Lời sấm truyền bí ẩn và kho báu họ Mạc

Google News

Quanh các kho báu là những bài sấm truyền như một lời nguyền để bảo vệ kho báu mà đến giờ vài người già còn sống vẫn nhớ.

Trong quá trình di cư sang miền Tây Việt Nam cũng như quá trình đóng đô dựng nghiệp ở đây, dòng họ Mạc đã tích lũy được không ít của cải. Sau này triều Nguyễn chiếm đánh vào miền Tây, họ Mạc lụi tàn, các châu báu này thất thoát hoặc đang được chôn giấu ở đâu vẫn là một bí ẩn.
Cuối thế kỷ 17, đầu 18, bên Trung Hoa, triều đình nhà Thanh lật đổ triều Minh. Những trung thần nhà Minh không chịu thần phục, tổ chức “phản Thanh phục Minh” dưới nhiều hình thức, trong đó có Mạc Cửu là viên tướng dẫn đầu. Bị truy đuổi quá gắt gao, Mạc Cửu di chuyển sang miền Tây của Việt Nam ẩn náu.
Trong thời gian khai phá phương Nam, họ Mạc đã xây dựng Hà Tiên (Kiên Giang) thành thủ phủ. Tuy dưới quyền của triều đình nhà Nguyễn nhưng dòng Mạc có những quyền tự trị nhất định, có quân đội, tài chính, ngoại giao riêng.
Thực hư bài sấm truyền giữ kho báu
Giai đoạn cực thịnh của “vương quốc họ Mạc” là khi Mạc Thiên Tích làm Tổng binh trấn, trong đó hoạt động giao thương buôn bán rất phát triển. Khi “Cường quốc” ở xứ Tây Nam này lụi tàn, đã có nhiều nghi hoặc về một kho báu bí ẩn dưới những khu lăng mộ hoặc ngay dưới chân các dinh tổng. Quanh các kho báu này là những bài sấm truyền như một lời nguyền để bảo vệ kho báu mà đến giờ vài người già còn sống vẫn nhớ và khó lý giải rõ ràng.
Trong nhiều lần về miền Tây khảo cứu về dấu tích cũng như những năm tháng tồn tại của dòng họ Mạc ở vùng đất này, tiến sĩ sử học Trần Quốc Bình vẫn chưa tìm ra được cặn kẽ thời gian cũng như những việc làm và đóng góp của dòng họ Mạc trên mảnh đất này.
Dòng họ Mạc nói đến ở đây là gia tộc họ Mạc ở Hà Tiên rất nổi tiếng gốc người Hoa, mà người đầu tiên là Mạc Cửu, có công cai quản và khai khẩn miền Tây, rồi sau này do có nhiều binh biến phải dâng đất này cho triều đình nhà Nguyễn, làm cho lãnh thổ Việt Nam được mở rộng tới vùng cực Nam như ngày nay.
Ông Bình nhận định rằng, cách đây gần 2 thế kỷ, khi đó một lượng người Hoa rất lớn di cư sang miền Tây Việt Nam, đó là họ Mạc. Họ đóng đô ở mảnh đất này rất lâu với cơ đồ muốn lập nên một “vương quốc” nhỏ bé của riêng mình. Thế nhưng khi chưa đủ mạnh thì đã bị triều đình nhà Nguyễn dập tắt. Các tài liệu khảo cứu mà ông Bình thu thập được cho thấy, dòng họ Mạc gần như chiếm lĩnh được hàng trăm ngàn héc ta đất ở Hà Tiên và một số tỉnh lân cận.
Sau khi ổn định nơi cư trú, dòng họ Mạc bắt đầu triển khai việc thiết lập một hệ thống tự trị riêng, họ cũng bầu tổng đốc và các chức quan nhỏ dần đến tận bản ấp (tương đương với chính quyền xã như bây giờ). Dòng họ Mạc cũng bài trí cả lực lượng quân đội và hệ thống tài chính riêng. Điều này cho thấy họ rất khao khát muốn được định cư ở vùng đất phía Tây này của Việt Nam một cách lâu dài.
Trong quá trình di cư sang miền Tây Việt Nam cũng như quá trình đóng đô dựng nghiệp ở đây, dòng họ Mạc đã tích lũy được không ít của cải. Sau này triều Nguyễn chiếm đánh vào miền Tây, họ Mạc lụi tàn, các châu báu này thất thoát hoặc đang được chôn giấu ở đâu vẫn là một bí ẩn.
Ông Trần Hữu Tám, năm nay đã 76 tuổi còn nhớ láng máng cho biết: “Ngày đó khi tôi mới bước qua tuổi lên 10 đã nghe cha tôi kể lại dòng họ Mạc gốc Hoa rất thịnh trị ở vùng đất này. Linh cảm sẽ bị nhà Nguyễn tiến đánh vào nên những người Hoa dòng họ Mạc đã lập nên một bài sấm truyền, tựa như những lời bùa chú để đặt cạnh các kho báu, chôn cất trước lúc rút chạy.
Nhiều bậc cao niên ở Hà Tiên vẫn lưu truyền một bài sấm và cho rằng đó là dòng họ Mạc viết nên làm ám hiệu mà chỉ những người trong dòng tộc mới biết. Bài sấm đó nôm na rằng: “Trời tây bóng ngả chênh chênh/ Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng/ Vàng trong hang đá/ Vàng chói sáng lòa/ Vọng lên lầu các nguy nga/ Ao sen nở trắng trước tòa khói hương”.
Dịch nghĩa có thể là: Vào xế chiều, mặt trời chiếu từ hướng tây, ở thời điểm đó bóng sẽ rọi đến nơi có chứa kho báu. Những khu lăng mộ ẩn chứa nhiều bí mật lấp lánh. Hoặc cũng có thể, dòng họ Mạc đã lập nên những bài bùa chú thật để bảo vệ các kho báu của mình.
Tuy nhiên tất cả những suy đoán này đến nay vẫn chỉ là truyền miệng trong các thế hệ của những người dân ở Hà Tiên. Ông Tám kể tiếp rằng, các lớp trước vẫn kể lại một cách rành mạch, dòng họ Mạc ngày càng lôi kéo rất nhiều người cùng dòng tộc của họ sang định cư. Nhiều đêm luyện quân bí mật đã diễn ra trong sự ngỡ ngàng của những người dân bản địa.
Lúc này nhà nho Trần Khắc Đán đã viết một bài kệ với nội dung phỏng đoán rằng; dòng họ Mạc muốn chiếm lĩnh miền Tây, những kho báu đang được ngấm ngầm vơ vét và chôn giấu ở những nơi bí mật với mong muốn sẽ có ngày số châu báu này làm lộ phí nuôi quân khi xảy ra biến cố.
Tuy nhiên đến nay bài kệ của ông Đán đã thất lạc không còn bút tích nguyên bản nữa. Thế nhưng những tư liệu lịch sử cho thấy, sau một thời gian dài chiếm đóng và tạo dựng cơ nghiệp ở miền Tây, họ Mạc có quân đội riêng, in tiền riêng, chủ trương mở rộng giao thương với cả một số nước Bắc Á và những nước Đông Nam Á, họ có đội tàu buôn hùng hậu.
Với đội tàu buôn này, dòng họ Mạc thu bộn tiền của và nhiều người cũng đặt nghi vấn có cả sự trao đổi mua bán vũ khí tích trữ trong những chuyến hàng buôn này. Bằng những hoạt động này thì số của cải mà dòng họ Mạc tích lũy được sẽ không phải là nhỏ.
Tuy nhiên, khi bị triều Nguyễn vào chiếm miền Tây, dòng họ Mạc bỏ chạy hầu như đều không mang theo các châu báu, nhà Nguyễn cũng không truy tìm ra lượng châu báu này. Nhiều người cho rằng, chính những bài sấm truyền đã khiến người khác không tìm thấy kho báu ngay trong lúc đó.
Danh tướng thất trận và cuộc khai quật mộ lịch sử để tìm vàng
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng như lời nhận định của tiến sĩ Trần Quốc Bình, thì dù là mang mưu đồ sang ẩn náu ở miền Tây Việt Nam để tôi luyện quân lính hòng chờ cơ hội quay về phục hồi lại nhà Minh, nhưng rõ ràng Mạc Cửu là một danh tướng giỏi đã có công lớn trong việc khai phá vùng đất hoang ở miền Tây.
Sau khi Mạc Cửu sức yếu, hậu duệ của ông là Mạc Thiên Tích lên thay thế để cai quản vùng đất phương Nam này. Mạc Thiên Tích cũng là một viên tướng thao lược như cha ông của mình. Tuy nhiên quân đội nhà Nguyễn khá hùng hậu nên dòng họ Mạc đã phải thất trận. Nhiều viên tướng lĩnh đã phải bỏ mạng tại vùng đất Hà Tiên, cả Mạc Thiên Tích cùng vợ của mình cũng bỏ mạng tại đây. Sau khi thắng thế họ Mạc, nhà Nguyễn vẫn không tài nào tìm ra được kho báu họ Mạc đã cất giấu.
Bước sang những năm đầu tiên của thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn suy vong, thực dân Pháp sang đô hộ Việt Nam. Cả vùng đất phương Nam bị chúng liên tục quấy phá và cướp bóc. Lúc này, cai quản Hà Tiên là viên tướng Roux Serret. Đây là một viên tướng tham lam và quái ác. Sở dĩ y được giao cai quản Hà Tiên là vì trước khi tiến hành xâm chiếm đã nhiều lần viên tướng này sang thám thính và biết dòng họ Mạc từng thịnh trị ở vùng đất này.
Ngay sau khi chiếm đóng Hà Tiên, việc đầu tiên mà viên tướng Roux Serret làm là khảo sát và suy đoán xem kho báu dòng họ Mạc đã cất giấu ở đâu. Mục tiêu được chúng đưa vào tầm ngắm là các lăng mộ của tướng lĩnh họ Mạc trong đó có Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Sau khi xác định mục tiêu và lên kế hoạch, năm Tân Hợi (1911), viên tướng Pháp này chỉ đạo đoàn tù khổ sai phá đất đá ở núi Bình San và xới tung gần 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc để tìm vàng.
Việc khai quật được tiến hành đầu tiên với ngôi mộ của vợ Mạc Thiên Tích. Ngôi mộ rất lớn, đoàn tù khổ sai đục đến chiều tối ngày thứ 10 mới phá được chỗ bệ thờ trước mộ bia. Đây là một trong những cuộc đào bới khủng khiếp nhất thời bấy giờ.
Nhiều hậu duệ của dòng họ Mạc sau này cho rằng, trong cuộc đào bới đó viên tướng Pháp cùng đội quân binh của y đã thu được rất nhiều châu báu với hàng trăm chiếc mâm vàng, hàng trăm con rồng đúc bằng vàng và nhiều vật dụng quý khác.
Do rất hiếm người được chứng kiến cuộc đào xới này, hơn nữa các hậu duệ của dòng họ Mạc giờ lưu lạc biệt tích nên khó ai xác định được số của cải mà viên tướng Pháp đã khai quật được khi đó là bao nhiêu. Tuy nhiên có một câu chuyện đầy kỳ bí mà đến giờ hầu hết người già ở Hà Tiên vẫn cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác rằng; ngay sau khi đào tung các ngôi mộ của dòng họ Mạc, trong một buổi sáng đi thị sát và duyệt binh có nhiều chuyện lạ đã xảy ra với viên tướng Pháp này.
Khi y cưỡi ngựa qua khu mộ mình đã chỉ huy đào bới, bỗng nhiên cuồng phong nổi lên ào ạt, ngựa bỗng nhảy chồm lên không tài nào điều khiển được dây cương. Chỉ trong chớp mắt, viên tướng Pháp này bị hất tung xuống đất rồi về nhà ốm li bì mãi không khỏi, cuối cùng chính quyền Pháp phải điều một viên tướng khác sang thay thế.
Sau cuộc đào bới lịch sử đó, hiện nay một số lăng mộ của dòng tộc nhà Mạc Cửu vẫn được bảo vệ và yên ổn tại Hà Tiên. Sự linh thiêng quanh kho báu cũng như các lăng mộ này vẫn là bí ẩn. Ghi nhớ công ơn khai khẩn cả một vùng đất hoang, chính quyền tỉnh Kiên Giang còn công nhận Mạc Cửu là một danh tướng có công đồng thời lên phương án bảo vệ tất cả các lăng mộ của dòng họ Mạc, xem đó là một di tích lịch sử.
Theo Hôn nhân & Pháp luật

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Khánh Nguyên -

Ai diệt họ Mạc ?
Theo wikipedia, họ Mạc là công thần triều Nguyễn, sau bị Tây Sơn đánh bại nên Mạc Thiên Tích chạy sang Xiêm La, bị bạc đãi nên tự tử. Sao bài báo này lại nói triều Nguyễn diệt họ Mạc ?

Hiển thị thêm bình luận