Lạ lùng “hội chứng thiên tài”

Google News

(Kiến Thức) - Ở Mỹ, thậm chí người ta còn gọi đùa những thiên tài là kiểu người có đầu hình quả trứng bởi hộp sọ có kích thước vượt xa mức bình thường.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã đi sâu tìm hiểu những điều bí ẩn của các thiên tài mà hàng ngàn thế kỷ nay người ta vẫn cố công khám phá. Họ đã phát hiện ra nguyên nhân của hội chứng Marfan - một chứng bệnh hiếm gặp và có tính di truyền ở những người có trí tuệ cao siêu. Trong cơ thể họ có thừa chất andrenalin nên thường ở trong trạng thái bị kích thích thần kinh, và đây cũng là một trong những yếu tố phát sinh ra những khả năng đặc biệt.
Người ta còn gọi bệnh này là hội chứng của thiên tài. Trong số những người bị chứng này có tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, Christian Andersen, Charles de Gaulle, K.Trukovski. Các nhà sinh học và di truyền học nhất trí cho rằng những khả năng sáng tạo trí tuệ cao siêu của con người thường có liên quan đến những đặc điểm bên ngoài của họ và có biểu hiện của hội chứng Marfan như: dáng người cao nhưng lại rất gầy, ngực lép, hai bàn tay to không cân đối với những ngón tay dài hình con nhện. Ở Mỹ, thậm chí người ta còn gọi đùa những người đại diện cho tinh hoa trí tuệ là kiểu người có đầu hình quả trứng bởi hộp sọ quá cỡ vượt xa mức bình thường. Như những nhà di truyền học khẳng định thì những người này có khả năng làm việc phi thường đến khó tin. Họ say mê với công việc của mình và hướng đến sự hoàn thiện tuyệt đối.
A. Lincoln.
Thế nhưng ở họ còn luôn thường trực cảm giác lo lắng sợ hãi. Chẳng hạn, Andersen đã suốt đời mắc chứng sợ hỏa hoạn, sợ say sóng, sợ bị chậm trễ hoặc bị mất tài liệu. Nỗi sợ này là một bệnh lý mà ý thức không giúp gì được, thế nhưng ông đã sống chung với nó mà vẫn viết nên những câu chuyện cổ tích vui tươi và trong sáng. Nhà văn Nga nổi tiếng K.Trukovski cũng có một vẻ ngoài của hội chứng Marfan và có sức làm việc phi thường. Những người thân của ông khẳng định: “Ông làm việc đều đặn hàng ngày cho đến khi mệt lả, chẳng kể gì đến tuổi tác và chứng mất ngủ mà ông mắc phải từ thời trẻ”.
Mỗi thiên tài đều có sự kỳ quặc riêng của mình. Nhà soạn nhạc Bach sẽ không viết một dòng nhạc nào nếu như trước đó ông không thêu thùa đôi chút. Còn nhạc sỹ Subert thì khẳng định rằng, ông có thể “sáng tác nhạc thật hay” chỉ vào ban đêm và ở trên mái nhà mà ông đang sống. Rồi đến nhà văn R.Corsakov thậm chí sẽ không động đến ngòi bút nếu như trước mắt ông không hiện ra lờ mờ hình những con tàu. Để có cảm hứng, ông đã gấp khá nhiều con tàu giấy và thả chúng vào bình đựng mật ong.
Thế mà, với những thói quen gàn dở như vậy và với sự sáng tạo không giới hạn của mình, những vĩ nhân đó, bất kể trong lĩnh vực nào, dù là trong khoa học, nghệ thuật hay văn học, họ cũng đã làm thay đổi quan điểm của mọi người. Sự tưởng tượng của họ về thế giới đã tạo nên những điều quan trọng và cần thiết mà nếu như thiếu nó thì lịch sử nhân loại đã dẫm chân tại chỗ. Người ta gọi họ là những thiên tài. Và đôi khi, chính họ cũng tự gọi mình như vậy. “Tôi-Ygor Sverianin, một thiên tài”. Còn họa sỹ Salvador Dali thì viết trong lời nói đầu cuốn Nhật ký một thiên tài rằng “Về phương diện tinh thần thì tôi là một thiên tài vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, một thiên tài hiện đại”. Những lời tuyên bố như vậy đôi khi làm cho chúng ta kinh ngạc. Song ta hãy thử nhớ lại lời nói của thi sỹ Nga danh tiếng A.Puskin: “Thiên tài là người bạn của những điều nghịch lý”.
 Charles Dickens.
Hơn thế, chính các họa sỹ lại coi những điều kỳ quặc của mình là chuẩn mực. Auguste Renoir, một danh hoạ nổi tiếng đã nói về Van Gogh: “Cần có một chút điên rồ để làm nên một bức họa. Và nếu như Van Gogh là một người điên rồ thì tôi cũng thế”. Những điều bí ẩn và lạ lùng của Van Gogh trong các bức tranh đã được nói đến ngay khi chúng xuất hiện ở các cuộc triển lãm. Còn bản thân ông thì giải thích: “Các bức tranh đã tự đến với tôi như trong giấc mơ vậy”. Các nhà phê bình thì viết: “Ông không hiểu chính bản thân mình”. Đôi khi bạn bè ông vẫn nhớ về một danh họa bị “ám thị” đã sáng tác trong trạng thái nửa vô thức chỉ như là một sự “thể hiện bản thân”. Dẫu sao thì ông cũng đã làm việc với một sự ám thị đến kỳ lạ của một người lập dị, khác hẳn với những người bình thường.
Tiền sử bệnh lý của những bệnh nhân là người xuất chúng chứng tỏ rằng, nhiều người trong số họ đã bị chứng loạn thần kinh dạng trầm uất, có tính gây chiến, nhất là khi tâm trạng bị lệch lạc quá mức, nhưng nó lại ít liên quan đến ngoại cảnh và cũng không có sự rối loạn đặc biệt về tư duy. Trong thời điểm cao trào, nó được biểu hiện bằng nguồn năng lượng, là sự sảng khoái, phong phú về ý tưởng, nó được kích thích bởi niềm vui và sự say mê làm việc đến mức đáng kinh ngạc. Phải chăng đó là lúc những con người này đã sáng tạo nên những kiệt tác? Tuy nhiên, với trạng thái như vậy thì hoặc là họ sẽ dần dần trở lại bình thường, hoặc sẽ bị trầm cảm thường dẫn đến việc tự sát, hoặc tự hủy hoại những sáng tác của mình, như trong trường hợp xảy ra với Gogol khi ông đã ném phần hai bản thảo Những linh hồn chết vào lửa. Trong số những người bị chứng này có Berno, Byron, Dickens, Van Gogh, Robert Schuman, Roosevelt, Hemingway…
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy là ngay từ thời xa xưa, hầu như tất cả các vĩ nhân đều mắc chứng bệnh gout, đặc biệt là ở chân như Hipocrate. Về sau này còn xuất hiện nhiều người khác nữa, gồm các nhà triết học, họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà soạn nhạc, nhà thơ lớn trên khắp thế giới như: Kant, Goethe, Chuttsev, Rambrandt, Rubens, Renoir, Bethoven, Maupassant, Puskin, Turgenhev, Blok…Chỉ mãi đến giữa thế kỷ XX mới xác định được sự liên quan giữa những hiện tượng rất khác biệt - tính thiên tài và bệnh gout. Trong cơ thể những người bị bệnh gout có hàm lượng rất lớn tính acid uric. Theo như phân tích về cấu trúc thì chất này rất giống với cafein, là chất kích thích hoạt động của não và khả năng làm việc của con người.
Dù các nhà di truyền học, y học, tâm lý học đã cố gắng phân tích ngọn nguồn các triệu chứng bệnh tật ở những nhân vật xuất chúng nhưng vẫn chưa thể lý giải thấu đáo về sức sáng tạo và tư chất ở họ.
Ngọc Bích (theo AIF.ru)