Lai lịch ít biết về cụ Rùa Hồ Gươm

Google News

(Kiến Thức) - Cụ Rùa Hồ Gươm bao nhiêu tuổi? Cụ có phải gốc tích ở đó hay được mang từ nơi khác đến? Đó là những điều nhiều người đang đặt câu hỏi.

Loài đặc thù của Việt Nam
Theo từ điển Wikipedia, cụ Rùa Hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm khổng lồ sống ở nước ngọt. Cụ rùa đã được giới khoa học nghiên cứu từ lâu nhưng việc phân loại thì vẫn còn đang tranh cãi. Một số quan điểm cho rằng cụ Rùa này giống với loài rùa Thượng Hải có tên khoa học là Rafetus swinhoei. Tuy nhiên bằng các nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học Việt Nam đã chứng minh được đây là một loài hoàn toàn mới.
Lai lich it biet ve cu Rua Ho Guom
 Cụ Rùa Hồ Gươm trong một lần nổi lên năm 2010. Ảnh: Nam Khánh.
Trong bài viết đăng trên "Tạp chí Công nghệ sinh học" số 8 năm 2010 (hiện vẫn còn lưu trên trang iucn-tftsg.org) nhóm tác giả của Viện công nghệ sinh học và Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN cho rằng: “Rùa lớn mai mềm đã được quan sát và thu thập mẫu vật ở nhiều địa điểm khác nhau trên sông Hồng, sông Mã, sông Đà ở miền Bắc Việt Nam. Mẫu của rùa Rafetus swinhoei (GRAY, 1873) đã được cung cấp bởi Bảo tàng Naturhistorischem Wien, Áo.
Phân tích hình thái hộp sọ của các mẫu vật thu được cho thấy rùa lớn mai mềm của Việt Nam khác với rùa Rafetus swinhoei đã được mô tả trước đây là có hộp sọ rộng và bên ngoài nhẵn. Các đoạn gen của cytochrome B ty thể, NADH4 và 16S rRNA gene đã được nhân bản, giải trình tự và không có trình tự tương tự nào đã được công bố trên ngân hàng gene.
Phân tích phát sinh loài cho thấy rùa lớn mai mềm của Việt Nam tạo thành một nhóm riêng biệt, gần với Rafetus euphraticus và R. Swinhoei. Kết hợp so sánh hình thái của mẫu vật cũng như với phân bố của loại rùa này có thể kết luận rằng rùa lớn mai mềm nước ngọt của Việt Nam là một loài mới, chưa từng được nghiên cứu phân loại. Từ kết quả phân tích của chúng tôi có thể đặt tên rùa lớn mai mềm của Việt Nam là Rafetus vietnamensis”.
Lai lich it biet ve cu Rua Ho Guom-Hinh-2
Đầu và mõm cụ Rùa hồ Gươm trong lần nổi lên năm 2010. Ảnh: Nam Khánh. 
Cũng theo nghiên cứu nói trên, các đặc điểm của Rùa Hồ Gươm giống với đặc điểm của một số con rùa lớn khác đã được phát hiện ở vùng Thanh Hóa, Hòa Bình... Loài Rùa Hồ Gươm cũng là một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, đã được ghi vào trong Sách đỏ Việt Nam.
Hồ Gươm tuyệt chủng rùa
Các cá thể rùa cùng loại với Rùa Hồ Gươm ở nơi khác thì không rõ hoặc còn chưa được phát hiện. Trong khi đó, rùa ở Hồ Gươm, với việc cụ Rùa cuối cùng đã qua đời hôm 19/1, đã trở nên tuyệt chủng. Nhiều năm trước Phó Giáo sư Hà Đình Đức, người đã có rất nhiều năm chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, từng khẳng định trong Hồ Gươm chỉ có 4 cá thể rùa. Trong đó 3 cụ rùa đã chết từ những năm 1960 – 1970. Hai trong số 3 cụ rùa đã chết thì một cụ được làm tiêu bản trưng bày trong Đền Ngọc Sơn và một cụ thì bộ xương vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng Hà Nội.
Khác với ý kiến của ông Hà Đình Đức, một số người cho rằng Hồ Gươm vẫn còn nhiều cá thể rùa khác. Tuy nhiên năm 2011, khi người ta đưa cụ Rùa lên bờ 3 tháng để chữa trị các vết thương thì không hề thấy có cụ Rùa nào nổi lên mặt hồ nữa. Điều đó cũng chứng tỏ rằng cụ Rùa đó là cụ Rùa cuối cùng trong hồ.
Cụ rùa từ đâu tới?
Một vấn đề khác cũng được giới nghiên cứu và cả người dân tranh cãi là cụ Rùa ở Hồ Gươm là rùa bản địa hay là từ nơi khác đến. Một số ý kiến cho rằng Hồ Gươm trước đây từng là một nhánh của sông Hồng mà trên các khu vực khác quanh sông Hồng người ta đã phát hiện các cá thể rùa khác rất giống rùa Hồ Gươm. Do vậy đi đến kết luận rằng cụ Rùa Hồ Gươm là rùa bản địa của hồ. Tuy vậy quan điểm này có phần thiếu thuyết phục vì Hồ Tây cũng từng là nhánh sông Hồng và về diện tích còn rộng hơn Hồ Gươm nhiều nhưng lại không có rùa như Hồ Gươm.
Lai lich it biet ve cu Rua Ho Guom-Hinh-3
 Ông Hà Đình Đức bên cạnh cụ rùa. Ảnh: Hà Đình Đức.
Một ý kiến khác mà PGS Hà Đình Đức là người chủ thuyết cho rằng rùa Hồ Gươm vốn có xuất xứ từ Thanh Hóa và có thể do chính vua Lê Lợi thả vào. Trong bài báo “Giáo sư rùa Hà Đình Đức” đăng trên báo Người lao động năm 2003, PGS Hà Đình Đức suy đoán rằng Lê Lợi đã đem rùa từ Thanh Hóa ra thả ở hồ Lục Thủy (một tên cũ của Hồ Gươm).
Ông Đức giải thích rằng trước thời Lê Lợi không có tài liệu nào nói ở hồ Lục Thủy có rùa to. Rùa chỉ xuất hiện khi Lê Lợi lên ngôi. Trong khi đó, ở vùng Lam Kinh (Thanh Hóa), người ta còn lưu truyền nhiều câu chuyện về loài rùa khổng lồ, lưng to bằng chiếc chiếu đôi. Rồi có chuyện mai con rùa người dân bắt được ở Lam Kinh to đến nỗi 3 người chui vào trú mưa không ướt. Bên cạnh đó, những con rùa đá cõng bia trong đền chùa đình miếu ở Thanh Hóa cũng rất giống với rùa Hồ Gươm. Điều này càng chứng tỏ rằng, nghệ nhân xưa đã rất quen thuộc với loài rùa này, nên mới tạo tác giống như thế.
Lai lich it biet ve cu Rua Ho Guom-Hinh-4
 Cận cảnh cụ Rùa Hồ Gươm. Ảnh: Hà Đình Đức.
Sau đó, vào tháng 11/2001, ở vùng hồ Sen thuộc xã Quảng Phú huyện Thọ Xuân (nơi cách Lam Kinh chừng 10 km) người dân bắt được một con rùa nặng chừng 150 kg. Sau đó, vào năm 2004 báo Người lao động lại đưa tin cho biết Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đã hoàn tất việc giải mã ADN 3 mẫu rùa khổng lồ ở đền Ngọc Sơn, hồ Gươm Hà Nội, (nặng 200 kg), ở huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa (nặng 150 kg) và Bảo tàng tỉnh Hòa Bình (nặng 121 kg) là cùng một giống.
Trên cơ sở giả thiết Rùa Hồ Gươm được Lê Lợi thả, ông Hà Đình Đức cũng cho rằng cụ Rùa Hồ Gươm khoảng 700 tuổi. Tuy nhiên hồi tháng 4/2011, khi chữa trị cho cụ rùa, người ta đã tiến hành phân tích ADN của cụ và khẳng định cụ rùa này có thể có tuổi thọ hơn 100 năm mà thôi.
Nam Khánh