Ký ức khó quên về khám Chí Hòa

Google News

Khi chị Hoa xòe bàn tay, tôi nhìn và sững sờ. Phía trên cổ tay phải của chị là một vết sẹo khủng khiếp...

Kể lại những câu chuyện về đấu tranh trong các nhà tù của Mỹ - ngụy, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói: "Trong những ngày ở các trại giam, chị em chúng tôi chia sẻ cho nhau không chỉ từ miếng cơm, hớp nước, mà còn chia sẻ cả một chỗ nằm, một khe hở để thở. Chỉ có một thứ chúng tôi tranh giành nhau, đó là tranh giành xông ra trước để đỡ đòn cho đồng đội".

Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, tổ chức thi xem ai thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn trong số 350 phụ nữ tù chính trị từng bị giam tại các phòng OB1, OB2, OB3, OB4 của Khám Chí Hòa từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11/1969, sẽ có rất nhiều người còn thuộc. Người đã đọc thuộc lòng từng câu từng chữ trong Di chúc của Bác Hồ mà chúng tôi, cùng một số cán bộ trong Ban giám thị Trại giam Chí Hòa ngày hôm nay được nghe, chính là chị Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước.

Sáng ngày 29/6, chúng tôi đã mời chị Trương Mỹ Hoa, cùng các chị Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; chị Trần Hồng Nhật (hay còn gọi là Út Nhựt), nguyên Giám đốc Trường phụ nữ Lê Thị Riêng, chị Nguyễn Thị Loan (hay còn gọi là Lập Quốc), nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP HCM tới thăm lại nhà giam Chí Hòa.

Ngay tại phòng họp của Ban giám thị Trại giam Chí Hòa, khi nói về Di chúc của Bác, chị Trương Mỹ Hoa rưng rưng nước mắt kể lại: "Khi nhận được bản Di chúc của Bác được in trên một tờ báo ra công khai tại Sài Gòn ngày đó, do cơ sở bên ngoài đưa vào, chị em chúng tôi đọc và khóc rồi bảo nhau: Thấy chưa, Bác thương chị em mình và các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi nhất... Bác viết rằng: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta...".

Nghe chị Trương Mỹ Hoa đọc Di chúc của Bác, tất cả chúng tôi lặng đi. Rồi chị Hoa kể: "Ngày ấy, ở trong trại giam, chúng tôi phải học thuộc lòng tất cả từ các chỉ thị, nghị quyết về đấu tranh cách mạng từ bên ngoài chuyển vào, của Chi bộ nhà tù... Phải học thuộc vì đó là nguyên tắc giữ bí mật. Trong những ngày để tang Bác, chúng tôi cũng học thuộc Di chúc của Bác rồi tổ chức sinh hoạt kiểm điểm... Đối chiếu những việc mình đã làm với những điều Bác dạy, và tự phê bình".

Khi chị Hoa xòe bàn tay, tôi nhìn và sững sờ. Phía trên cổ tay phải của chị là một vết sẹo khủng khiếp, bóc gần như toàn bộ đến nửa cánh tay, và mấy ngón tay của chị, móng cũng bị chẻ đôi...

Tôi xin phép cầm bàn tay chị và hỏi về vết sẹo này, chị cười nhẹ nhàng: "Hồi chị bị bắt, chúng buộc hai tay chị rồi treo lên và hai đứa thay nhau đánh văng từ góc này sang góc khác. Không dè các móc buộc dây trên tường bị bật tung, chị văng xuống và đập tay vào cạnh thềm xi măng, bị đứt gân tay và bóc toàn bộ lớp da này... Sau này phải đưa vào viện nối gân tay. Còn những chỗ móng tay không liền được này là do bị chúng đóng đinh...".

 Chị Trương Mỹ Hoa kể cho nhà báo Nguyễn Như Phong về vết sẹo trên cổ tay phải.

Chỉ nghe chị kể lại mà tôi thấy lạnh hết sống lưng. Khi chị Hoa kể đến đó, chị Võ Thị Thắng nói thêm: "Ngày ấy, chị Hoa được gọi là Tâm "thẹo", vì trên người lắm sẹo quá do bị đòn tra tấn". Lúc này, tôi mới để ý thấy trên gương mặt chị cũng có mấy vết sẹo. Tôi hỏi nhỏ chị Hoa: "Thưa chị, em biết chị là thương binh hạng ba trên bốn (3/4), nhưng hồi đi khám, đã bao giờ chị đếm được trên mình có bao nhiêu sẹo do bị tra tấn không ạ?". Chị Hoa lắc đầu: "Chị chẳng đếm được, nhưng chắc cũng phải... vài chục".

Quả thật, ngày xưa, khi đọc tác phẩm “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân viết về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, có kể về tấm gương của chị X và chị Y. Các chị bị bắt và bị kẻ địch tra tấn bằng đủ các ngón đòn dã man nhất, trong đó có đóng đinh vào mười đầu ngón tay... học sinh chúng tôi rất cảm phục. Và không ngờ hôm nay lại được gặp chị X, chị Y... Chị X trong tác phẩm “Sống như anh” là chị Nguyễn Thị Châu, người đã có mối tình tuyệt đẹp với anh Lê Hồng Tư, một người bị chính quyền Diệm kết án tử hình. Còn chị Y, chính là chị Trương Mỹ Hoa nhưng khi bị bắt thì khai tên là Nguyễn Thị Tâm.

Hôm trước, chúng tôi có tới thăm anh Lê Hồng Tư và chị Châu, cũng được nghe chị kể lại những năm tháng khốc liệt ở nhà giam của Tổng nha Cảnh sát, Trại P42, Trại Thủ Đức. Tôi có hỏi chị Châu về cảm giác khi bị chúng đóng đinh vào kẽ móng tay, chị bảo: "Lúc đó nửa mê, nửa tỉnh và cứ nghe như văng vẳng tiếng Bác Hồ "Con ơi, ráng chịu con nhé!". Và khi trở về phòng, chị lại thầm nói với Bác: “Bác ơi, hôm nay chúng đánh con đau lắm, nhưng con không khai gì đâu!”.

Trong số hàng ngàn nữ tù chính trị bị địch bắt suốt từ năm 1955 đến 1975, có lẽ chị Trương Mỹ Hoa là người bị giam cầm lâu nhất (mặc dù chỉ bị kết án có 18 tháng tù). Chị bị bắt ngày 15/4/1964, khi mới 19 tuổi trong lúc cùng một chị khác đang mang tài liệu đi vận động học sinh, sinh viên chống lại âm mưu bắt đi lính của chính quyền Nguyễn Khánh. Mặc dù người cùng đi với chị ném được tập tài liệu và chạy thoát, nhưng chúng bắt được chị Hoa và đưa về trại giam ở Nha Cảnh sát đô thành.

Suốt 3 tháng trời, chúng tra tấn chị bằng đủ mọi ngón đòn dã man nhất. Nhưng chị kiên quyết không khai, không chịu chào cờ, không thực hiện các nội quy nhà giam... Sau gần 5 tháng tra khảo mà không thu được gì, bọn chúng đưa chị ra tòa xét xử với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và kết án chị 18 tháng tù rồi đưa vào Trại Thủ Đức. Nhằm khuất phục chị, bọn cai ngục giam chị riêng và không cho người nhà vào thăm, không cho tiếp tế.

Trong suốt thời gian ở các trại giam: Tổng nha Cảnh sát, Trại Thủ Đức, Khám Chí Hòa và rồi bị đày ra Côn Đảo, chị Trương Mỹ Hoa luôn bị coi vào loại "cứng đầu, cứng cổ" nhất. Khi ở trại Thủ Đức, chúng từng đưa chị vào biệt giam... 3 năm liền. Có lần tên quản đốc Dương Ngọc Minh gặp chị và thao thao bất tuyệt đọc bài thơ của Trần Dần... và nói xấu miền Bắc.

Rồi hắn thuyết phục rằng, chỉ cần chị tham gia chào cờ 3 buổi sáng, và hô "đả đảo Hồ Chí Minh" một lần thôi, thì chúng sẽ tha ngay lập tức. Thậm chí chúng còn hứa sẽ "bảo đảm bí mật cho chị", nhưng đáp lại, chị kiên quyết từ chối và nói thẳng: "Các ông muốn giết thì giết, muốn thủ tiêu thì thủ tiêu, còn tôi, tôi chỉ chào cờ của chúng tôi". Sau mỗi lần như vậy, chị lại bị chúng tra tấn và hành hạ bằng cách nhốt biệt giam hoặc phòng kỷ luật.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Petrotimes