Giải mã năng lực “thiên nhãn” của những nhân vật kiệt xuất (1)

Google News

Lâu nay, nhiều người đã biết đến khái niệm "Thiên nhãn", từ chỉ khả năng thị giác siêu phàm của những nhân vật kiệt xuất như Thích Ca Mâu Ni...

Theo mô tả, những nhân vật này có thể nhìn xuyên vào lòng đất, nhìn xa đến ngàn dặm, nhìn rõ quá khứ, tương lai, biết rõ thiện ác, đoán biết được tất thảy mọi thứ trên đời…

Bên cạnh việc "bàn" về thiên nhãn, thì không ít nơi, những câu chuyện về "con mắt thứ ba" vẫn được truyền tai như một minh chứng cho những điều kỳ dị, khó lý giải. Thực tế, không phải không có những trường hợp mà cho đến nay khoa học cũng bó tay, chưa thể giải thích được vì sao, khi bịt hai mắt lại mà nguời ta vẫn có thể đọc chữ, đoán biết đồ vật trước mắt, hoặc khả năng nhìn "xuyên thấu" của một số người… Khoa học hiện tại giải thích vấn đề này như thế nào, và có những vấn đề gì vẫn còn là một điều bí hiểm?

Một thời, câu chuyện về những nhân vật có khả năng nhìn xuyên vật, xuyên lòng đất, thấu gan ruột, nhìn bằng con mắt thứ ba được xem là sản phẩm của sự tưởng tượng nhưng hiện nay nó đã được biết đến trên thực tế, bởi những người thực. Sự xuất hiện của những "siêu nhân" này khiến giới khoa học ngỡ ngàng, chưa thể lý giải rõ ràng khiến nhiều người đã mặc nhiên xem đó là năng lực "thiên nhãn" như trong truyền thuyết, hay một sự tồn tại "đặc dị" đâu đó của "con mắt thứ ba"…

 Bà Hoàng Thị Thiêm,  người được cho là có khả năng thấu thị?

Từ giai thoại lịch sử đến sự thật cần lý giải

Theo nhiều tư liệu cổ, những người sở hữu khả năng kỳ lạ này đa phần là các nhân vật của tôn giáo, như Đức Phật Thích Ca, Đạt Ma Sư Tổ... một số tư liệu ít ỏi có nhắc đến các vị chân tu ở xứ sở của những ẩn sĩ - Tây Tạng hay những bậc thầy về y học ở Trung Hoa.

Người sở hữu khả năng "thiên nhãn" nổi danh trong sử học Trung Hoa phải nhắc đến một danh y nổi tiếng ở Trung Quốc thời Chiến Quốc có tên là Biển Thước. Trong bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, Biển Thước được mô tả là người có thể nhìn được xuyên vật. Một ngày nọ, ông đi qua nước Quắc và bắt gặp một đám tang. Một quan chức nói với ông rằng một vị hoàng tử đột ngột qua đời và họ sẽ đưa ông ấy vào quan tài. Đang đứng ở cửa cung điện, Biển Thước khẳng định rằng hoàng tử thực ra chưa chết và sẽ hồi phục sớm. Vị quan này không tin ông. Biển Thước khẳng định thêm: "Hãy thử xem. Gọi thầy thuốc tới chẩn đoán đi. Khi hoàng tử nghe giọng nói, mũi và miệng ông ấy sẽ co giật. Ông có thể thấy vùng háng của ông ấy vẫn còn ấm". Quả nhiên đúng như vậy.

Ngoài Biển Thước, danh y Hoa Đà thời Tam Quốc cũng được ghi nhận là người có năng lực "thiên nhãn". Hoa Đà vốn là người được ghi nhận bậc thầy về phẫu thuật, người sử dụng thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới. Ông có thể nhìn thấu người, chẩn đoán vị trí bệnh chính xác. Thời Tam Quốc chắc chắn sẽ không có phương tiện hiện đại để hỗ trợ nên mọi người cho rằng, Hoa Đà phẫu thuật được và chữa lành vết thương cho nhiều người bệnh vì ông nhìn thấu tâm can của họ.

Câu chuyện về Biển Thước và Hoa Đà một thời gian được tranh luận và dẫu sao đó cũng là câu chuyện khó kiểm chứng. Tuy nhiên, điều khiến cả thế giới ngỡ ngàng là trường hợp của cô bé người Nga tên Natalya Nikolayevna Demkia, có thể nhìn xuyên tường, nhìn rõ nội tạng cơ thể người. Lúc đó mọi người mới "giật mình" ngẫm lại những gì sử sách đã ghi chép.

Trong nhiều thử nghiệm cho thấy, đôi mắt của Natalya có thể nhìn thấy nội tạng cơ thể người. Hiện tượng kỳ lạ này được kiểm chứng bởi nhiều nhà khoa học và phóng viên báo The Sun. Đôi mắt của cô ví như một máy X- Quang tự nhiên. Với cô gái này, cơ thể con người không có gì là bí mật. Thậm chí, nhiều thử nghiệm cho thấy rằng, khả năng nhìn xuyên thấu vật cản của cô gái này hết sức đáng kinh ngạc. Trong một cuộc thử nghiệm, Natalya đã nhìn thấy nội tạng cơ thể người, mặc cho người đó đứng cách cô một bức tường dày tới 20cm. Hiện nay, Natalya dùng khả năng này để chữa bệnh cứu người. Cho đến nay, ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa có câu trả lời thoả đáng cho trường hợp của Natalya.

 Đỗ Bá Hiệp, người đàn ông có thể nhìn thấu tận lòng đất.

Bí ẩn khả năng thấu thị “siêu phàm”?

Ở Việt Nam, đến nay đã phát hiện một số trường hợp kỳ lạ. Khả năng thị giác của họ thực sự “siêu phàm”. Người đầu tiên phải kể đến là nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp, một "siêu nhân" từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người.

Theo ghi nhận của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, ông Hiệp được ghi nhận là người Việt Nam duy nhất dùng mắt trần để tìm kiếm những gì bị chôn sâu trong lòng đất. Hàng ngày ông vẫn dùng khả năng siêu nhiên này để giúp tìm kiếm hài cốt của người thân bị thất lạc. Khả năng của ông Hiệp khiến nhiều nhà khoa học phải ngạc nhiên, thậm chí "siêu nhân" này còn có khả năng đoán định được hài cốt nào là của thân nhân nào và đến giờ khó để giải thích nguyên nhân tại sao ông có được khả năng kỳ lạ này.

Bởi, vẻ bề ngoài của ông Hiệp là một người bình thường, nhiều người sống gần ông không thấy có điểm gì khác lạ. Trong thời gian dài, ông Hiệp đã dùng khả năng kỳ lạ của mình nhiều nhất vào việc tìm mộ. Trong hồ sơ dày nói về chiến tích của nhà ngoại cảm này, hai sự kiện được nhiều người biết đến nhất đó chính là việc ông tìm mộ cho cha của ông Phan Huy Nho (ngụ ở số nhà 27, phố Đông Du, Sài Gòn). 

Theo tư liệu hiện lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, ông Nho bị thất lạc mộ của cha mình gần 20 năm trời và hiện không biết nằm ở vùng đất nào ở Hà Nội. Ông Hiệp, đã sử dụng khả năng thị giác của mình và giúp ông Nho tìm được mộ của cha mình. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, khi ông Hiệp ở trung tâm thành phố Hà Nội nhưng biết đích xác mộ cha ông Nho tận Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó ông đã dẫn ông Nho đến tận nơi được xác định là mộ của cha ông Nho nằm.

Ẩn số của khoa học

Những gì ông Hiệp mô tả về người đã khuất giống hệt như bức ảnh cụ thân sinh ông Nho hiện để thờ ở Sài Gòn, khiến ông Nho vô cùng kinh ngạc. Câu chuyện về nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp dùng khả năng nhìn thấu vật trong lòng đất để tìm mộ đã trở thành một hiện tượng khoa học kỳ lạ. Một số người phải thừa nhận trong trường hợp của Đỗ Bá Hiệp là "hiện thực đã vượt ra khỏi sự lý giải của khoa học".

Ngoài ông Hiệp, người phụ nữ có tên Hoàng Thị Thiêm (Hoà Bình) cũng sở hữu khả năng thị giác đáng kinh ngạc, thách thức sự giải thích cặn kẽ của khoa học. Nhiều người gọi chị Thiêm là "Người phụ nữ có con mắt thứ 3 - thiên nhãn", bởi chị Thiêm nhắm mắt vẫn trông thấy mọi vật bình thường. Trong nhiều cuộc thử nghiệm trước sự chứng kiến của các nhà khoa học và báo chí, chị Thiêm đã phô diễn khả năng kỳ lạ của mình. Họ đem bịt mắt thường của chị Thiêm lại bằng một vật rất dày, nhưng chị vẫn đọc sách vanh vách như người bình thường. Để cuộc thử nghiệm khách quan, người ta đã cho chị Thiêm đọc những trang báo vừa mới xuất bản, để chắc chắn rằng văn bản đó chị Thiêm chưa từng được đọc.

Hiện tượng của chị Thiêm nhanh chóng vang danh ra khắp thế giới. Nhiều nước và nhiều “nhà đài” đã mời chị Thiêm tham gia nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm định năng lực của chị trong đó có những hãng đài lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Họ làm hẳn một chương trình về chị Thiêm và phát sóng để công chúng được biết về khả năng thấu thị “siêu phàm” của người phụ nữ đặc biệt đến từ Việt Nam.

Có những việc, khoa học cũng chưa giải mã hết, song có quyền đặt câu hỏi: "Giới hạn của năng lực "phi phàm" ở đâu?". Để tránh trường hợp "thần thánh hoá" năng lực này. Và quá trình viết bài này, chúng tôi cũng rất muốn trả lời câu hỏi đó.    

"Thiên nhãn" như trong truyền thuyết liệu có thực!?

Câu chuyện về hai "siêu nhân" Hoàng Thị Thiêm và Đỗ Bá Hiệp đang là hiện tượng thách đố các nhà khoa học lý giải rõ ràng. Khi chưa có một sự giải thích thỏa đáng thì không ít người đã dựa vào khả năng kỳ lạ này gán ghép với năng lực "thiên nhãn" trong truyền thuyết. Vậy sự liên tưởng này liệu có cơ sở?!


Kỳ 2: Những giới hạn "thiên nhãn" của  các "siêu nhân" phàm trần

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Người Đưa Tin