Bởi theo tương truyền, loại quế này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà nó có thể chữa được không ít bệnh. Nhưng chính vì tin vào điều thần kỳ của quế ngọc mà quan tri huyện Thọ Xuân xưa kia bị bêu đầu...
Một cân quế bạch đổi 4 - 5 cân vàng?
Ông Vi Mai Kế, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho hay, theo sử sách ghi lại thì ở nước ta có nhiều vùng có quế, nhưng quế xứ Thanh là tốt nhất, ngoài ra quế Nghệ An cũng vào hạng khá. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), cây quế ở châu Thường được "khắc hình tượng vào Nghị đỉnh" tức là ở một trong 9 đỉnh đồng lớn đặt trong cung cấm Đại nội Huế.
Theo số liệu thống kê của Phòng Hỗn hợp Thương Mại và Canh nông Bắc Trung kỳ thời Pháp thuộc in trên Tập san kinh tế Đông Dương năm 1936 thì 6 tháng đầu năm đó cả xứ Đông Dương xuất khẩu gần được 6 nghìn tạ quế. Loại quế vỏ nhỏ có 4 hạng, giá từ 12 - 27 đồng một tạ. Quế rừng Thanh Hóa ít khi nằm trong mặt hàng xuất khẩu đại trà, vì người ta tranh nhau mua hết ở trong xứ rồi. Mỗi khi bán quế Thanh, viên công sứ đầu tỉnh (người Pháp) công bố cho cả xứ biết, khách từ khắp Đông Dương tìm đến tranh nhau mua. Đặc biệt, loại quế bạch mỗi đồng cân quế (3,75 - 4g) giá tới 28 đồng bạc Đông Dương.
Từ xưa, nhiều sách đã ghi ba châu Thanh Hóa: Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân là quê hương của quế ngọc. Đó là do cái thế núi non, thổ nhưỡng và khí hậu đã tạo cho cây quế nơi đây có nhiều đặc tính mà nhiều nơi không có. Thế nên, từ trước đến nay có rất nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu nghiên cứu về loài quế ở Thường Xuân, nhưng vẫn chưa xếp cây quế nơi đây vào nhóm quế nào trên thế giới. Điều đó nó phản ánh một thực tế là trong cái chất của cây quế Thanh Hóa có nhiều điều bí ẩn nên chưa thể xác định "tính danh" của nó. Vì thế, từ thời Pháp thuộc người ta thường gọi là quế ngự, quế tiến vua.
|
Quế ngọc giờ bị tuyệt chủng, chỉ còn lại quế vườn. |
Thêm một điều bí ẩn về cây quế nơi đây nữa là, xưa kia có cây quế ngọc nơi đây nằm giáp ranh với huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An gây nên tranh chấp. Khi đó cụ Cầm Bá Thước đã đứng ra giải hòa, mang toàn bộ quế vào Huế tâu với vua nhà Nguyễn. Vua xét thấy cây quế đó thuộc đất của Thường Xuân, vì vậy đã hoàn trả cho người dân nơi đây.
Những cụ già nơi đây nói rằng, trước đây nếu bắt gặp được cây quế ngọc hơn được hũ vàng. Bởi một cân quế đó có thể đổi được 4 - 5 cân vàng, đó là chuyện đã từng có trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị vùng đất này.
Cây quế ngọc không chỉ có giá trị hơn vàng mà nó có thể chữa trị rất nhiều bệnh cho người dân. Cụ Cầm Bá Đẹ, thôn Lẹ Tà, xã Xuân Lẹ kể: Trước đây, ông có người cháu bị đau bụng kinh niên, nhiều năm điều trị thuốc các loại vẫn không khỏi, tiền thuốc tiêu tốn đến vài cây vàng mà bệnh vẫn không tiến triển. Một lần gặp được cây quế ngọc, lấy vỏ quế ép lấy tinh dầu uống, uống vài ngày thế là khỏi đau.
|
Ông Vi Mai Kế là người chứng kiến nhiều sự thay đổi về cây quế. |
Bêu đầu quan tri huyện vì quế
Gặp các cụ cao niên nơi đây, chúng tôi được kể nhiều các câu chuyện về cây quế ngọc. Thời Tự Đức có chuyện cứu người và chết người vì một cây quế. Vào thời có lệ mỗi năm hai châu Lang Chánh và huyện Thọ Xuân phải nộp cho triều đình một số quế nhất định. Một năm ruộng nương của người dân mất mùa, dân tình đói to, cụ ông già nhất Mường Trịnh Vạn cầu mộng được thành hoàng báo sẽ cho gặp một cây quế ở phía Đông ở Bù Ham. Sau đó, dân bản đã chia nhau đi tìm và quả nhiên đã bắt gặp cây quế bạch. Tri huyện Thọ Xuân nghe tin người dân tìm được quế quý đòi chiếm hai phần. Thành hoàng lại báo mộng khuyên quan huyện để cả cho dận đem bán, nuôi nhau qua lúc mất mùa. Nhưng vốn sẵn lòng tham nên viên quan không chịu nhường cho dân, hắn vơ tất từ thân đến rễ cây quế ngọc để tiến vua.
Từ ngày 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có quê hương của thái hậu vua Tự Đức phải ký nhượng cho người Pháp, bà lo nghĩ nhiều điều hại đến gan và gây ra bệnh về mắt. Tri huyện Thọ Xuân đã tìm hiểu về công hiệu của quế bạch này có khả năng chữa bệnh về mắt. Hắn tự đắc nói với cấp dưới rằng: Loại quế xấu có thể làm mù mắt, loại tốt uống vào mắt đau hóa lành, mắt mờ cũng sáng trở lại. Huống hồ gì đây là quế bạch là thần dược chữa bệnh về mắt. Cẩn trọng hơn, quan tri huyện đã dùng loại quế này chữa khỏi bệnh mù mắt cho một người dân trong vùng, nhờ thế mà ông tin tưởng sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ vua.
|
Ông Vi Văn Oanh (đội 3, thôn Bọng Nàng) là số ít người gắn bó với quế. |
Trong cung vua, các quan ngự y trong triều đã dùng nhiều loại thần dược, nhưng mắt thái hậu vẫn không nhìn được. Vì thế, khi nghe quan tri huyện Thọ Xuân dâng hai phiến quế lên cho thái hậu cùng với lời khẳng định chắc nịch, ông cam đoan bệnh của người sẽ khỏi khi dùng thần dược này. Nhưng không ngờ, khi các thái y cho thái hậu sử dụng quế không biết có quá liều không, nhưng vài hôm sau khi sử dụng thuốc mắt của mẹ vua đau nhức khủng khiếp. Vua Tự Đức biết chuyện đã nổi giận, lệnh cho quân lính chém đầu quan tri huyện. Điều kỳ lạ là hai hôm sau, mắt thái hậu đã hồi phục sáng trở lại. Vua Tự Đức mừng rỡ quá, lệnh cho các trạm dịch chạy hỏa tốc ra Thanh Hóa hủy quyết định trước, nhưng không kịp.
Từ sau sự kiện đó, vua Tự Đức có lệnh cho Thanh Hóa phải tận thu hồi, nạp hết mọi phiến vỏ và nạp cả rễ cây quế bạch ấy vào cung. Nhà nước sẽ cấp gạo, tiền cho dân sinh sống, xóa cho thuế tô còn thiếu và thưởng lệ thích đáng người có công tìm ra cây quế ngọc. Nghiêm cấm người dân, kể cả quan lại cất giấu lạm dụng quế ngọc. Nhưng lợi dụng chỉ thị đó, bọn quan lại, phục dịch nơi đây thừa cơ kiếm chác, lục soát tịch thu quế của người dân. Bọn chúng không hề quan tâm quế rừng hay quế nhà, hễ ai có quế là bị tịch thu.
Người dân nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện về cây quế ngọc, đây là loại quế rất quý giá, được người dân xưa quý hơn cả vàng. Vì giá trị của nó rất lớn, nó không chỉ có giá trị vì tiền bạc mà còn cứu chữa tính mạng cho nhiều người. Nhưng không phải ai cũng có thể tìm được nó, quế ngọc nằm sâu tận trong rừng thiêng, nước độc, khó tìm kiếm...
Ông Vi Mai Kế (nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân)
Đức Lợi