Giải mật cuộc săn tìm “vũ khí thần kỳ” của Hitler

Google News

(Kiến Thức) - Dù vũ khí tối tân thời Thế chiến II không cứu Đức khỏi thất bại, nhưng khiến Mỹ, Liên Xô, Anh ở vào thế tương tranh để đoạt bí mật công nghệ.

Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler
Vào thập niên 1940, nước Đức có một nền khoa học có thể nói là đã đi trước toàn nhân loại. Chỉ riêng trong các ngành chế tạo vũ khí, họ đã đi trước các cường quốc khác rất xa. Trong khi quân đội các nước vẫn còn tác chiến với các loại vũ khí thông thường thì cuối Thế chiến II, quân đội Đức đã đưa vào sử dụng tên lửa xuyên lục địa, tên lửa phòng không điều khiển, bom bay…
Mặc dù các loại vũ khí này không cứu Đức khỏi thất bại song nó đã khiến các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Anh ở vào thế tương tranh để đoạt được những bí mật công nghệ. Theo James Mc Govern trong cuốn Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler, sau các vụ quân Đức phóng tên lửa sang London, Mỹ, Liên Xô, Anh đã bắt đầu quan tâm đến việc tìm hiểu những vũ khí thần kỳ của Đức. Cho đến khi chiến cuộc gần kết thúc thì chẳng những các nước này đã biết đích xác nơi sản xuất của các loại vũ khí tối tân đó mà còn có danh sách chi tiết từng nhà khoa học, kỹ thuật viên tham gia. Vấn đề bây giờ là nước nào sẽ chiếm được kho tàng đó của Hitler.
 Tên lửa V-2 trong một lần phóng. Ảnh: Internet.
Trong lãnh thổ Đức, các kỹ thuật gia hàng đầu về hỏa tiễn đều tập trung ở vùng bán đảo Peenemunde. Chính đây là nơi đã thử nghiệm rồi sản xuất ra tên lửa xuyên lục địa V-2 cùng các loại tên lửa hiện đại khác. Giữa tháng 2/1945, không muốn các vũ khí này lọt vào tay Hồng quân, quân phát xít đã cho di chuyển toàn bộ nhân viên cùng trang thiết bị từ Peenemunde về Nordhausen. 18 ngày sau, Hồng quân vào được trung tâm Peenemunde trong tình trạng “vườn không nhà trống”.
Nhưng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", không lâu sau, Nordhausen bị quân Mỹ tràn ngập. Người Mỹ không mất nhiều thì giờ để khám phá ra 2 đường hầm song song nhau dài gần 2 km ăn sâu vào trong lòng núi đá. Ở đây, các bộ phận của tên lửa V-1, V-2 được chất thành những lớp lang đều đặn . Ngay lập tức, chúng được thu xếp đưa về Mỹ.
Trong cuộc đua tìm kiếm các vũ khí “bảo bối” của Hitler, rõ ràng Mỹ đã thắng Anh và Nga một hiệp. Nhưng người Nga may mắn hơn người Anh vì theo thỏa thuận từ hội nghị Yalta, vùng Nordhausen mà Mỹ chiếm được lại thuộc phạm vi chiếm đóng của Hồng quân. Bởi thế, người Mỹ phải sớm bàn giao lại cho Liên Xô. Mặc dù Mỹ đã tháo dỡ hầu hết kho tàng của Đức trước khi bàn giao nhưng ở đây vẫn còn hàng ngàn kỹ thuật viên có thể giúp Liên Xô tìm hiểu về công nghệ hỏa tiễn điều khiển.
Liên Xô đi sau đến trước
Ngày 9/5/1945, nước Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh chấm dứt trên đất Đức. Các nước Đồng Minh theo thỏa thuận chia nhau chiếm đóng các khu vực trên đất nước này. Nước Mỹ đã giành được thắng lợi bước đầu trong cuộc săn tìm vũ khí của Hitler, giờ đây lại tỏ ra nhanh chân hơn Liên Xô và Anh. Họ bắt tay ngay vào một chiến dịch nhằm khai thác nhân lực. Ngày 25/7/1945, đại tá Toftoy – chỉ huy trưởng phân bộ hỏa tiễn của Nha Quân cụ Mỹ được chỉ thị sang châu Âu để tuyển chọn một số khoa học gia Đức trong khuôn khổ một kế hoạch mang tên Overcast.
Bằng nhiều biện pháp, ông này đã ký được hợp đồng với 115 nhà khoa học hàng đầu về hỏa tiễn của Đức. Đến đầu năm 1946 đã có hơn 100 nhà khoa học Đức tới Mỹ. Tiếp sau đó, Chính phủ Mỹ mở rộng kế hoạch, cho phép cả gia đình các chuyên viên cũng được di cư sang Mỹ đồng thời các hợp đồng được kéo dài không giới hạn. Nhờ các chiến lợi phẩm lấy ở Nordhausen và số kỹ thuật gia đưa được về Mỹ, ngay trong năm 1946, Mỹ đã ráp nối lại được các quả tên lửa V-2 để phóng thử nghiệm.
 Vệ tinh Spoutnik II. Ảnh: Internet.
Mặc dù những người có khả năng nhất của trung tâm nghiên cứu hỏa tiễn Peenemunde đã được đưa sang Mỹ nhưng ở lại nước Đức vẫn còn một số kỹ thuật viên tài ba. Họ sống trong vùng do Hồng quân kiểm soát và bằng nhiều biện pháp như người Mỹ, Liên Xô cũng đã thuyết phục được họ cộng tác để khôi phục lại việc nghiên cứu hỏa tiễn. Một trong số họ là kỹ sư Helmet Grottrup.
Nhưng nếu người Mỹ phải qua rất nhiều tranh cãi giữa nhiều ngành nhiều giới mới đi đến kế hoạch overcast thì Liên Xô thực hiện kế hoạch của họ rất đơn giản. Ngày 22/10/1946, Helmet Grottrep và các phụ tá phải họp suốt 1 ngày với tướng Gaidoukov. Trong khi đó, lính Liên Xô đến nhà từng người, mang theo những bao tải và thùng gỗ để dọn sạch sẽ nhà họ và đưa hết ra ga.
Thì ra trong gần 1 năm, mật vụ Liên Xô đã âm thầm lập danh sách những người Đức ở khu vực chiếm đóng của họ. Chỉ trong 1 đêm, họ đã tập trung gần 5.000 chuyên viên Đức đang ở rải rác khắp miền đông Đức lại một chỗ. Cộng thêm gia đình của họ, số người lên tới 20.000 có lẻ. Tất cả được dồn lên những toa xe lửa dài đưa thẳng về Liên Xô rất gọn gàng, nhanh chóng.
Các chuyên viên của Đức được bố trí làm việc ở nhiều nơi khác nhau để khởi động lại các chương trình tên lửa đang tiến hành dở dang dưới thời Đức quốc xã. Liên Xô không bắt giữ họ mà chỉ muốn học hỏi kỹ nghệ của họ. Năm 1950, gia đình Grottrup đã được trở về quê hương. Các kỹ sư, chuyên viên khác cũng lần lượt được trở về trong năm sau.
Chú chó Laika trong vệ tinh Spoutnik II. Ảnh: Internet.
Công nghệ hỏa tiễn của Đức chẳng những giúp cho các nước có được nó phát triển được vũ khí tầm xa mà quan trọng hơn còn là tiền đề quan trọng để con người chinh phục không gian. Với máy bay, con người vẫn chưa thể thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất nên chỉ mới chinh phục được bầu trời. Với tên lửa, khả năng bay vào không gian để chinh phục vũ trụ đã mở ra.
Thật vậy, cuối thập niên 1950, lần đầu tiên con người đã đưa được một vệ tinh lên quỹ đạo. Đó là sự kiện vệ tinh Spoutnik I được Liên Xô phóng lên quỹ đạo ở độ cao 900 km ngày 4/10/1957. Ngày 3/11, Liên Xô phóng tiếp vệ tinh Spoutnik II mang theo chú chó Laika bay vòng quanh trái đất. Trong khi đó, các chương trình nghiên cứu tên lửa của Mỹ vẫn còn dở dang và thường xuyên bị đình hoãn vì những lý do quan liêu. Họ đã bị Liên Xô vượt mặt trong cuộc đua vào không gian.
Nhiều người Mỹ cho là họ đã không tập hợp được đông đủ những nhà khoa học Đức cần thiết. Nhưng Khrushchev đọc diễn văn ở Minsk nói rằng: các nhà khoa học Đức không có liên hệ gì với Spoutnik cả. Tổng bí thư Liên Xô đã nói thật và sự thật là Liên Xô cho các nhà khoa học Đức làm việc với các nhà khoa học của mình. Đến khi đã “tận dụng” được hết thì các nhà khoa học Đức dần dần bị gạt ra, chỉ còn các nhà khoa học Liên Xô tiếp tục nghiên cứu phát triển. Đó là lý do vì sao Liên Xô đi sau nhưng tiến vào không gian trước Mỹ.
Vũ Tiến Đức