Những câu chuyện rùng rợn về xác chết sống lại được lưu truyền ở nhiều nơi trên thế giới, như Zombie ở phương Tây, Vetala ở Ấn Độ, Cương Thi ở Trung Quốc… Còn ở Việt Nam, đó là quỷ nhập tràng.
Quỷ nhập tràng thường được người Việt Nam mô tả là hiện tượng người chết bỗng bật dậy trong chốc lát, có khi còn đuổi theo những người đang sống, rồi sau đó mới “chết” hẳn. Nhưng cũng có một dạng quỷ nhập tràng khác, là những thây ma sống lại, đi đứng và sinh hoạt cùng người sống trong một thời gian dài.
Những giai thoại về quỷ nhập tràng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, có một số câu chuyện nửa hư nửa thực về quỷ nhập tràng được lưu truyền từ năm này qua năm khác tại các địa phương khác nhau với các tình tiết rùng rợn, khiến người nghe có thể sởn gai ốc. Dưới đây là một số câu chuyện được kể lại.
Vào trước năm 1945, ở làng Dũng Quyết, huyện Quế Dương (nay là một phần của huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh) xứ Kinh Bắc có người đàn ông tên Tòng bị bệnh chết. Trong khi đang chờ người nhà khâm liệm, ông chợt sống lại, đi đứng như người khỏe mạnh, nhưng không nói không cười, thân thể cứng đơ, đôi mắt luôn mở trừng trừng ngây dại.
Kể từ đó, gà vịt trong nhà ông luôn mất tích một cách khó hiểu, cho đến một lần nọ, người nhà phát hiện ông đang xé xác con chó để ăn sống bộ lòng. Gia đình nghĩ ông bị ma nhập nên mời thầy về trừ nhưng vô hiệu, thậm chí ông thầy bùa còn bị cắn đứt một miếng thịt ở vai.
Ông Tòng cứ sống như một thây ma, cho đến một ngày, sư bà trụ trì chùa Nguyệt Giáng xuất hiện. Bà chỉ lấy Phật Ấn dán ở hai đầu chái nhà, trên nóc nhà, sau đó lặng lẽ tụng kinh trì chú. Sau ba ngày đêm trì tụng, thây ma ngã gục xuống, thối rữa nhanh chóng, lúc nhúc dòi bọ…
Năm 1957, ở huyện Bù Đăng Bù Đốp - tỉnh Sông Bé (hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay) có một bé gái người dân tộc thiểu số sinh ra bị khuyết tật xương sống. Đứa bé lớn lên không đi, không nói được, chỉ trườn bò, đến 3 tuổi thì chết.
Người ta đem xác em bé vào rừng theo tập tục, nhưng một ngày sau thì nó sống lại, bò về nhà. Từ đó, mỗi đêm, em bé lại bò đi bắt gia cầm để ăn bộ đồ lòng. Khi việc này bị phát hiện, dân làng đòi giết em bé, nhưng ông Cai Tổng địa phương theo Tây học nên không đồng ý. Gia đình liền đóng chiếc cũi lớn, bỏ đứa bé bị “ma nhập” vào, rồi đưa lên núi bỏ cho mất tích. Từ đó về sau, làng không xảy ra chuyện gì lạ nữa.
|
Ảnh minh họa.
|
Ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) trước năm 1975 có một câu chuyện truyền miệng về bà cụ ngoài 70 tuổi bệnh chết nửa ngày rồi sống lại. Bà không nói năng gì, thấy ai ăn gì là chạy đến giật lấy bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Có lúc bà ngồi tự gặm lấy tay mình đến lộ cả xương, máu chảy ròng ròng mà vẫn tỏ vẻ ngon lành lắm. Cả nhà hoảng hốt băng bó thì bà lại gặm tay kia.
Gia đình trói bà vào thành giường và rước thầy pháp tới chữa. Rước đến cúng buổi sáng thì buổi tối trong nhà nghe tiếng khóc than rì rầm không ai ngủ được. Quá sợ hãi, cả nhà bắt bà đem vào nhà thương điên, ba ngày sau bà chết…
Khoa học “lật tẩy” quỷ nhập tràng
Trái với nhận định mang tính hoang đường trong dân gian, các nhà hoa khọc đã đưa ra nhiều sự lý giải hợp lý về hiện tượng này.
Theo đó, chuyện người chết bỗng bật dậy và “đuổi theo” người sống là do bị cuốn hút bởi ngoại lực có cảm ứng điện trường. Sau khi chết, điện tích âm tích tụ trong thi thể người mới chết còn chưa kịp thoát hết, nếu gặp nguồn điện tích dương mạnh, họ sẽ bị cuốn hút. Điện tích dương có thể là người sống, vật nuôi (nổi tiếng nhất là mèo đen), cũng có khi chỉ là giọt nước mắt hoặc rượu vô ý chạm vào xác chết. Với hiện tượng này, khi điện tích không còn, xác chết sẽ ngã xuống.
Còn chuyện người chết “hồi sinh” và khỏe mạnh liên quan đến việc khoa học chia cái chết làm hai thời kỳ: chết lâm sàng và chết sinh vật. Khi chết lâm sàng, phổi và tim người bệnh đều đã chết nhưng não vẫn chưa chết, họ vẫn có thể phục hồi được nhờ các phương pháp hồi sinh cấp cứu hiện đại. Chỉ khi não chết, bệnh nhân chuyển sang trạng thái chết sinh vật mới không thể cứu chữa. Một số người chết lâm sàng nhờ hội tụ một số điều kiện đặc biệt nào đó mà họ đột nhiên hồi tỉnh trong sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Một nguyên nhân khác có thể đẫn đến hiện tượng “người chết” sống lại là hội chứng giữ nguyên thể (catalepsy), một sự kết hợp giữa chứng động kinh, tâm thần phân liệt và các bệnh khác tác động đến hệ thần kinh trung ương. Khi bệnh nhân lên cơn, toàn bộ cơ thể sẽ cứng đơ, nhịp tim và hơi thở suy yếu, có khi gần như ngừng hẳn khiến người ngoài tưởng họ đã chết. Nhưng khi hết cơn, họ sẽ… sống lại.
Thế còn chuyện “quỷ nhập tràng” sau khi sống lại thích ăn thịt sống, máu tươi? Nếu đây không phải những câu chuyện “bịa” theo kiểu liêu trai thì khoa học hiện đại cũng có thể lý giải một cách hợp lý. Đó là việc hồi sinh sau cái chết lâm sàng khiến người bệnh bị chấn động tâm thần, mất ý thức con người và hành xử theo bản năng hoang dã (hoạt động về đêm, ăn uống vô tội vạ, thích thịt sống…).
T.B (tổng hợp)