"Kế hoạch khủng bố 11/9" táo bạo của Hitler (2)

Google News

Speer đã miêu tả trong nhật ký của mình rằng, Hitler đã khao khát đến cháy bỏng cảnh tượng New York “sụp đổ trong biển lửa".

Tháng 5/1942, một đội 4 biệt kích Đức đã đổ bộ từ tàu ngầm lên bãi biển Long Island, cách New York chỉ vài dặm. Ăn mặc giả dân thường và mang theo thuốc nổ, số biệt kích này đã bắt tàu điện vào thành phố và trú ẩn tại một khách sạn.
Một lính gác phát hiện đội biệt kích này ngay khi đặt chân lên bờ biển đã mật báo cho FBI. FBI ngay lập tức tiến hành truy lùng, nhưng không tìm ra số biệt kích trên. May thay, John Dasch, trưởng nhóm biệt kích, đã quyết định đào ngũ, ra đầu thú cơ quan chức năng của Mỹ và khai báo không chỉ các thành viên của nhóm mà còn cả một nhóm khác vừa tới Florida.
 Những tên khủng bố Hitler gửi đi đã tiếp cận rất gần các mục tiêu tại New York.
J. Edgar Hoover, lãnh đạo FBI, lập tức loan báo về chiến công này. Ông cho biết nhiệm vụ của số biệt kích Đức là tấn công các nhà máy chế tạo vũ khí. Ông Hoover đã dấu sự thật - vì lo ngại gây ra sự hoảng sợ trong dân chúng - mục tiêu thực sự của các nhóm biệt kích là các công trình dân sự, như nhà ga trung tâm Grand. Những tên khủng bố mà Hitler cử đi đã tiếp cận được rất gần các mục tiêu này tại New York.
Quay trở lại Đức, mẫu máy bay Me 264 đầu tiên đã được bay thử nghiệm. Tuy nhiên, nó tỏ ra không ổn định và gần như không thể điều khiển được, thậm chí còn suýt bị rơi xuống đất. Dù sao, nỗ lực của Messerschmitt trong việc chế tạo một vũ khí có thể khiến nước Mỹ cúi đầu đã được đặt nền móng.
Những ý tưởng mới được kêu gọi, và viên phi công Col Viktor von Lossberg đã mạnh dạn nhận lời. Lossberg xung phong bay thẳng tới Đại Tây Dương, sau đó hạ cánh xuống nước, nhận bom cùng nguyên liệu cần thiết từ một chiếc tầu ngầm chờ sẵn và tiếp tục hành trình vào Mỹ. Sau khi đánh bom New York, máy bay của Lossberg sẽ quay lại chỗ cũ gặp tàu ngầm để báo tin thắng trận và lấy nhiên liệu trở về Đức.
Cuộc tấn công như vậy sẽ không gây thiệt hại lớn vì lượng thuốc nổ hạn chế nhưng lại mang tính biểu tượng rất lớn. Lossberg hứa với Hitler rằng những quả bom đầu tiên sẽ được thả vào các khu vực mà người Do Thái sinh sống và sẽ đánh một đòn đau vào niềm tự hào của người Mỹ. Lossberg đã được bật đèn xanh, lúc này, chỉ điều kiện khách quan mới có thể cản bước anh ta.
Biển lặng là điều kiện cần thiết cho chiến dịch này, do đó, việc tiến hành vào mùa đông bị loại bỏ. Mùa xuân năm 1944 được chọn làm thời điểm thích hợp, tuy nhiên tới lúc đó, Hải quân Mỹ đã loại bỏ gần như toàn bộ tàu ngầm Đức tại Đại Tây Dương và như vậy, kế hoạch của Lossberg đã bị hủy bỏ.
 Chiếc Me 264 được bay thử nghiệm tại Berlin. 
Thất bại trong việc sử dụng máy bay ném bom, Hitler chuyển sang một hy vọng mới, đó là sử dụng tên lửa. Những quả tên lửa lúc này đang được phát triển tại Trung tâm nghiên cứu vũ khí Peenemunde, nằm ở ven biển Baltic của Đức. Lúc đó, thứ "vũ khí kỳ diệu" mới này mới chỉ bắn được ở tầm ngắn, tuy nhiên, Hitler vẫn lạc quan tin tưởng về việc có thể nâng cấp chúng để bắn tới tận Mỹ.
Quân đồng minh ném bom Peenemunde, buộc Đức phải tiến hành công tác nghiên cứu tên lửa dưới lòng đất. Bằng việc sử dụng lao động nô lệ, Đức Quốc xã đã cho xây dựng một khu nghiên cứu mới nằm sâu trong lòng một ngọn núi tại Ebensee, thuộc Áo để lắp đặt một loại tên lửa xuyên lục địa.
Tuy nhiên, thời gian đã hết đối với mơ ước chế tạo thứ vũ khí chinh phục thế giới của Hitler. Từ giữa năm 1944, thất bại liên tiếp đến với Đế chế Thứ 3 từ Đông sang Tây. Tình trạng thiếu nhiên liệu - vấn đề hậu cần lớn nhất đối với Hitler - đã buộc máy bay và xe tăng của hắn nằm im, không thể hoạt động.
Hitler vẫn khao khát tìm cách tấn công New York, và không ngừng ấp ủ những ý nghĩ điên rồ. Đức đã có một chiếc máy bay có khả năng vượt Đại Tây Dương - máy bay chở khách đường dài Condor. Condor đã bay chuyến đầu tiên liên tục từ Berlin tới New York vào năm 1938, hết 25 giờ. Tuy nhiên, do không chứa đủ nhiên liệu, nó chỉ có thể bay một chiều.
Tiến sĩ Fritz Nallinger đã đưa ra một gợi ý cực đoan. Chất đầy thuốc nổ vào chiếc Condor và bay thẳng vào New York. Sau khi đặt chế độ lái tự động, phi công sẽ nhảy dù trước khi máy bay đâm vào mục tiêu. Điều này trùng hợp với một ý tưởng đã được quân đồng minh bí mật tiến hành nhằm phá hủy những cơ sở dưới lòng đất của Đức tại Pháp và Hà Lan bằng cách bắn những quả bom "biết bay" cùng tên lửa từ Anh. Không quân Mỹ đã có kinh nghiệm với cái mà họ gọi là những “robot” bom chứa đầy chất nổ bay thẳng vào mục tiêu, và phi công nhảy ra vào phút chót. Kế hoạch này rất nguy hiểm và đã thất bại hoàn toàn. Toàn bộ có 19 kế hoạch đã được triển khai, trong đó 4 phi công bị thiệt mạng (trong đó có cả trung úy Joe Kennedy, anh trai Tổng thống Kennedy), tuy nhiên, không có mục tiêu nào bị tiêu diệt.
Quân Đức chưa từng triển khai các chiến dịch kiểu như vậy. Chiếc Condor bay quá chậm và rất dễ bị quân Mỹ bắt hạ. Các phi công chiến đấu của Đức khi hết đạn đã hạ kẻ thù bằng việc lao thẳng vào mục tiêu - một chiến thuật tự sát, giống như các phi công kamikaze của Nhật Bản phi thẳng máy bay vào các tàu chiến Mỹ tại Thái Bình Dương.
Vì thế, Nallinger đã phác họa một chiến đấu cơ mạnh mẽ với sải cánh rất lớn. Gắn dưới thân nó là 5 chiếc máy bay nhỏ, 1 người lái. Chiếc máy bay này sẽ bay tới New York, đem theo các máy bay nhỏ chứa đầy chất nổ với nhiệm vụ đâm thẳng vào tòa nhà Manhattan.
Đầu năm 1945, Goering, trợ lý thân tín của Hitler, đã phê duyệt kế hoạch này. Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. Trú ẩn trong boongke tại Berlin, trong lúc Hồng quân Liên Xô đã tiến sát cửa ngõ, Hitler vẫn tiếp tục vạch kế hoạch trả thù.
Albert Speer, Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang, kể rằng Hitler đã ra lệnh chiếu những bộ phim có cảnh nhuốm lửa thủ đô London của Anh và Warsaw của Ba Lan sau khi bị Không quân Đức đánh bom, đồng thời ao ước điều tương tự sẽ xảy đến với nước Mỹ. Speer đã miêu tả trong nhật ký của mình rằng, Hitler đã khao khát đến cháy bỏng cảnh tượng New York “sụp đổ trong biển lửa, các tòa nhà chọc trời biến thành những ngọn đuốc cháy rừng rực và đổ sập lên nhau, toàn thành phố nổ tung, làm rực sáng cả bầu trời”.
Ước mơ của Hitler đã không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, 50 năm sau, những tên khủng bố người Hồi giáo đã hiện thực hóa điều hắn mong đợi, lao thẳng máy bay vào WTC và gây tang thương, chết chóc.
Theo Báo Tin tức