Con rùa trong tâm thức lịch sử của người Việt
Hình tượng con rùa đã xuất hiện trong văn hóa của người Việt từ bao giờ?Theo huyền sử được lưu truyền về thời kỳ các vua Hùng, hơn 4.000 năm trước, Hùng Quốc Vương đã tặng Vua Nghiêu Rùa Thần, trên lưng có khắc chữ “Khoa Đẩu” (tức chữ Việt cổ), chép việc từ khai thiên lập địa trở đi, để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước. Sự kiện này được nhiều sử cổ trong và ngoài nước đều ghi lại, như sách "Thông giám cương mục” của Chu Hy, “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận và “Thông chí” của Trịnh Tiểu đời Tống bên Trung Hoa, sách "Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh thời Trần ở Việt Nam…
Đến thời kỳ An Dương Vương trị vì đất nước, hình tượng rùa lại xuất hiện trong truyền thuyết nỏ thần của vua An Dương Vương được làm bằng móng thần Kim Quy. Thần Kim Quy đã dạy vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, giúp nhà vua lãnh đạo nhân dân ta chống quân xâm lược, để rồi sau này được ghi nhớ trong câu ca:
“Ai về thăm huyện Đông Ngàn
Ghé thăm thành Ốc, Rùa Vàng Tiên xây”
Có thể nói rằng, trong giai đoạn lịch sử sơ khai của dân tộc Việt, hình tượng rùa đã gắn với vận mệnh của đất nước, giúp giữ vững nền độc lập, đem lại cuộc sống an bình cho nhân dân.
Về sau, rùa trở thành một con vật được linh hóa và đưa vào Tứ linh – hệ thống thờ phụng 4 loài linh vật cao quý nhất, gồm Long (rồng), Li (lân hay kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (chim phượng). Trong bộ tứ này, con rùa là biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Bởi vậy, Rùa thường được tạc trong hình thức đội bia đá, tháp Phật. Ngoài ra, Rùa cũng được trang trí trên các đồ vật, tượng trưng cho sự trường thọ của chủ nhân sử dụng.
|
Tượng rùa trên ấn "Quốc mẫu chi bảo" làm bằng bạc và vàng, thời Nguyễn.
|
Sau khi Lê Lợi đánh đổ ách đô hộ của nhà Minh, một lần nữa hình tượng rùa trở về với vai trò của một vị thần bảo hộ đất nước, thể hiện qua truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Thần Kim Quy. Hồ Hoàn Kiếm – địa điểm nhuốm màu huyền tích trong truyền thuyết này đã trở thành trái tim của kinh thành Thăng Long suốt nhiều thế kỷ, được tiếp nối bởi Thủ đô Hà Nội hiện đại của thế kỷ 21.
Và nhiều người dân Việt tin rằng, cụ Rùa hồ Gươm chính là hậu duệ của Thần Kim Quy huyền thoại.
Rùa hồ Gươm – hình tượng sống của một tâm thức lịch sử
Sự ra đi của c
ụ Rùa hồ Gươm được thông báo ngày 19/1 vừa qua đã gây nên một niềm tiếc thương lớn đối với người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung.
|
Cụ Rùa hồ Gươm trong một lần nổi.
|
Từ lâu nay, rùa hồ Gươm đã trở thành một sinh vật đặc biệt của Hà Nội, được hàng triệu người dành cho một tình cảm đặc biệt. Đó không phải một thứ tình cảm thông thường mà là niềm tôn kính có cội rễ sâu xa trong tâm thức người Việt.
Trao đổi với người viết bài vào năm 2011, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, nguyên chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thực chất rùa hồ Gươm chỉ là sinh vật bình thường. Nhưng trong không gian và thời gian đầy sử tích của hồ Gươm, rùa không còn là con vật bình thường mà đã được nhân hóa thành cụ Rùa. Được truyền thuyết hóa, cụ Rùa đã trở thành vật thần - còn được gọi là totem, biểu trưng linh thiêng, bất khả xâm phạm của cả cộng đồng. Đây chính là một hình thức của “totem”, tín ngưỡng thờ vật tổ không phải con người được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
“Sự quan tâm của cộng đồng chỉ có thể tiệm cận vấn đề dưới góc tộ tín ngưỡng chứ không thể lý giải bằng sự lạnh lùng của khoa học”, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan nhận định.
Còn theo tiến sĩ Hà Đình Đức, sự trùng hợp lạ lùng giữa truyền thuyết và hiện thực đã khiến cụ Rùa Hồ Gươm trở thành một huyền thoại sống giữa lòng Thủ đô.
"Người ta liên hệ ngay đến truyền thuyết, đặt ra câu hỏi phải chăng các cụ Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm chính là hậu duệ của thần Kim Quy? Trong cái huyền ảo của lịch sử ấy, cụ Rùa Hồ Gươm đã trở thành một linh vật, biểu trưng của Thủ đô Hà Nội. Đến nay, người đời vẫn tin tưởng rằng đâu đó thăm thẳm trong lòng hồ vẫn còn thanh Bảo Kiếm của tổ tiên mà Thần Kim Quy trông giữ”, tiến sĩ Hà Đình Đức thổ lộ.
Có thể nói, cụ Rùa Hồ Gươm chính là hình tượng sống của một tâm thức lịch sử có từ xa xưa của dân tộc Việt.
Quốc Lê