Ngày 25/5/2004, nhục thân thiền sư Như Trí được nhóm tu bổ “bế” lên Khoa X quang Bệnh viện Bắc Ninh để chụp. Những tấm phim cho thấy sau lớp bồi thứ nhất, người ta đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng với chiều dài 65cm, rộng 15cm và một tấm đồng trên ngực rộng 22cm. Phía ngoài hai tấm đồng là lớp bồi dày trên dưới 1cm. Trên đầu và bắp tay của nhục thân cũng được cuốn những lá đồng có các kích thước khác nhau. Vòng quanh đầu trên là ba lá đồng có chiều rộng khác nhau. Thêm một số lá đồng được quấn quanh cổ và hai lá đồng chạy vòng từ nách vắt qua vai, từ trước ra sau...
|
PGS Nguyễn Lân Cường đang phục chế nhục thân một thiền sư. |
PGS Lân Cường cho biết, đây là hiện tượng được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Những tấm đồng được phát hiện có khả năng là giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng. Những lá đồng cuốn trên đầu cũng có khả năng để bảo vệ hộp sọ. Lớp bồi bên ngoài nhục thân thiền sư Như Trí dày 0,66cm gồm hai lớp: Lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu đen. Cả hai lớp thành phần đều gồm vải, sơn ta và mạt cưa... Nhục thân này không hề được dát vàng hay bạc như nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh. “Riêng với tôi đây là nỗi vui mừng khôn xiết vì chắc chắn rằng ở đâu đó trong những ngôi tháp cổ đang bị xuống cấp, những vị thiền sư đang “chờ” chúng tôi”- Mặt PGS Lân Cường rạng ngời khi nói về điều này.
Phải chăng là thiền sư Chuyết Chuyết?
Tháng 4/1991, nhận được thông tin kẻ gian đã cạy tháp Báo Nghiêm ở chùa Phật Tích hòng tìm kiếm vàng bạc châu báu, vô tình làm lộ ra những mảnh bồi và di cốt người. PGS Lân Cường đã lên chùa ngay. Ngồi đếm phần xương vụn, PGS. TS. Nguyễn Lân Cường nhẩm tính có tới 209 mảnh bồi và 133 xương và mảnh xương của đùi, chày, cánh tay, hàm dưới, bàn chân, đốt sống, xương chậu phải, xương sườn, xương trán, hốc mắt, xương mũi... Đặc biệt, tìm thấy những đoạn dây đồng nối di cốt và chất bồi.
|
Những mảnh xương vỡ của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết. |
Với kinh nghiệm lâu năm, PGS Lân Cường phân tích góc xương mu, xương cùng, xương chũm, răng, chiều dài xương đùi... cho thấy đây là di hài của một người đàn ông chừng 65- 70 tuổi, cao 1m59. Nhưng chiếc răng hàm dưới số hai còn lại duy nhất, mặt nhai ít mòn, không phù hợp với độ tuổi đã được xác định. Theo giả thuyết, phải chăng vì là di hài của một nhà sư nên thức ăn quanh năm chỉ là bát canh rau, miếng đậu phụ, quả cà nên độ mòn răng không lớn? Như vậy, theo PGS Lân Cường, chắc chắn người ta đã dựng khung xương trước nhờ những đoạn dây đồng và bồi ra bên ngoài để tạo nhục thân. Chất bồi cũng là sơn ta, vải màn, mạt cưa, đất... giống như chất bồi của nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh và Như Trí.
Chiếc vại đựng nhục thân có nét vẽ rồng bằng phẩm màu rất sơ sài. Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng và PGS Lân Cường cho rằng đây là chiếc vại có niên đại chỉ cách ngày nay vài chục năm, không thể so sánh với niên đại của tháp. Vậy đây có đúng là nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết như giả thuyết đưa ra không? Tại sao nhục thân có xương cốt này lại bị dập vỡ và để trong vại đặt trong tháp Báo Nghiêm của chùa Phật Tích?
Nhân chứng duy nhất
Phục nguyên nhục thân xong, PGS Lân Cường vẫn còn quá nhiều băn khoăn: Liệu đây có phải là thiền sư Chuyết Chuyết không? Ban di tích của chùa cho biết, vị sư trụ trì ở chùa Phật Tích trong thời gian trước chiến tranh là Đại đức Hồng Đức, người gốc Hải Dương đã mất từ năm 1980. Theo PGS. Lân Cường, ở Phật Tích hồi đó không thể chỉ có một vị sư, nên PGS Lân Cường dò tìm mãi cuối cùng mới tìm được cụ Nguyễn Chí Triệu - từng là sư bác của chùa vào những năm trước khi chùa bị đốt cháy.
|
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh. |
Sư bác Nguyễn Chí Triệu ở thôn Mao Rộc, cách chùa Phật Tích 15km. Cụ Triệu kể, trước khi rời chùa Phật Tích vào năm 1946 nhục thân này được đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Khám có chạm rồng cuộn ở bốn cột lên tận nóc, có hoa văn trang trí cầu kỳ và rất đẹp ở bên ngoài. Phía trong là hai cánh cửa nhỏ, mở ra thấy nhục thân thiền sư ngồi chân xếp bằng tròn theo thế ngồi thiền, hai tay đặt trước bụng, lòng bàn tay ngửa... Ngày nào, sư bác Triệu cũng mở hai cánh cửa khám để lau chùi nhục thân của sư Tổ.
Vấn đề là phải làm thế nào để tìm ra cái khám rồng này thì mới đủ bằng chứng đây chính là thiền sư Chuyết Chuyết. Trở về Hà Nội, PGS Lân Cường đến thư viện Viện KHXH tìm trong kho ảnh chụp của chùa Phật Tích, nhưng không tìm thấy ảnh chiếc khám rồng nào như vậy. Nhưng thật may mắn, khi tìm đến tư liệu chùa Bút Tháp, lại thấy có cái khám rồng y như sư bác Triệu kể. Khi nhìn thấy ảnh chiếc khám rồng, sư bác Triệu gật gù: chính xác!
Theo PGS Lân Cường, có thể suy ra rằng: Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thấy chùa bị địch pháo kích, sau đó lại bị đốt cháy nên vị trụ trì của chùa đã đập vỡ nhục thân thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào vại sành rồi giấu vào tháp Báo Nghiêm. Đây chính là nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Sự thật đã được chứng minh sau bao giả thuyết nghi ngờ!