Giải mật điệp viên người Việt trong quân đội Tưởng Giới Thạch

Google News

(Kiến Thức) - Ông Hồ Học Lãm có được toàn bộ bản kế hoạch tấn công khu Xô Viết của quân đội Tưởng và chuyển cho Hồng quân TQ.

Chỉ thị của đồng chí Lý Thụy
Khoảng năm 1928, lo sợ về sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu quân đội Quốc dân đảng lập kế hoạch tấn công tổng lực vào các khu căn cứ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lúc bấy giờ trong Bộ Tổng Tham mưu của quân đội Tưởng có Trung tá Hồ Học Lãm là một người Việt Nam. Ông Hồ Học Lãm vốn là thanh niên Việt Nam yêu nước đã rời quê hương đi tìm đường cứu nước từ phong trào Đông Du. Ban đầu ông vượt biên sang Trung Quốc theo cụ Phan Bội Châu rồi từ Trung Quốc sang Nhật. Ở Nhật ông được gửi vào học trường quân sự ở Tokyo. Chính trong trường này mà ông quen biết Tưởng Giới Thạch.
 Gia đình ông Hồ Học Lãm và những người bạn tại Vu Hồ, Trung Quốc năm 1937.
Do Nhật - Pháp bắt tay nhau, nhóm thanh niên Đông Du bị Nhật trục xuất. Ông Hồ Học Lãm cùng cụ Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc và nhờ Tưởng Giới Thạch giới thiệu ông được vào học tiếp trong trường võ bị Bảo Định.
Khi Cách mạng Tân Hợi rồi sau đó chiến tranh Bắc phạt nổ ra, Tưởng Giới Thạch lúc này đã về nước và rủ Hồ Học Lãm về chiến đấu cùng ông ta. Trong một trận chiến, Tưởng Giới Thạch bị vây nhưng Hồ Học Lãm đã kịp thời mang quân đến cứu. Do vậy, Tưởng Giới Thạch rất tin tưởng và khi ông ta nắm trọn quyền lớn đã gọi Hồ Học Lãm về Bộ Tổng tham mưu làm việc.
Trong hồi ký “Hồi tưởng về cha tôi – Hồ Học Lãm” của bà Hồ Mộ La – con gái ông Hồ Học Lãm viết: “Khoảng đầu năm 1928, cha tôi nhận được lệnh điều động về công tác tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Lúc này Tưởng tự phong mình là Tổng tài, Ủy viên trưởng, vừa nắm quyền quân sự, vừa nắm quyền chính trị. Ông Hồ Học Lãm về công tác trong Cục bản đồ của Bộ Tổng tham mưu tại Nam Kinh”.
Mặc dù công tác trong quân đội Tưởng, ông Hồ Học Lãm lúc nào cũng hướng về Việt Nam với khát vọng cách mạng cứu dân cứu nước lúc nào cũng cháy bỏng. Chính vì lòng yêu nước sâu sắc, ông đã chăm chỉ làm việc cho Tưởng để có lương mà cưu mang các thanh niên Việt Nam yêu nước hoạt động tại Trung Quốc. Nhà ông trở thành nơi ở và nơi đi về của các nhà cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên…
Có lúc ông đã tâm sự với những nhà cách mạng đó: Thân tôi tại Trung Quốc nhưng tim lúc nào cũng hướng về Việt Nam. Nguyên văn câu ông nói là “Thân tại Tàu doanh tâm tại Việt”.
Vào lúc đó, Bác Hồ với bí danh Lý Thụy cũng đang hoạt động trên một khu vực rộng lớn từ Nam Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Lào và giữ liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhận thấy những hành động của Quốc dân đảng, Bác Hồ đã chỉ thị cho ông Lê Thiết Hùng, lúc đó mang tên Lê Tân Dân và đang sống trong nhà ông Hồ Học Lãm tìm cách lấy tin của quân đội Tưởng để báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo hồi ký "Tôi làm người học trò nhỏ của Bác Hồ", ông Lê Thiết Hùng viết: "Tôi quyết định trao đổi với ông Hồ Học Lãm làm thế nào lấy được những kế hoạch tiến công vào các khu Xô viết của Quốc dân đảng, để giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiệm vụ đồng chí Lý Thụy giao cho tôi vẫn canh cánh bên lòng. Vì thế, một hôm đã khuya, lúc chỉ còn lại hai bác cháu, tôi tự thấy mạnh dạn, nêu ý kiến với ông. Ông nói, giọng trầm, đĩnh đạc: Thể xác hình hài của tôi lúc này là Hồ Học Lãm làm tại Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng, còn linh hồn và trái tim tôi thì luôn luôn thuộc về cách mạng. Việc lấy các kế hoạch này, khó khăn lắm đấy, lộ ra thì mất đầu như chơi. Nhưng đã quyết tâm thì làm, nhất định được".
Điệp viên giữa Bộ Tổng tham mưu của Tưởng Giới Thạch
Bộ Tổng tham mưu Quốc dân đảng tổ chức theo khuôn mẫu của quân đội Đức do các cố vấn Đức trực tiếp chỉ đạo với kỷ luật rất nghiêm ngặt. Sau giờ làm việc, mọi hồ sơ tài liệu đều được niêm phong gửi vào tủ sắt bảo mật. Cán bộ tuyệt đối không được đem theo một mẩu giấy nào về nhà. Người nào biết việc nấy, tuyệt đối không được nói nội dung công tác của mình đang làm cho người khác biết.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện được công việc của đồng chí Lý Thụy giao, ông Hồ Học Lãm đã phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ nhiều cách. Sau rất nhiều khó khăn và tốn kém, ông cũng moi được những tin tức liên quan từ các sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu. Cũng có khi ông phải trực tiếp xuống các Sư đoàn để nghiên cứu, xác định lại.
Trong mọi tình huống, ông không thể ghi chép mà chỉ nhớ nhập tâm những phần việc mình được giao và những phần việc của nhiều sĩ quan khác rồi về nhà đọc lại từng câu từng chữ cho Lê Tân Dân ghi lại. Sau đó hai người lại trao đổi để gạn lọc lấy những tin tức chính xác. Các tin tức tình báo chuyển cho Hồng quân Trung Quốc đã được thực hiện theo cách đó.
Hồi ký của Lê Thiết Hùng viết: “Từ mùa hè đến mùa thu năm 1930, Bộ chỉ huy tối cao Hồng quân vẫn thường nhận được những báo cáo mật từ cơ sở chuyển về: địch ra lệnh cấm chuyên chở thóc gạo xuôi theo sông Như Thủy và Cống Giang… Bọn thám báo đã đột nhập, liên lạc được với bọn A, B (chống cộng) ở Đông Côn, Phủ Diên, Hậu Bị, Đông Thiên…
Nhiều sĩ quan quê ở Phúc Kiến, Giang Tây đã được điều động về Bộ Tổng tham mưu… Các sư đoàn của tướng Lưu Hòa Dĩnh, Trương Huy Tân, Đàm Đào Nguyên được bổ sung trang bị, quân số, chuyển dịch về phía Giang Tây… Tất cả đều do ông Hồ Học Lãm và tôi chong đèn gần thâu đêm để làm ra những dòng tin ấy.
Bản đồ quân sự lúc này cũng hiếm, lại không được đem về nhà nên ông phải phỏng theo những bản đồ đường sá, hành chính, vẽ lại cho cụ thể. Đến lượt tôi chuyển giao cho cơ sở của Đảng bạn, cũng phải nhập tâm thuộc lòng như người chủ sự, hướng dẫn lại bằng miệng cho cơ sở nhận, nắm thật vững nội dung. Còn giấy tờ thì chỉ ghi rất vắn tắt, gạch đầu dòng từng đề mục. Cuối cùng toàn bộ bản kế hoạch tấn công khu Xô Viết trung ương của Đảng Cộng sản do Tưởng Giới Thạch phê chuẩn đã được ông Hồ Học Lãm và tôi lấy được, gửi tới tay Đảng bạn. Phạm vi của cuộc tiến công là vùng tứ giác La Lâm, Nghi Hoàng, Lê Xuyên, Thụy Kim, tọa độ X, Y… Binh lực tham gia từ 10 đến 15 sư đoàn, ước khoảng 30 vạn quân, chia làm nhiều đợt. Thời gian có thể bắt đầu từ những tháng đầu năm 1931”.
Khánh Nam

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Nhạn -

Đọc xong thấy mấy chú này giỏi và tài ghê.

Mỹ Trân -

Cảm kích
Thật cảm kích về tấm lòng dũng cảm của những người làm điệp viên ngày xưa

quỳnh vân -

:)
Hihi...lâu lâu đọc lại lịch sử thấy nhiều cái hay thật

Văn Hải -

Thương xót
Nghe mà thấy thương xót cho số phận của những người làm điệp viên của ngày xưa.

Hiển thị thêm bình luận