Tương tự vụ rò rỉ hồ sơ Panama, những vụ rò rỉ tài liệu mật sau đây cũng từng gây rúng động lịch sử nhân loại. Hãy cùng điểm lại những vụ việc điển hình và gây ồn ào nhất.
Vụ bê bối Water Gate
Đây là một vụ rò rỉ tài liệu làm chấn động nước Mỹ. Vụ việc xảy ra vào năm 1972 và lùm xùm kéo dài đến tận năm 1974 dẫn đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức. Sự việc bắt đầu từ việc 5 người đàn ông bị bắt trong trụ sở của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ hôm 17/6/1972.
Mục đích đột nhập của 5 người này không phải để lấy tiền bạc hay vật quý giá mà là để đặt máy nghe lén và lục soát tài liệu trong phòng. Khi bị tra hỏi, một người trong số đó khai rằng anh ta làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
|
Khu phức hợp Water Gate. |
Từ những kẻ bị bắt, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lần ra manh mối của chiến dịch do thám này. Những kẻ chủ mưu vụ việc không phải ai xa lạ mà chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với Ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập nhắm vào đối thủ chính trị là đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, kết quả điều tra của FBI đã bị Nhà Trắng ỉm đi hòng che đậy âm mưu. Tuy nhiên 2 ngày sau báo chí đã nắm được tin tức. Người đã cung cấp tin tức cho báo chí lúc đó là Phó giám đốc FBI Mark Felt dưới bí danh là Deep Throat. Ông ta đã cung cấp những tin tức tối mật giúp các nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post phanh phui công bố trên mặt báo.
Khi sự việc đã ầm ĩ, Quốc hội Mỹ bèn lập ủy ban điều tra. Những cuốn băng ghi âm của Nhà Trắng chứng tỏ Tổng thống Nixon có dính líu trong vụ bưng bít nói trên, khi ông ra lệnh cho các phụ tá bảo CIA nói dối FBI trong một nỗ lực nhằm ngăn cuộc điều tra vụ Watergate.
Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9/8/1974, Tổng thống Nixon phải tuyên bố từ chức. Đêm 8/8/1974, Tổng thống Richard Nixon xuất hiện trước ống kính truyền hình tại Phòng Bầu dục và tuyên bố ông sẽ từ chức vào ngày hôm sau: "Tôi chưa bao giờ là người bỏ cuộc. Rời khỏi văn phòng này trước khi hoàn thành nhiệm kỳ của mình là ý nghĩ làm tôi căm ghét bản thân mình. Nhưng là tổng thống, tôi phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu”.
|
Trước nguy cơ bị phế truất, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức. |
Sau khi Nixon từ chức, một số phụ tá của ông phải đi tù vì tội lạm quyền trong vụ bê bối Watergate. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, vụ bê bối Water Gate chẳng những gây chấn động chính trường nước Mỹ trong thời kỳ đó mà nó còn ảnh hưởng lâu dài đến tận ngày nay. Sau sự việc, nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng còn hơn cả thời kỳ xảy ra nội chiến.
Wikileaks – nỗi ám ảnh của nhiều chính quyền
Đến thời gian gần đây, có lẽ WikiLeaks là một cái tên gây nỗi ám ảnh cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động ngầm. Đây không phải là tên một vụ rò rỉ mà nó là tên một tổ chức chuyên công khai các tài liệu mật được những người trong cuộc gửi đến.
Website của tổ chức này ra mắt vào năm 2006, do The Sunshine Press điều hành. Tổ chức này tự mô tả là được thành lập bởi những người Trung Quốc bất đồng quan điểm, cũng như các nhà báo, nhà toán học, và những nhà công nghệ của các công ty mới thành lập từ Mỹ, Đài Loan, châu Âu, châu Á và Nam Phi.
Theo tin tức của tạp chí The New Yorker vào tháng 7 năm 2010 thì Julian Assange, một nhà báo người Úc và là một nhà hoạt động Internet, là người điều hành tổ chức. Chỉ trong vòng một năm sau khi ra mắt, website tuyên bố cơ sở dữ liệu của họ đã có hơn 1,2 triệu tài liệu
Năm 2010 có lẽ là năm mà WikiLeaks gây chấn động cả thế giới với việc họ liên tục công bố các tài liệu mật bị rò rỉ. Ngày 22/10/2010 một loạt 391.831 tài liệu về cuộc chiến Iraq được công khai và được thế giới mô tả là "quả bom sự thật".
Tài liệu này tuyên bố đã có 285.000 người là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Trong đó ít nhất 109.000 người thiệt mạng từ tháng 3/2003 đến cuối năm 2009. Tài liệu này đã khiến chính quyền Mỹ không hài lòng vì họ luôn thông báo rằng họ không thể ước tính được số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến.
Tiếp đó, ngày 28/11/2010, 251.287 tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ được tiết lộ trên Wiki Leaks và còn được gửi đến 5 trang báo nổi tiếng nhất của Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Đây được coi là một vụ " tấn công 11/9 " vào nền ngoại giao Mỹ. Và dự kiến nó sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ ngoại giao của Mỹ và các nước khác.
Các tờ báo được cung cấp tài liệu gồm: New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh), El Pais (Tây Ban Nha), Aftenposten (Oslo, Na Uy).
Một tháng sau, vào ngày 06/12/2010, WikiLeaks tiếp tục “tấn công” chính quyền Mỹ khi công bố danh sách các cơ sở hạ tầng và nguồn lực quan trọng trên thế giới mà "nếu mất mát có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ".
Danh sách bao gồm các tuyến cáp ngầm dưới đáy biển, các hệ thống viễn thông, hải cảng, đường ống dầu khí, các công ty kinh doanh... ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Điều đáng nói ở đây là danh sách này được ngoại trưởng Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao của mình thu thập.
Do những tiết lộ của WikiLeaks bất lợi cho mình, chính quyền Mỹ đã gây sức ép cho Amazon.com không cho WikiLeaks thuê máy chủ nữa vào ngày 1/12/2010. Hiện nay WikiLeaks chỉ còn duy trì trên máy chủ của Bahnhof tại Thụy Điển. Theo CNN, trung tâm dữ liệu của Bahnhof đặt trong một ngọn núi ở gần Stockholm. Các máy chủ được đặt sâu 30m, trong một căn hầm ngầm chống bom hạt nhân được xây từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tiết lộ của Edward Snowden
Edward Joseph Snowden (sinh ngày 21 tháng 6 năm 1983) là một cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và cựu nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Năm 2013 Snowden đã làm rò rỉ những bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ và Anh cho giới báo chí, đó là những chương trình theo dõi người dân.
Snowden đã tiết lộ những thông tin về nhiều chương trình theo dõi mật, bao gồm chương trình siêu dữ liệu nghe lén điện thoại của Mỹ và châu Âu, PRISM (một chương trình theo dõi khác) và chương trình theo dõi Internet Tempora. Snowden nói những tiết lộ này là một nỗ lực nhằm "thông báo cho người dân biết rằng những gì đã được thực hiện trên chính cái tên của họ và những gì đã được thực hiện để chống lại họ”.
Vì hành động này, vào ngày 14 tháng 6 năm 2013, các công tố viên liên bang của Mỹ đã đệ một đơn kiện, buộc tội Snowden trộm cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép về thông tin quốc phòng, và cố ý tiết lộ tin tình báo mật cho một người không có quyền hạn.
Những tiết lộ của Snowden khiến dư luận không chỉ ở Mỹ hoang mang. Họ bàng hoàng nhận ra rằng bấy lâu nay nhất cử nhất động của họ đều bị chính phủ theo dõi. Matthew M. Aid, một sử gia về tình báo ở Washington cho rằng những tiết lộ của Snowden đã "xác nhận mối ngờ vực bấy lâu nay rằng sự theo dõi của NSA trên đất nước này thâm nhập xa hơn những gì chúng ta biết
Do hành động này, Snowden đã phải rời bỏ Mỹ và xin tị nạn tại Nga. Vào ngày 1 tháng 8, 2013, Snowden rời khỏi phi trường lúc nhận được quyền tị nạn tạm thời tại đây một năm, sau khi phải ở một tháng trong khu vực chuyển tiếp.
Nam Khánh