Hiếm như "đô-la đỏ"
Theo những người sưu tầm đồ cổ ở Đà Nẵng, việc sở hữu những đồng tiền cổ từ các thời vua chúa xa xưa còn dễ hơn là tìm được một đồng đô la đỏ. Nhà sưu tập Dương Thái Bình (P.Hải Châu 1, Đà Nẵng) kể: "Trước đây tôi cũng mua lại được vài đồng đô-la đỏ nhưng đã chuyển cho Bảo tàng Đà Nẵng. Bây giờ kiếm được một đồng đô- la đỏ khó lắm, lùng mua hoài mà vẫn không ra".
Trên Internet, những người thích sưu tầm tiền cổ cũng lùng sục tìm mua, thế nhưng rất ít người may mắn mua được. Vậy đô- la đỏ có gì đặc biệt? Tìm hiểu mới hay, thực ra những đồng bạc này không hẳn là màu đỏ, nhưng nhiều người gọi vậy để phân biệt với đồng đô-la chính thống màu xanh. Từ sau thế chiến thứ 2, giới chức Mỹ đã phát hành một loại đô-la khác có mệnh giá quy đổi tương đương với đồng đô-la chính thống, cung cấp cho nhân viên quân sự và dân sự tiêu dùng ngoài phạm vi nước Mỹ, được gọi với cái tên khác là "phiếu quân dụng".
Việc cho lưu hành loại tiền này là một việc làm khôn ngoan của giới chức Mỹ để tránh cho đồng Mỹ kim chảy máu ra nước ngoài, bảo vệ nền kinh tế nước Mỹ. Loại tiền này có mệnh giá từ tờ 1 cent đến tờ 1, 2, 5, 10 và 50 đô-la. Kỹ thuật in ấn với hình ảnh, hoa văn trang trí cực tinh xảo. Hoa văn trên giấy bạc có màu xanh, nâu, tím nhưng riêng tờ 50 cent và tờ 1 đô-la có màu đỏ. Tất cả các tờ bạc đều ghi khuyến cáo "Phiếu quân dụng, chỉ được sử dụng trong các đơn vị, tổ chức quân đội Mỹ".
Anh Huỳnh Đình Quốc Thiện-cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đã tra khảo, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau nhưng vẫn không thể biết những hình ảnh được in trên đô-la đỏ là nhân vật nào, có đồng tiền in hình tượng Nữ thần Tự do nhưng gương mặt thì không phải. Do đồng tiền này chỉ sử dụng trong các đơn vị quân đội Mỹ, khi quân Mỹ rút về nước những đồng tiền này cũng không còn giá trị, vì vậy người dân không lưu giữ nên bây giờ mới hiếm như vậy".
|
Những đồng đô-la đỏ mà Mỹ lưu hành khi tham chiến ở miền Nam Việt Nam, được lưu giữ ở Bảo tàng Đà Nẵng. |
Mặt trái của đô-la đỏ
Khi hàng ngàn lính Mỹ bắt đầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam tham gia cuộc chiến phi nghĩa, nhiều người nghĩ rằng kinh tế miền Nam lúc bấy giờ sẽ phát triển. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Trong hồi ký của mình, ông Nguyễn Hữu Hạnh-nguyên Thống đốc Ngân hàng quốc gia lúc bấy giờ, kể: đồng đô-la đỏ có lợi cho nước Mỹ nhưng lại gây tổn hại và dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nước sở tại, đẩy nền kinh tế VNCH suy giảm một cách nghiêm trọng: "Tôi thường nói với những đối tác phía bên Mỹ và Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ rằng: 500 ngàn du khách (số lính Mỹ tham chiến ở miền Nam), lương mỗi tháng 600 USD mỗi người, là một gánh nặng quá lớn cho nền kinh tế nhỏ bé như miền Nam. Nếu như họ được phép tiêu xài thả cửa trên thị trường bản địa, sẽ tạo ra một áp lực khổng lồ trên mặt cung ứng sản phẩm và tỷ lệ lạm phát sẽ bùng nổ theo chiều hướng tệ hại. Tôi cực lực yêu cầu những người lính Mỹ chỉ được tiêu xài trong phạm vi căn cứ của họ và phải được cách ly khỏi nền kinh tế miền Nam".
Nhìn thấy vấn đề nhưng ông Hạnh cũng chẳng làm gì được, vì chính quyền ngụy quyền chẳng dám đụng vào quyền lợi của người Mỹ. "Đánh hơi thấy một cơ hội kinh doanh lớn trong một cộng đồng đông đúc người Mỹ, một số lớn những tay kinh doanh Mỹ đã đến Việt Nam và làm giàu bằng cách cung cấp dịch vụ cho lính Mỹ. Họ cung cấp hàng chợ đen, các cuộc giải trí bất hợp pháp, bán đô-la xanh, mua đô-la đỏ. Họ giàu lên rất nhanh, đồng thời gây nhiều xáo trộn trong thị trường hoán đổi tiền tệ. Tòa đại sứ Mỹ không làm gì được để ngăn chặn những hành động bất hợp pháp và tai hại như vậy. Họ nói với tôi rằng đã trao đổi với chính phủ nhưng không bao giờ có câu trả lời. Nhân viên chính phủ miền Nam không muốn dính líu đến những chuyện này, có lẽ vì họ không hiểu bao nhiêu về ảnh hưởng đối với nền kinh tế và cũng vì họ không muốn đụng tới công việc của người Mỹ"-ông Hạnh kể lại trong hồi ký.
Qua những gì ông Hạnh kể, chúng ta có thể thấy sự bất lực của chính quyền ngụy khi đối phó với ảnh hưởng của đồng đô-la đỏ, vì vậy mà đồng bạc của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ bị lạm phát từ 170 đến 200%. Để giảm thiểu sự ảnh hưởng của đồng đô-la đỏ đối với nền kinh tế ngụy quyền, giới chức Mỹ đôi lúc cũng cho đổi tiền đô-la đỏ nhưng cũng không hạn chế được tiêu cực là mấy. Sau Hiệp định Paris 1973, khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam thì đồng đô-la đỏ cũng chấm dứt sứ mệnh của nó, nhưng tác hại về kinh tế và đời sống xã hội mà nó gây ra vẫn còn rất lớn... Tìm hiểu về những đồng đô-la đỏ, chúng ta có thể biết thêm về một khía cạnh khác của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Theo Công an Đà Nẵng