Giai thoại huyền bí về mộ gió ở đảo Lý Sơn

Google News

(Kiến Thức) - Hình nhân thế mạng dùng để chiêu hồn lính Hoàng Sa được làm bằng thứ đất sét đặc biệt: dẻo quánh, nóng, khô cằn đến nỗi không cây cỏ nào mọc nổi. 

Hơn 300 năm đã qua, biết bao người con Lý Sơn đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Hoàng Sa thiêng liêng và để lại nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người…

Khi chết, binh phu được bó xác thả trôi biển…

Chắc hẳn mỗi chúng ta khi về với quê hương Hải đội Hoàng Sa sẽ không còn lạ với những câu ca lưu truyền: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có nhưng không thấy về” và sẽ càng thấy yêu hơn, tự hào về hòn đảo thiêng của Việt Nam thấm đẫm biết bao xương máu của lớp tiền nhân bao đời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là những ngôi mộ gió chiêu hồn quanh đảo.

 Mỗi lần xuất binh, 70 dân binh Lý Sơn đi trên 5 chiếc thuyền câu.

Theo những ghi chép trong các thư tịch cổ Việt Nam và các dòng họ sinh sống lâu đời trên đảo Lý Sơn, hằng năm, vua chúa nhà Nguyễn đều tuyển chọn 70 dân đinh, khỏe mạnh, cường tráng, giỏi tài thao lược khi đi biển để thành lập một đội quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa, làm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 Chỉ dụ của nhà Nguyễn về việc thành lập đội hùng binh Hoàng Sa nằm rải rác trong các 13 dòng tộc khai phá ra vùng đất Lý Sơn. 

Hành trang họ mang theo trên 5 chiếc ghe câu ra biển là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợ mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu để vâng lệnh vua giong thuyền, cưỡi sóng biển muôn trùng ra cắm mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng chừng ấy năm, biết bao người con Lý Sơn đã ra đi không hẹn ngày về. Họ vĩnh viễn nằm lại với biển trời Hoàng Sa thân yêu. Bù lại đó, triều đình sẽ ưu ái cho những gia đình binh phu đi lính Hoàng Sa được miễn thuế hàng năm, được trợ cấp lương thực như gạo, muối, nước uống..., kèm theo đó còn được làng cấp cho quỹ đất trồng hành tỏi.

Theo ông Nguyễn Cậu, trưởng làng An Vĩnh cho biết, hành trang của người lính Hải đội Hoàng Sa năm xưa tuy giản đơn nhưng lại nặng tình với quê hương và thể hiện ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Họ biết, khi được tuyển chọn làm lính đi Hoàng Sa thì một đi không hẹn ngày về. Bởi vậy, hành trang của họ nhằm đề phòng khi trên đường giong thuyền ra Hoàng Sa nếu lỡ có người nào không may mất sẽ dùng để bó xác thả xuống biển và nhờ sóng biển đưa trôi dạt về lại đất mẹ Lý Sơn chôn cất và thờ cúng họ.

 Ông Nguyễn Cậu, trưởng làng An Vĩnh đang kể chuyện về những hùng binh năm xưa.

Ông Nguyễn Cậu cho biết thêm, lúc còn bé, ông được nghe ông bà kể lại, mỗi năm người dân Lý Sơn đi lính nhiều nhưng số người trở về không bao nhiêu, có khi không có. Nhưng bù lại, trước khi đi, họ được gia đình khao bữa ăn no nê như bánh ú, bánh ít gói bằng lá bàng vuông, cơm đùm cơm nắm gói lá chuối, bẹ cau khô và những sản vật chỉ có ở đất liền. Thời hạn đi lính Hoàng Sa thông thường chỉ cầm cự được 6 tháng vì lương thực triều đình cấp cho chỉ đủ ăn cho 6 tháng.

Khắc khoải, day dứt về những nấm mồ chiêu hồn…

Ngày nay, khi về lại với Lý Sơn, chúng ta không thể nào cầm được nước mắt khi lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về hùng binh Hoàng Sa bên những ngôi mộ gió đứng sừng sững, hiên ngang giữa lòng đất mẹ. Đó chỉ là những ụ cát nhỏ có hình thang cân, thấp lè tè nằm rải rác, có phần khiêm nhường ẩn mình trong những mẫu ruộng trồng hành tỏi bạt ngàn. Phía đầu, bao giờ cũng hướng mặt vào đất liền và đa số được đánh dấu bằng một hòn đá đen nhỏ thay cho văn bia. Cũng tùy vào độ tuổi, địa vị và thâm niên trong nghề đi biển mà mộ gió Âm Binh Hoàng Sa có kích thước, độ to nhỏ khác nhau. Người dân nơi đây gọi đó là những ngôi mộ gió chiêu hồn. Và với người dân trên đảo, hình bóng của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa tuy thân xác mãi mãi nằm lại với biển cả nhưng linh hồn vẫn trở về với đất mẹ Lý Sơn hiền hậu.

 Những ngôi mộ gió chiêu hồn âm linh người lính Hoàng sa năm xưa.

Chuyện về quá trình lập nên những mộ gió âm binh này cũng khá kì bí. Theo quan niệm của người dân xứ đảo, những người lính Hoàng Sa chết ngoài biển mà không tìm thấy xác thì “hồn bay phách lạc” nên linh hồn cứ mãi lẩn quẩn ngoài biển, không được trở về với đoàn tụ với gia đình, tổ tiên. Thấy vậy, người dân thiết nghĩ cần phải lập đàn cúng bái rước hồn về. Ban đầu, người dân trên đảo thống kê danh sách những người đi lính Hoàng Sa không về và lập nên những hình nhân (hình nộm) cúng bái, kèm theo đó là làm những nấm mộ gió để đưa linh hồn người chết về yên nghỉ. Rồi kể từ đó, 13 dòng tộc trên đảo có người đi lính Hoàng Sa tiến hành lập danh sách và mời thầy “phù thủy” về cúng bái chiêu hồn và lập nên những ngôi mộ gió cho người thân như để làm tròn phận sự của người còn sống với người đã mất. 

Để hoàn thành một ngôi mộ chiêu hồn lính Hoàng Sa, an ủi sinh linh những người lính đã khuất phải trải qua nhiều công đoạn. Những hình nhân thế mạng được thầy “phù thủy” làm bằng đất sét đặc biệt tại vùng Giếng Tiền trên đảo. Đó là loại đất sét đặc dẻo quánh và nóng, khô cằn đến nỗi không có bất cứ loài thực vật nào mọc nổi được. Đất đem về trộn với bông gòn rồi giã cho đến khi đặc quánh mới thôi. Mỗi người hình nhân được làm theo tỷ lệ ứng với các con số như 1, 5, 7, giống như số lượng hành trang mà người lính mang theo khi xuất binh. Ví dụ như thân hình nhân được làm thành từ 7 nẹp từ thân cây dâu. Người dân Lý Sơn quan niệm rằng, con tằm nhờ ăn lá dâu nhả tơ rồi đổi mà hồi sinh, đổi kiếp. Vì vậy, xương cốt hình nhân được làm bằng thân dâu cũng mang khát vọng về sự chuyển kiếp của con người, những người lính Hoàng Sa. Thành ra, khi nói những ngôi mộ gió Lý Sơn thì người ta lại nghĩ đến những nấm mồ không hài cốt. 

 Di tích Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Khoa, một người dân Lý Sơn, luôn tự hào khi nói đến sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân xứ đảo: “Có thể qua thời gian, những ngôi mộ gió bằng cát này có thể vùi lấp nhưng những ngôi mộ gió mãi mãi trường tồn trong tâm trí và trái tim mỗi một con người Lý Sơn.”

Rời Lý Sơn, chúng tôi vẫn cứ mãi bị ám ảnh bởi những câu ca: “Đại Dương kia xa nghìn trùng/ Bão táp đưa người đi, không bao giờ trở lại/ Sóng kêu gào khóc thương vì nỗi xót xa/ Biển hoang sóng vỗ sao lạnh lùng quá!/ Chỉ còn đó những ngôi mộ gió không người/ Nỗi xót xa cho người đã khuất…”. Hơn nữa là bị day dứt, khắc khoải về những linh hồn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải xấu số không được may mắn trở về với đất mẹ Lý Sơn và càng thấy tự hào hơn về khí phách, ý chí “vươn biển khơi, xây khát vọng lớn”, biến mỗi con tàu thành “cột mốc” trên biển khẳng định chủ quyền dân tộc…

Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chúa… là những trang sử cổ nước nhà có ghi chép về hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Hà Kiều