Huyền bí “thần mộc” ở đền Thái úy

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người cho rằng, đất Lưu Xá thấm nhiều máu oan của Lưu gia nên cây sanh mới tốt tươi và huyền bí như thế.

Cây sanh trăm tỷ trong khuôn viên đền thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm ở làng Lưu Xá, xã Canh Tân (Hưng Hà, Thái Bình) không chỉ là một "thần mộc" cổ - kỳ - mỹ, mà còn là một di sản quý giá.
Người xướng xuất dời đô

Từ cầu Triều Dương bắc ngang con sông Luộc không bao xa là mảnh đất thiêng của Thái Bình: Làng Lưu Xá. Theo ghi chép của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX, nơi đây là vùng đất nằm trong dải đệ lục mạch, là đất phát khoa của nước Nam. Bởi vậy, từ xa xưa nhiều người Tàu đã tìm tới đây để đặt mộ tổ tiên mong được phát đạt.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn cho biết, Lưu Xá là nơi thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) đã về ở khi có loạn Quách Bốc ở Kinh Thành. Những ghi chép lịch sử đều ca ngợi công lao Lý triều đối với hai anh em cùng cha khác mẹ là Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Điều.
Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Phạm Minh Đức, Lưu Đàm - Lưu Điều rất thông minh. Lên 8 tuổi, hai người đến học thầy Hoa Đường ở kinh đô Hoa Lư. Sau vài năm thì tam phần, ngũ điển đều thông hiểu; lục thạo, tam lược, binh pháp đều tinh thông. Song tính cách và sở trường mỗi người một khác: Lưu Đàm uyên thâm sâu sắc về văn học, tính nết hiền hậu, ôn hòa. Lưu Điều giỏi võ nghệ, tính khí hiên ngang.
Theo ông Đức, cuốn ngọc phả ghi sự kiện về việc xướng xuất vua Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long có tên là: Lưu Đại Vương thần phả, viết bằng tiếng Hán trên một loại giấy bản khá dai và tốt, do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thảo vào năm 1572. Ngọc phả vẫn được giữ gìn cẩn thận trong một chiếc hòm cất trong hậu cung của đền thờ Lưu Khánh Đàm.
Ngọc phả ghi rõ hai vị công thần xuất xướng trình vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, không ai khác chính là anh em Thái úy Lưu Khánh Đàm. Cuối đời, Lưu Khánh Đàm xin về ở Lưu Xá, sửa chùa làng và tu ở đó. 
Tương truyền rằng, trong những năm tu ở chùa làng Lưu Khánh Đàm đã cùng các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô tổ chức cho dân "khai thông sông Luộc - Móc ruột sông Sinh - Đào phình sông Hóa" ở Thái Bình. Đến nay dân gian vẫn lưu truyền chuyện ba sư, một sãi.
Lưu Khánh Đàm qua đời, vua Thánh Tông về dự lễ an táng. Vì ông là khai quốc công thần nên vua ban tên nơi ông tu hành là chùa Báo Quốc. Lại ban cho ông tước vương, cho xây một tháp cao 9 trượng, 9 tầng ở bên lăng.
Đền Lưu Xá được cây sanh che phủ. 
Chuyện quanh cây sanh
Tại đền thờ Lưu Khánh Đàm, cây sanh cổ thụ được đánh giá là đẹp nhất nước ta từng được một đại gia trả giá hơn trăm tỷ đồng nhưng không ai dám bán. Có ý kiến cho rằng, cây sanh này mới khoảng 200 năm tuổi chứ không thể nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, cây sanh vô giá ở đền thờ Lưu Khánh Đàm không dưới 1.000 năm tuổi. Và có thể, cây sanh hiện tại chỉ là nhánh nhỏ còn lại mà thôi. Vì khi xâu chuỗi các tình tiết lịch sử, hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận số tuổi đền thờ và số tuổi cây sanh là bằng nhau.
Ông Trần Văn Tươi, thủ từ đền Lưu Xá cho hay: "Từ xa xưa các cụ trong làng vẫn truyền lại về cây sanh Thái úy. Có thể Thái úy Lưu Khánh Đàm đã trồng cây sanh này khi đang tu ở chùa Báo Quốc. Hoặc có thể sau khi ông qua đời thì người khác trồng ở trước đền để tưởng nhớ công ơn". 
Theo quan sát, cây sanh có độ cao trên 20m, thân và rễ đã liên kết với nhau tạo thành một lớp áo giáp phủ kín bức trấn phong. Cành cây tỏa bóng như một chiếc lọng, che chở cho ngôi đền. Năm 2013, cây sanh này được công nhận là cây Di sản cần được bảo vệ.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường nhận xét, cây sanh ở đền Lưu Khánh Đàm là một trong những "thần mộc" cổ thụ và đẹp nhất. Không thể dùng tiền để làm thước đo cho "thần mộc", vì gắn liền với giá trị lịch sử và ý nghĩa tâm linh.
Theo ông Tươi, đám cưới, đám ma hoặc ai đó đi qua cây sanh đều phải đứng lại ngả mũ kính cẩn. Riêng những người mặc áo đỏ thì tuyệt đối không bao giờ dám bước qua cửa đền. 
Mộ Thái úy Lưu Khánh Đàm ven dòng sông Luộc. 
Những cổ vật vô giá 
Hiện nay, trong đền thờ Lưu Xá còn giữ được khá nhiều cổ vật vô giá. Ngoài hiện trạng kiến trúc ngôi đền cổ, những hoành phi câu đối từ xa xưa vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Cùng với đó là 14 sắc phong cho anh em Lưu Khánh Đàm.
Bia đá cổ với những hàng chữ nho còn sắc nét ghi rõ thân thế sự nghiệp của Thái úy. Đồng thời, chữ trên bia đá cũng là những văn tự quý giá để đánh giá vai trò của anh em Lưu Khánh Đàm trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm và tấu trình vua dời đô ra Thăng Long.
Chiếc chuông đồng được treo gần bia đá trong đền thờ cũng là một cổ vật hiếm gặp. Các nhà khoa học đánh giá, chiếc chuông thậm chí còn có trước thời kỳ xây dựng đền thờ Lưu Xá. Ông Tươi cho biết, chuông có tiếng rất lạ, không kêu to nhưng lại vang xa đến vài cây số.
Nhưng có lẽ, 4 chiếc kiếm cổ trên ban thờ là quý giá hơn cả. Trong đó, một thanh là của Thái úy Lưu Khánh Đàm, một thanh của Thái phó Lưu Điều, hai thanh còn lại của 2 người em nuôi là Nguyễn Huy và Nguyễn Kỳ. 4 thanh kiếm này từng theo các vị tướng giết giặc ngoài biên ải, oai hùng tỏ rõ một thời.
Hiện nay, tại Lưu Xá còn giữ được mộ của hai anh em Thái úy Lưu Khánh Đàm. Mộ nằm giữa cánh đồng trù phú ven dòng sông Luộc, gần bến Lưu Gia cũ. Hai ngôi mộ cách nhau khoảng 300m và tọa lạc trên hai gò đất cao mà tương truyền đó là hai mắt của con rồng.
"Tên tuổi công danh và sự nghiệp của anh em Thái úy Lưu Khánh Đàm được ghi rõ: Quang lộc đại phu súy thành tá lý công thần, nhập nội thị sảnh đô, đô tri tiết độ sứ đồng tam ty Bình chương sự, thượng trụ quốc, khai quốc công thần, thực ấp 6.000 hộ, thực phong 3.000 hộ, thái úy quốc công, gia thái phó. Lý Nhân Tông lên ngôi, ban cho Lưu Khánh Đàm bốn mỹ tự "Hiển ứng linh thông".
Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Phạm Minh Đức
Trần Hòa