Ở vùng đất kiêng tắm này, nếu ai cố tình vượt qua lằn ranh của tập tục này sẽ phải chịu phạt...
Từ xa xưa, người Ja Rai đã được coi là một tộc người sống tình nghĩa, có trước, có sau. Khi một người trong làng mất đi, cả dân làng sẽ xót thương, than khóc.
Và, họ có một cách để thể hiện tình nghĩa cũng hết sức lạ lùng là, trong quan niệm kết nối thế giới của người chết với thế giới của người sống thì người Ja Rai chọn cách kiêng tắm để làm sợi dây liên kết với người đã khuất. Họ cho rằng, trai gái phải kiêng tắm 3 năm mới có thể động viên, sẻ chia được với người đã về nơi chín suối.
Làng Chuết (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) là ngôi làng tập trung nhiều người Ja Rai sinh sống. Làng nằm khuất nẻo sau những triền núi cheo leo nên dẫu mang tiếng “phố phường” nó vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình đến ngỡ ngàng.
|
Già làng A’Ka đang kể về tập tục kiêng tắm để tưởng nhớ người chết. Ảnh: Hương Diễm. |
Ngồi bên bậu cửa, già A’Ka đôi mắt sáng, đầy tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về tập tục “không đụng hàng” của tộc người mình. Theo già kể thì tập tục người chồng hoặc
người vợ phải kiêng tắm trong 3 năm kể từ khi “một nửa” của mình chẳng may từ giã cõi đời để bày tỏ tình nghĩa cũng như thể hiện nỗi đau mất mát. Đây là tục lệ có từ rất lâu đời, cụ thể là từ bao giờ thì già A’Ka cũng không biết. Nhưng có một điều trước tiên là người Ja Rai vốn sống rất tình nghĩa, đề cao tình nghĩa vợ chồng thì ai ở đây cũng biết.
“Vợ chồng khi sống tốt với nhau 1 thì khi chết phải đối xử tốt với nhau 10. Tốt nhất thì người ở lại (vợ hoặc chồng) cần phải kiêng tắm trong 3 năm để thể hiện tình cảm, sự tiếc thương với người quá cố” - già A’Ka nói.
Bởi theo quan niệm của người Ja Rai, khi chưa làm lễ bỏ mả (từ 1 đến 3 năm, tùy theo điều kiện của từng gia đình) thì phần hồn của “con ma” vẫn còn sống trên dương gian. Sau khi làm ma chay cho người bạn đời đã khuất, trong suốt thời gian chờ đến ngày bỏ mả, người còn lại sẽ không được tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu, quần áo phải để như “lông con gà mái ấp”.
“Khi người vợ, hoặc chồng mất đi, người còn lại mà không chịu làm theo tục lệ là vi phạm lệ làng và bị dân làng cười chê, cộng đồng làng xử phạt nặng” - già A’Ka chia sẻ.
Chỉ được tắm khi nhà vợ (chồng) “thương”!
Việc 3 năm không tắm này chỉ kết thúc trước thời hạn khi mà người chồng hoặc người vợ thực hiện tốt tập tục và được bên nhà người quá cố theo dõi, ghi nhận. Tuy nhiên, nếu có thể được kết thúc sớm thì cũng phải sau 2 năm. Khi đó, người để tang mới được tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân, móng tay và có thể đi tìm “duyên mới”, không chịu sự ràng buộc từ người đã khuất.
Tìm hiểu cũng cho thấy, tuy có phần khắt khe, nhưng những người Ja Rai ở làng Chuết vẫn để cho người phải chịu tục kiêng tắm có cơ hội được gột rửa lớp bụi bẩn trên người mình. Nếu người đàn ông nào đang kiêng tắm nhưng may mắn được người chị hoặc em gái vợ thương tình, thì họ sẽ được phép tắm gội cho người đàn ông này. Còn nếu là phụ nữ thì phải là em hoặc anh trai của người chồng đã mất sẽ tắm rửa sạch sẽ cho, với điều kiện người phụ nữ đang kiêng tắm này được một trong những người kia đem lòng… yêu thương!
|
Ông K’Pah Reh. Ảnh: Hương Diễm. |
Được biết, người đang kiêng tắm luôn bị mọi người trong gia đình, họ hàng và xóm làng quan tâm, để ý xem người này có vi phạm gì không. Nếu người này vi phạm sẽ bị dân làng phạt lợn, trâu, rượu để cúng Yàng (trời). Nếu người chồng hoặc người vợ đang thực hiện lệ làng, kiêng tắm mà bị phát hiện nói chuyện hoặc có hành vi thân mật với người khác giới trong làng thì sẽ bị trừng phạt nặng.
Theo lời ông K’Pah Reh thì cách đây hơn 8 năm, trong làng có chị B’Bia bị bệnh chết khi mới 34 tuổi. Khi đang kiêng tắm để tang vợ thì anh K’Son qua lại với một người phụ nữ có chồng khác trong làng. Hai đứa con của anh phát hiện nên nói với gia đình chị B’Bia (nhà ngoại). Lúc đầu, gia đình chị B’Bia khuyên ngăn nhưng anh K’Son không nghe.
Về sau, gia đình chị B’Bia cùng người làng bắt quả tang anh K’Son đang hẹn hò với người phụ nữ kia. Sau đó, gia đình chị B’Bia yêu cầu anh nộp phạt 1 con trâu, 2 con heo và 10 ghè rượu cần để cúng Yàng tạ lỗi. Vì không có tiền nên anh K’Son bỏ đi biệt xứ đến bây giờ vẫn chưa trở về làng.
Giờ thực hiện nếp sống văn minh, nên những quy định của tập tục này đã được người dân làng Chuết lược bớt. Người chồng hoặc vợ chỉ phải kiêng tắm 1 tháng khi nửa kia của họ đã khuất núi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thậm chí để thể hiện tột cùng của nỗi đau mất mát người đã đầu gối tay ấp với mình, người chồng hoặc người vợ còn tự hành xác bằng cách lấy cật cây nứa rừng tự khía vào cơ thể mình đến tứa máu. Với cách hành xác như vậy, người vợ hoặc người chồng thể hiện được nỗi đau kiệt cùng với người đã khuất.
Theo Gia đình & Xã hội