Ông Nguyễn Ngọc Tự, chủ đền Thó (thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Đền Thó có từ 500 - 700 năm nay. Tôi là đời thứ 17 của dòng họ cai quản ngôi đền này. Lạ kỳ thay, những chủ đền của dòng họ chỉ thọ đến 61 tuổi là cao nhất.
Bắc Kỳ Thánh tổ
Ông Tự cho hay, theo các cụ kể lại, đền Thó có từ thời nhà Trần, sau này thời vua Lê, chúa Trịnh mới tu bổ lại. Xưa kia, đây là một trong những ngôi đền lớn nhất vùng. Ban đầu đây chỉ là ngôi đền nhỏ thờ đức thánh Trần Hiển Thánh có từ thời Trần. Sau này, Tự Pháp Nên - cụ tổ dòng họ Nguyễn Ngọc - Trưởng môn phái Nội Đạo Tràng đã xây dựng lại ngôi đền và tu luyện môn phái này ở đây. Vua Lê từng về đây ban cho cụ nhiều sắc phong và phong danh là Bắc Kỳ Thánh tổ bộ môn Nội Đạo Tràng. Về sau, ông tổ bộ môn này mất đi cũng được mọi người thờ cúng ở ngôi đền này.
Từ xưa, ngôi đền là nơi chữa bệnh cho người dân trong vùng. Theo sử sách ghi lại, trước khi xây dựng ngôi đền này ông tổ dòng họ Nguyễn Ngọc đã phải nhờ đến những thầy phong thủy cao tay nhất trong vùng để xem thế đất.
"Đất xây dựng đền rộng vài mẫu, phía trước là chiếc ao rộng mấy sào ruộng, xung quanh là ruộng lúa. Đây là thế đất mang hình dáng đầu rồng, rất linh thiêng. Các bô lão bảo, ngày đó trẻ con dù nghịch ngợm đến mấy, nhưng khi đến ngôi đền chỉ đứng im thit thít, không dám quậy phá đền. Còn khi binh lính quân Pháp đi tuần, người ngựa phi ầm ầm trên đường, từ xa nghe thấy. Nhưng lạ kỳ thay, khi đến khu vực đền thì ngựa phanh gấp, mồm ngửa lên trời hý vang. Lính tráng phải xuống dắt dây cương, ngựa mới có thể đi qua", ông Tự cho biết.
|
Đền Thó giờ bị thu nhỏ rất nhiều so với trước đây. |
Ngôi đền nuôi cán bộ cách mạng
Ông Tự kể, ông và người trong làng được nghe các cụ cao niên kể nhiều câu chuyện lý thú về ngôi đền. Xưa kia, ông tổ dòng họ Nguyễn Ngọc, dùng địa điểm nơi đây là nơi chữa bệnh cho người dân trong vùng. Ông bốc thuốc Nam, Bắc chữa bệnh tiêu chảy, hậu sản dịch bệnh cho dân chúng. Sau này, các con cháu noi gương ông mà làm việc phúc đức cứu dân.
Những năm 1945, nhiều người dòng họ Nguyễn Ngọc bị bắt vì chữa bệnh cho dân thường. Quân lính Pháp còn nghi ngờ nhà đền nuôi cán bộ cách mạng nên bắt bớ lên huyện đánh đập dã man. Sau đó, bọn chúng cho binh lính thồ củi và rơm đến chất xung quanh ngôi đền để đốt. Nhưng lạ lỳ thay, bọn chúng châm lửa, đốt 10 ngày trời mà ngôi đền vẫn không bị cháy. Nhìn thấy tình cảnh đó, chỉ huy quân Pháp hoảng sợ, sai quân lính rút lui gấp.
Ông Tự bảo, phải có một "thế lực" tâm linh nào bảo vệ ngôi đền mới tồn tại đến ngày nay. Bởi những năm kháng chiến chống Mỹ nơi đây là "rốn" bom đạn. Với mục tiêu đánh phá hậu phương của quân và dân ta, bọn chúng thả xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn. Nhiều ngôi làng, đền chùa trong vùng bị bom đạn phá hủy. Nhưng may mắn thay, ngôi đền Thó vẫn sừng sừng đứng hiên ngang trên thế đất đầu rồng. Bom đạn của kẻ thù bắn phá xuống chỉ rơi vào nhà dân hoặc ruộng lúa bên cạnh.
|
Ba chữ thiếp vàng Trần Hiển Thánh được lưu giữ trong đền. |
Đúc chuông quý tạ ơn nhà đền
Theo các cụ trong dòng họ Nguyễn Ngọc kể, trước đây ngôi đền được vua chúa ban nhiều sắc phong. Tuy nhiên, quân Pháp đến tịch thu và mang thiêu hủy. "Trong đền hiện tại còn hai thứ quý giá nhất, chiếc chuông đúc từ thời Bảo Đại và ba chữ Hán cổ Trần Hiển Thánh. Còn nhiều giấy tờ quan trọng khác không còn nữa", ông Tự cho biết.
Theo ông Tự, chiếc chuông cổ của nhà đền xưa kia được đúc bằng đồng đen, mỗi dịp lễ, Tết khi đánh ba tiếng chuông, cả vùng xứ Đông cũng nghe. Nhưng người bảo vệ đền bị kẻ xấu dụ dỗ, bọn chúng cho ông ta uống rượu say rồi trong đêm tối, mang chiếc chuông khỏi đền. Chiếc chuông hiện tại trong đền được đúc từ thời Bảo Đại. Nhiều người được nhà đền chữa khỏi bệnh góp tiền đúc chuông tạ ơn.
"Gần 50 gia đình, khách thập phương đến tạ ơn, họ mang theo đồng, có cả đồng đen vàng bạc. Họ thuê những người thợ đúc đồng giỏi ở làng Đại Bái, Bắc Ninh về nhà đền để đúc chuông. Chuông được đúc trước sân đền trước sự chứng kiến của dân làng. Chiếc chuông này hiện vẫn còn, được dùng trong dịp giỗ các cụ sư tổ trong dòng họ", ông Tự kể.
|
Chiếc chuông đồng được người bệnh cung tiến nhà đền. |
16 đời chủ đền chưa qua tuổi 61
Đền Thó tồn tại đến nay khoảng gần 700 năm. Đến đời ông Tự tiếp quản ngôi vị chủ đền cũng là đời thứ 17, nhưng có một điều huyền bí tất cả các đời trước ông Tự đều chưa vượt qua tuổi 61. Người chủ đền thọ nhất đến nay chỉ ở tuổi 61 là cụ Tự Pháp Nên - ông tổ của dòng họ. Qua tìm hiểu ông Tự biết rằng trong dòng họ ông chủ đền chỉ thọ ở tuổi 41 - 51, chưa ai vượt tuổi cụ tổ ngôi đền. Các cụ đang khoẻ mạnh, làm việc bình thường. Nhưng không hiểu sao, chỉ qua đêm, sáng hôm sau các cụ đã sang thế giới bên kia. Các chủ đền trước đều qua đời rất nhẹ nhàng.
Lý giải điều này, ông Tự bảo, có thể do xưa kia cụ tổ đã để lại lời nguyền không cho chủ đền thế hệ sau bước qua tuổi 61. Thực tế, thì chưa ai có thể bước qua lời nguyền đó. Có một nguyên nhân, ông Tự nhìn thấy rõ ràng là các cụ đều dốc hết sức lực ngày đêm chữa trị cho người bệnh. "Cái căn nguyên dẫn đến tuổi thọ của chủ đền thấp là đã dành tất cả sức lực của mình để hỗ trợ giúp đỡ người bệnh. Như tôi, mỗi ngày ngủ rất ít. Tôi túc trực, giúp đỡ người bệnh cả ngày, đêm đến 2h mới chợp mắt một lúc. 5h sáng dậy để bắt đầu ngày làm việc. Chính vì thế sức khỏe giảm nhiều. Tôi nghĩ rằng mình khó vượt qua số tuổi của cụ tổ", ông Tự tâm sự.
Ngôi đền Thó có từ lâu đời, tính đến nay nó phải tồn tại từ 500 - 700 năm. Gia đình dòng họ Nguyễn Ngọc trong thôn quản lý ngôi đền đó. Nhiều đời của dòng họ Nguyễn Ngọc chữa bệnh miễn phí. Hiện tại, ông Nguyễn Ngọc Tự quản lý ngôi đền. Thời gian vừa qua có nhiều người ở xa đến nhờ ông Tự chữa bệnh tâm thần, nhiều người chữa khỏi đến tạ ơn. Ông Tự chữa bệnh làm phúc chứ không thu tiền.
Ông Thạch Ngọc Hinh (Trưởng thôn Tảo C)
Đại Cát