táng mới tròn đạo”.
Hỏa táng dưới góc nhìn của đạo phật
Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, một sư trụ trì tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) bày tỏ quan điểm: “Có nhiều phương thức để đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người sống luôn nhớ và kính trọng người đã chết. Hiện nay, hỏa táng là cách văn minh bớt tốn kém và tránh gây ô nhiễm môi trường. Hỏa táng cũng có nhiều hình thức, có thể đem một phần tro cốt của người quá cố rải xuống sông, biển cho mát mẻ, một phần đem thờ cúng tại nhà hoặc gửi vào chùa chiền cho thanh tịnh”.
Theo Gia Đình & Xã Hội